Xã hội

Rắn ba mào và những chuyện huyền bí ở nơi kẻ 'tâm xà' phải nhận trái đắng

Đền Nhà Bà có từ những năm 40, hiện nằm ở xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao (Phú Thọ). Hàng trăm năm qua, người dân nơi đây vẫn kể cho nhau nghe những chuyện huyền bí quanh ngôi đền này.

Đền Nhà Bà là ngôi đền thiêng có vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng tâm linh tại huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Dân gian nhiều đời nay truyền tai nhau câu chuyện rằng: Hễ ai có công to, việc lớn chỉ cần thành tâm cầu khấn sẽ được như ý. Còn những kẻ tâm xà, tham lam có ý định xấu khi tới đền đều phải nhận trái đắng.

Chưa hết, những người sống xung quanh ngôi đền hiện vẫn lưu truyền những câu chuyện và thủ tục kiêng kỵ lạ kỳ. Đó là người dân tuyệt đối không được leo trèo hay mắc võng nằm trong khuôn viên đền Nhà Bà, dù ở đây cây cao, bóng cả um tùm. Những ai vi phạm sẽ đều vướng phải điều không may.  

Những câu chuyện huyền bí 

Theo cụ Nguyễn Văn Đạm (93 tuổi, ngụ xã Vĩnh Lại), trong khuôn viên đền có rất nhiều cây cổ thụ cho bóng mát như cây gạo, cây si, cây đa, cây sung... Tuy nhiên, người dân tuyệt đối không được mắc võng nằm.

Lúc còn nhỏ, cụ Đạm cùng bạn bè đồng trang lứa chăn trâu ở quanh đền. Một vài người bạn leo lên cây và mắc võng nằm. Sau đó về, người bị đau bụng, người ngã đau tay... Nhưng khi tới đền thắp hương xin, ngẫu nhiên khỏi bệnh. Từ đó, người dân trong làng cho rằng, nơi đây không thể tùy tiện mắc võng nằm. 

Rắn ba mào và những chuyện huyền bí ở nơi kẻ 'tâm xà' phải nhận trái đắng
Đền Nhà Bà tại khu 9, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ

Một câu chuyện kỳ bí khác gắn với sự kiện di dời đền vào những năm 1976 - 1978. Do những biến đổi về điều kiện tự nhiên, nên địa phương khi đó đã có chủ trương di dời ngôi đền.

Tuy nhiên, theo lời kể của bà Lê Thị Thanh (ngụ xã Vĩnh Lại), sau khi tháo dỡ và đưa các vật dụng của đền lên xe bò, con bò cứ đi được vài bước lại quỳ xuống. Dù chủ bò đánh thế nào, con bò cũng không đi tiếp. Vì vậy, người dân địa phương đã góp công, góp sức xây dựng lại đền Nhà Bà ở đúng vị trí trước. 

Câu chuyện kỳ lạ về rắn ba mào sống trong đền Nhà Bà cũng được người dân địa phương truyền tai nhau. Nhiều người tới đền làm lễ đã nhìn thấy con rắn rất to, có ba chiếc mào trên đầu nằm cuộn tròn trên ban thờ. 

Rắn ba mào và những chuyện huyền bí ở nơi kẻ 'tâm xà' phải nhận trái đắng - 1
Ngôi đền vào những năm 1970. Ảnh chụp lại

Thực hư những câu chuyện tâm linh

Phóng viên đã tìm đến ông Trần Trọng Thủy, Trưởng ban quản lý ngôi đền để tìm hiểu về những câu chuyện kể trên.

Theo ông Thủy, đó đều là những câu chuyện được truyền miệng bao đời nay nên rất khó để kiểm chứng. Tuy nhiên, ông cho biết, thần tích lập đền được ghi rất rõ. Đền Nhà Bà là nơi thờ tự rất linh thiêng có từ những năm 40 sau Công nguyên.

Nơi đây thờ Đức Thánh Mẫu và hai cô, tương truyền là hai nữ tướng thời Hai Bà Trưng đã có công trong cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược phương Bắc và bảo vệ đất nước. 

Rắn ba mào và những chuyện huyền bí ở nơi kẻ 'tâm xà' phải nhận trái đắng - 2
Ông Trần Trọng Thủy, Trưởng ban quản lý đền Nhà Bà

Ông Thủy cho biết, theo sử sách ghi chép về ngôi đền, trong một trận chiến chống quân xâm lược, hai vị nữ tướng đã hy sinh và gieo mình xuống sông Hồng. Người dân địa phương đã đưa thi thể hai nữ tướng lên và chôn cất, lập đền thờ ở Gềnh Lời, ngay trên bờ sông Hồng.

Tương truyền nơi đây nước sông chảy xiết, tàu bè của quân xâm lược đi qua đều bị chìm. Giai đoạn kháng chiến chống Pháp, đền Nhà Bà từng là nơi tập kết của bộ đội và dân quân trên địa bàn xã Vĩnh Lại.  

Trải qua thời gian, khuôn viên ngôi đền từng xuống cấp nghiêm trọng và được chính quyền địa phương cấp phép xây dựng, tôn tạo vào năm 2022, trở thành không gian văn hóa, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân quanh vùng. 

Rắn ba mào và những chuyện huyền bí ở nơi kẻ 'tâm xà' phải nhận trái đắng - 3
Gốc cây cổ thụ trong khuôn viên đền Nhà Bà

Ông Thủy chia sẻ thêm, là người sinh ra và lớn lên tại xã Vĩnh Lại, trong suốt thời gian quản lý đền, ông đã chứng kiến không ít người dân đến xin con, xin lộc sau đó quay lại báo tin vui. 

Theo ông, bất kể những câu chuyện thực hư ra sao, thì việc chủ động gìn giữ và tu bổ các di tích văn hóa như đền Nhà Bà không chỉ giúp cho người dân địa phương có nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, kết nối cộng đồng, mà còn giáo dục thế hệ sau về truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

Bởi lẽ đền Nhà Bà được xây dựng để thờ cúng nhân vật lịch sử có thật, ghi nhớ công ơn của các bậc anh hùng có công với đất nước.

Theo Mỹ Hà (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/ran-ba-mao-va-nhung-chuyen-huyen-bi-o-noi-ke-tam-xa-phai-nhan-trai-dang-2253851.html