Việc Hà Nội thí điểm tách làn bằng dải phân cách cứng trên đường Phạm Văn Đồng khiến nhiều người dân lo ngại quy định mới sẽ khiến ô tô chiếm hết làn đường hỗn hợp, đẩy xe máy vào thế khó, thậm chí gây ùn tắc nghiêm trọng hơn.

Thực tế trước khi lắp dải phân cách cứng, đường Võ Chí Công hiếm khi ùn tắc, còn đường Phạm Văn Đồng chỉ ùn ứ vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, kể từ khi có dải phân cách cứng, tình trạng tắc nghẽn có chiều hướng gia tăng ở cả hai tuyến, nhất là vào giờ cao điểm hoặc trời mưa.

Theo thông báo điều chỉnh tổ chức giao thông phân làn cho các phương tiện trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, được Sở Xây dựng Hà Nội (phụ trách hạ tầng giao thông đô thị) công bố hôm 1/7, làn hỗn hợp cho phép ô tô đi vào. Điều này khiến nhiều người thắc mắc: Nếu ô tô đi vào làn hỗn hợp chỉ được rẽ phải, vậy xe nào đi thẳng hoặc rẽ trái sẽ bị xử phạt?

Trả lời vấn đề này, lãnh đạo Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (thuộc Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết: “Dải phân cách cứng sẽ được lắp đặt cách nút giao 250-300m. Sau đó, các phương tiện đến nút sẽ di chuyển theo hướng mình muốn đi. Đường Phạm Văn Đồng, ô tô đi bình thường”.

Điều này đồng nghĩa việc tách làn chỉ nhằm ngăn xe máy đi vào làn ô tô, còn ô tô thì được đi tất cả các làn.

Anh Nguyễn Văn Mạnh (Tây Hồ) chia sẻ: “Xe máy thay vì đi kiểu 'điền vào chỗ trống' như trước giờ, thì từ ngày 4/7 bắt buộc phải đi vào làn hỗn hợp. Điều này lẽ ra rất thuận lợi khi làn đường chỉ dành cho xe máy, xe đạp. Nhưng nếu ô tô vẫn đi vào được bình thường thì xe máy đã bị dồn cục giờ lại tiếp tục chia sẻ diện tích ít ỏi cho ô tô. Tôi nghĩ sẽ tiếp tục kẹt cứng ở làn này, nhất là tại các nút rẽ”.

1751341880 w phan lan duong vo chi cong 08jpg 49996 width1920height1280.jpg
Ô tô đi trong làn hỗn hợp, chiếm hết lòng đường "nhường" cho xe máy khe hẹp nhỏ. Ảnh: Đình Hiếu

Trao đổi với VietNamNet, TS. Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông, cho rằng việc triển khai phân làn bằng dải phân cách cứng tách biệt ô tô, xe máy là biện pháp cần thiết, giúp tăng cường an toàn và chất lượng giao thông, hạn chế tai nạn.

Ông dẫn chứng nhiều quốc gia có điều kiện tương đồng như Thái Lan, Indonesia, Philippines đã áp dụng từ lâu và đạt được hiệu quả trong việc cải thiện ùn tắc, tai nạn và hình thành văn hóa giao thông có trật tự.

Tuy nhiên, ông Bình không đồng tình với việc để ô tô đi lẫn vào làn xe máy. Ông nhận định: “Hiện tượng ùn tắc những ngày qua đã chứng minh điều đó. Và việc ùn tắc là lẽ đương nhiên”.

Theo ông Bình, không thể có sự gia tăng đột biến lưu lượng phương tiện đi lại trên hai tuyến đường này trong ít ngày qua. Vấn đề nằm ở tổ chức giao thông khi cơ quan chức năng cho phép ô tô đi lẫn vào làn đường đáng lẽ chỉ nên dành cho xe máy.

“Cấm xe máy không đi vào làn ô tô thì phương tiện này sẽ dồn lại làn đường chỉ được phép đi. Nhưng nếu cho phép ô tô được tràn vào làn ấy thì xe máy sẽ không còn chỗ để đi”, TS Phan Lê Bình phân tích.

1751341879 w phan lan duong vo chi cong 03jpg 49994 width1920height1280.jpg
Ô tô chiếm hết làn đường hỗn hợp. Ảnh: Đình Hiếu 

Do đó, để giải quyết tình trạng ùn tắc, ông Bình cho rằng: “Không nên xác định đó là làn hỗn hợp mà phải quy định cứng đó là làn đường dành cho xe máy. Ô tô chỉ được phép đi vào nếu tiếp theo đó rẽ phải. Nếu ô tô không tuân thủ sẽ bị xử phạt”.

Ông Bình băn khoăn: “Hiện xe máy vẫn là phương tiện lưu thông của phần lớn người dân. Với cách làm chính sách đang áp dụng cho tuyến Phạm Văn Đồng, phải chăng các cơ quan quản lý Hà Nội đang tìm cách ưu tiên, mở rộng đường cho ô tô và thu hẹp không gian giao thông của xe máy?”.

Chuyên gia này cảnh báo: “Làn đường vốn cho xe máy mà để ô tô tràn hết vào thì tương lai những người có khả năng mua ô tô nhưng vẫn đang đi xe máy sẽ bỏ hẳn xe máy chuyển sang ô tô. Tắc càng tắc”.

Ông dẫn câu chuyện từ Thủ đô Yangon (Myanmar): Từ những năm 2000, chính quyền nước này đã cấm xe máy vào trung tâm thành phố, người dân lập tức chuyển sang đi ô tô dù giá mua đắt đỏ. Hệ quả là thành phố đối diện tình trạng tắc đường trầm trọng.

Vì thế, TS Phan Lê Bình một lần nữa cho rằng Hà Nội nên dành làn đường cho xe máy. Đặc biệt, cơ quan quản lý cũng cần cấm ô tô đỗ dọc đường sát vỉa hè trên hai tuyến đường này. 

Phương án đã được chạy thử phần mềm

Liên quan đến vấn đề trên, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, đường Phạm Văn Đồng sẽ được phân tách ô tô, xe máy từ ngày 4/7, còn đường Võ Chí Công sẽ áp dụng sau khi hoàn thiện việc lắp đặt.

Cụ thể, đường Võ Chí Công được phân tách thành 3 làn ô tô, 2 làn hỗn hợp. Còn trên đường Phạm Văn Đồng tách thành 2 làn ô tô, 3-4 làn hỗn hợp. Các phương án này được đưa ra dựa trên phân tích, đánh giá số lượng phương tiện trên tuyến, cũng như chạy thử trên phần mềm chuyên về giao thông của Sở Xây dựng.

Theo N.Huyền (VietNamNet)