Xã hội

Thủ đoạn nâng hạn sử dụng cho những loại thuốc đã hết "đát"

Việc “thổi” nâng hạn sử dụng (HSD) cho những loại thuốc đã hết “đát” kiếm được siêu lợi nhuận, đôi khi được tiến hành bằng những thủ thuật vô cùng đơn giản…

Việc “thổi” nâng hạn sử dụng (HSD) cho những loại thuốc đã hết “đát” kiếm được siêu lợi nhuận, đôi khi được tiến hành bằng những thủ thuật vô cùng đơn giản…

Bút+tẩy+máy dập = thuốc mới

Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49, bộ Công an) vừa phối hợp với đội QLTT số 14 - chi cục QLTT Hà Nội phát hiện, thu giữ số lượng lớn thuốc đã quá HSD được bán ra thị trường. Trong hàng trăm ngàn viên thuốc bị thu giữ có thuốc đặc trị như kháng sinh, thần kinh, thực phẩm chức năng, thuốc chữa hen xuyễn, tiểu đường, hạ sốt cho trẻ nhỏ... đã hết HSD.

Bước đầu xác minh, cả 3 cơ sở bán thuốc trên đều của chủ hàng Trần Thị Ánh Tuyết (SN 1965, ở phố Phùng Hưng, P. Hàng Mã, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội). Theo lời khai ban đầu, Tuyết sở hữu khoảng 20 cơ sở bán thuốc trên địa bàn TP.Hà Nội.

Sau khi mua thuốc, TPCN hết hạn, quá “đát” với giá rẻ, Tuyết đã chỉ đạo nhân viên dùng dao, hóa chất tẩy HSD và dùng bút cùng màu ghi lại ngày sản xuất, HSD mới. Các loại thuốc HSD dập trên vỉ thì dùng kéo cắt luôn chỗ HSD... rồi bán lại cho người bệnh.
 

Hộp thuốc này đã hết hạn song Th. “viva” khẳng định hoàn toàn có thể làm mới.

PV đã tìm lại một đầu mối trước đây từng tham gia thu mua thuốc cận date và về nâng đời cho thuốc đó là Th. “viva”. Th. “viva” vốn trước là một trình dược viên tại một công ty dược có tiếng ở TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, do vi phạm kỷ luật bị sa thải khỏi công ty nên dạt về Hà Nội làm ăn. Gã được giới buôn bán thuốc tân dược biết đến như một “chuyên gia” trong lĩnh vực gom và “thổi hồn” cho thuốc hết “đát”.

Dù đã rút về “ở ẩn”, nhưng những ngón nghề mà gã kể lại trong thời gian dài làm ăn tại đây khiến không ít người giật mình. Theo đó, việc “cải lão hoàn đồng” cho những lô thuốc hết HSD vô cùng dễ dàng, thậm chí hoàn toàn có thể biến thuốc nội thành thuốc ngoại chỉ bằng những dụng cụ thô sơ thao tác bằng tay.

Th. “viva” hé lộ, với thuốc nội muốn... “sang bên ngoại”, chỉ cần cho người ra chợ thuốc đặt mua một số mặt hàng thuốc tây do các công ty, xí nghiệp trong nước sản xuất với số lượng lớn, đem về lột hết bao bì.

Sau đó, mua bao bì giả mạo những hãng dược phẩm lớn của nước ngoài như Gedeon Richter (Hungary), Janssen Cilag (Mỹ), Solvay (Hà Lan)... rồi dập, ép, đóng gói và tung ra thị trường.
 

Th. “viva” hướng dẫn PV cách thức dập lại HSD từ một máy dập date (ảnh cắt từ clip).

Để có lãi suất cao, những loại thuốc được chọn để “khoác áo ngoại” thường là thuốc bổ, thuốc kháng sinh, tim mạch, huyết áp... Nói chung, trên thị trường có những loại dược phẩm ngoại nhập nào đang hút hàng, thì sẽ tập trung sản xuất hàng loạt thành phẩm đó với mẫu mã... y hệt.

Đối với những lô thuốc hết “đát”, chỉ việc nhập nguồn hàng về rồi dùng máy dập lại là xong. Những chiêu thức mà Th. “viva” chia sẻ với PV trùng khớp với cách thức mà các nhân viên tại chuỗi nhà thuốc bị bắt giữ ở trên thực hiện.

Lỗ hổng lớn khó… bịt

Theo quy định hiện nay, TTD là loại sản phẩm thuộc diện quản lý chặt chẽ. Riêng với việc TTD cận date, theo luật Dược hiện hành buộc các công ty sản xuất, phân phối phải thu hồi và tiêu hủy.

Theo tìm hiểu của PV, thông thường, thời hạn sử dụng cao nhất của tân dược là 18 tháng, ngoại trừ các loại thuốc đặc trị với thời hạn từ 5-7 năm. Theo quy định, thuốc ngoại nhập trước khi nhập vào Việt Nam phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 12 tháng và đưa vào bệnh viện phải còn thời hạn trên 6 tháng.

Và như những gì Th. “viva” bật mí chỉ cần thông qua những trình dược viên “ruột”, “cắm” tại các hãng thuốc trong nước, hoặc những công ty được ủy quyền nhập thuốc ngoại sẽ biết được những lô thuốc cận “đát”.

“Mình sẽ mua những lô thuốc cận “đát” này về vì nó có giá rẻ. Sau đó, dùng công nghệ như đã nói dập thêm vào đó vài năm HSD theo đúng quy định và bán ra thị trường. Làm như vậy thì cơ quan quản lý chức năng dù có “ ba đầu sáu tay” cũng chịu...”, Th. “viva” ra vẻ tự hào về chiêu độc của mình.

Theo một chuyên viên đang làm việc tại phòng Kiểm nghiệm (viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương) thì quy trình thu hồi thuốc kéo dài và phức tạp. Cụ thể, từ khi cơ quan chức năng lấy mẫu đến khi có kết quả kiểm nghiệm mất 3-7 ngày. Giai đoạn trình lên Sở đến khi có thông báo đình chỉ lưu hành là khoảng 15 ngày. Với những mẫu do viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương kiểm nghiệm và gửi công văn kèm phiếu kiểm lên cục Quản lý Dược cũng phải mất chừng 15 ngày, có khi tới 30 ngày mới có thông báo đình chỉ.

Sau đó còn phải mất khoảng 1 tuần nữa để thông báo của Cục về đến sở Y tế. Và như vậy, thuốc kém chất lượng bị đình chỉ lưu hành vẫn còn “đất sống” hơn 1 tháng trước khi bị thu hồi!

Cùng với đó, thực tế thu hồi ở mức độ nào, thuốc còn tiếp tục lưu hành trên thị trường hay không... thì cực khó kiểm soát. Nhiều nhà thuốc bán sỉ không ra hóa đơn nên không thể biết thuốc đó được người mua mang đi đâu, về đâu. Có ý kiến cho rằng, cách làm này chẳng khác nào kinh doanh mạng sống.
 

Nguy hiểm khi sử dụng TTD giả, nhái

Theo PGS.TS. Trịnh Văn Lẩu - nguyên Viện trưởng viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, cứ loại thuốc nào trên thị trường bán chạy, có sức tiêu thụ mạnh và phổ biến thì ngay lập tức sẽ có thuốc giả, thuốc lậu tương đương.

Trong đó, các thuốc thường bị làm giả, nhái, không rõ nguồn gốc là kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, hạ sốt. “Việc sử dụng các loại thuốc tân dược giả, nhái sẽ đưa đến rất nhiều hệ lụy, trong đó quan trọng nhất là người dùng không hết bệnh bởi thành phần của thuốc giả đa phần là các loại chất vô thưởng vô phạt và không có tác dụng chữa bệnh.

Nguy hiểm hơn, việc dùng thuốc tân dược giả rất khó phát hiện vì người dùng chỉ nghi ngờ là mua nhầm thuốc giả khi đã sử dụng thuốc lâu mà dấu hiệu bệnh không hết hay không đỡ”, ông Lẩu nhấn mạnh.

Phát hiện nhiều vụ bán thuốc hết “đát”

Ngày 28/9, tổ kiểm tra liên ngành do đội QLTT số 3 chủ trì phối hợp với phòng Y tế, Công an và chi cục Thuế TP.Long Xuyên (An Giang) kiểm tra nhà thuốc Trí Hiếu (số 97A Lê Thị Nhiên, P.Mỹ Long) do bà Lê Thị Ngọc Mai làm chủ. Tại đây, phát hiện 38kg thuốc tân dược đã hết hạn sử dụng được để chung với thuốc còn hạn sử dụng tại nhà thuốc, nên lập biên bản tạm giữ.

Trước đó, các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa cũng phát hiện gần 200kg thuốc tân dược hết hạn sử dụng tại quầy kinh doanh thuốc tân dược Thảo Hà có địa chỉ ở thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân. Các loại thuốc trên đã hết hạn sử dụng từ năm 2011, 2012, 2013.

>> Tác hại "khủng khiếp" của thuốc quá hạn sử dung
>> Hàng trăm loại thuốc tân dược bị sửa hạn sử dụng
Theo Vi Hậu (Nguoiduatin.vn)