Xã hội

Nỗi đau của gia đình mẹ con sản phụ tử vong

Bỗng chốc bị mất đi 2 người thân cùng lúc, nhưng gia đình anh Yên (người nhà sản phụ T.T.V) vẫn chưa nhận được lý do thỏa đáng nào cho sự việc này. Mỗi lần nhìn thấy mẹ con chị V qua tấm di ảnh đặt trên bàn thờ, người nhà sản phụ lại không thể cầm được nước mắt.

Nỗi đau chồng chất nỗi đau

Ngôi nhà của sản phụ T.T.V (36 tuổi) nằm khuất trong con ngõ nhỏ tại thôn Đầm Mơ (xã Hồng Phong, Chương Mỹ, Hà Nội), vốn đã vắng lặng nay thêm hiu quạnh bởi sự mất mát con người nơi đây. Chị V và đứa con mới sinh, chưa hề giáp mặt, đã cùng tử vong do biến chứng sản khoa tại bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ vào hồi 4h15 sáng 1/10.

Bao trùm khắp căn nhà là không khí tang tóc đau thương khiến những người xung quanh không kìm được nước mắt. Trên khuôn mặt đầy buồn bã với đôi mắt sưng đỏ, anh Đỗ Viết Yên (29 tuổi, em trai chồng của chị V) chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp luật: “Chị V. nhập viện từ ngày 26/9. Các bác sĩ nhận thấy chưa có dấu hiệu sinh nên muốn theo dõi thêm, đợi đủ ngày đủ tháng để em bé ra đời được khỏe mạnh”.

Theo anh Yên, trong quá trình mang thai, chị V. đã nhiều lần chảy máu và phải đi khám. Ban đầu, gia đình dự định sẽ đưa chị V. lên bệnh viện Phụ sản Hà Nội nhưng vì quãng đường di chuyển khá xa nên gia đình đưa chị đến bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ.

Ở thời điểm nhập viện, chị V. chỉ hơi đau bụng và tình trạng sức khỏe của hai mẹ con đều ở mức ổn định. “Sức khỏe của chị tôi vẫn tốt cho đến 3h sáng 1/10, chị tôi bắt đầu có dấu hiệu khó thở, tức ngực. Lúc này gia đình tôi vội vàng gọi bác sĩ và xin cho chị tôi mổ ngay trong đêm”, anh Yên nhớ lại. Nhưng đáp lại sự hớt hải, lo lắng của gia đình, bác sĩ chỉ thờ ơ: “Hôm nay không phải ca trực của tôi nên sáng mai mới có thể mổ được” rồi quay người bỏ đi.

Nỗi đau của gia đình mẹ con sản phụ tử vong
Anh Đỗ Viết Yên thẫn thờ nhớ lại thời điểm xảy ra vụ việc.

Những tưởng dấu hiệu của chị V chỉ một lúc là hết, nhưng chỉ một giờ đồng hồ sau, người chị V. bắt đầu tím tái và tình hình trở nặng. “Phải đến lần thứ hai, bác sĩ mới cử y tá và điều dưỡng xuống để đo nhịp tim và huyết áp cho chị tôi”, anh Yên kể.

Sau khi kiểm tra tổng thể, nhận thấy tình hình không ổn, các bác sĩ đưa chị V. vào phòng mổ. Không một tờ cam kết, không một thông báo cho gia đình. Và cũng chẳng ai ngờ được, đó lại là lần cuối cùng người thân trong nhà còn nhìn thấy chị V.

“Khi các bác sĩ thông báo chị tôi không qua khỏi, cả gia đình vô cùng rối bời và sốc. Bởi ban đầu mọi thứ đều bình thường, không biết tại sao chị tôi lại ra nông nỗi như vậy”, anh Yên nghẹn ngào.

Theo lời anh Yên, chị V. là con dâu trưởng trong nhà, chồng chị lại là người nghiện rượu. Trong một lần đi làm xa trong miền Nam, do uống say nên anh đã bị tai nạn. Kể từ đó đến nay, anh mất đi sức lao động, không đi làm được nhiều, chỉ làm tự do, kiếm từng đồng trang trải qua ngày. Thế là bao nhiêu vất vả, gánh nặng đều đè nặng lên vai chị V.

“Chị V. sinh được 3 người con, nhưng một cháu vì sinh non mà mất sớm, giờ còn hai cháu nhỏ học lớp 3 và lớp 5”, anh Yên tâm sự. Cứ ngỡ rằng sau những đớn đau mà người phụ nữ ấy phải gánh chịu khi mất đi một người con, ông trời sẽ không nhẫn tâm để chị V. và gia đình phải trải qua nỗi đau ấy thêm lần nữa. “Khi biết chị tôi mang thai thêm một bé nữa, cả nhà tôi đều rất vui mừng và mong chị sinh bé này sẽ thuận buồm xuôi gió. Vậy mà, tai họa ập đến làm cả gia đình suy sụp…”, anh Yên mắt đỏ hoe.

“Họ nói sao thì mình nghe vậy”

Chia sẻ với PV, anh Yên nói vì mọi chuyện xảy ra quá nhanh khiến gia đình không chuẩn bị được tâm lý. Ở thời điểm bác sĩ báo chị V. không qua khỏi, mọi người rất sốc, chỉ có vài người thân còn tỉnh táo để đứng ra lo liệu giấy tờ đưa chị V. và cháu bé về nhà mai táng.

“Sau khi thông báo chị tôi không qua khỏi, phía bệnh viện không hề có một lời giải thích thỏa đáng nào về lý do chị và cháu tôi tử vong. Họ chỉ nói do rủi ro chuyên môn, còn chuyên môn thật sự là gì thì chúng tôi cũng không được biết. Gia đình tôi vốn là lao động bình thường, những thứ đó chúng tôi không hiểu nên họ nói sao thì mình nghe vậy”, anh Yên ngậm ngùi.

Nhớ lại về thời điểm chị V. nguy kịch, anh Yên nói vị bác sĩ không đồng ý mổ ngay cho chị V. trong đêm nói rằng: “Nếu có vấn đề gì, tôi sẽ chịu trách nhiệm”. “Nhưng ở thời điểm chị tôi tử vong, bệnh viện đến làm việc với gia đình, tôi cũng không nhìn thấy vị bác sĩ ấy đâu. Nếu là người có trách nhiệm, khi thấy tình trạng chị tôi trở nặng, bác sĩ ấy phải cho gia đình tôi chuyển chị lên tuyến trên, nhưng không ai chịu cấp cứu cho chị tôi lúc ấy cả”, anh Yên kể lại.

Nỗi đau của gia đình mẹ con sản phụ tử vong - 1
Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ, nơi xảy ra sự việc.

Anh Yên cũng nói thêm, công an cũng đã vào cuộc và làm việc với gia đình. “Họ hỏi chúng tôi có muốn tiến hành xét nghiệm tử thi để làm rõ nguyên nhân gây tử vong không. Nhưng gia đình tôi mất đi chị và cháu đã là đau đớn lắm rồi, không ai muốn nhìn thấy người thân của mình bị mổ xẻ cả”, anh Yên nghẹn giọng.

Cũng theo anh Yên, bệnh viện đã đứng ra nhận trách nhiệm, đến thăm hỏi và bồi thường cho gia đình số tiền 500 triệu đồng. Anh Yên nói thêm: “Gia đình tôi vốn đã khó khăn, chị V. lại là lao động chính trong nhà, giờ còn hai con nhỏ vẫn đang tuổi ăn học. Những ngày tháng tiếp theo, tôi không biết thiếu đi bàn tay chăm sóc của mẹ, các cháu sẽ sống thế nào”.

Nén đau thương, anh Yên nói rằng các bác sĩ khác tại bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ vẫn rất có trách nhiệm. Theo anh, mọi người đều hỏi thăm và quan tâm đến hai mẹ con chị V. nhưng chỉ vì sự thờ ơ của một bác sĩ mà là vô tình trở thành “con sâu làm rầu nồi canh”.

Trước đó, PV Người Đưa Tin Pháp luật đã trao đổi với ông Đặng Trần Chiến - Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ và được ông Chiến cho biết, nguyên nhân ban đầu khiến hai mẹ con sản phụ T.T.V tử vong được cho là thuyên tắc ối (một dạng sốc phản vệ đối với người mang thai). Tuy nhiên, gia đình anh Yên cho biết, không nhận được bất kì một lý do cụ thể nào về sự cố này ngoài khoản bồi thường và lời xin lỗi từ bệnh viện.

Theo Lê Trà (Nguoiduatin.vn)