Xã hội

Vụ sập cầu Ghềnh: Tài công không có giấy phép lái tàu

Không có giấy phép nhưng 2 thanh niên vẫn vận hành tàu đẩy sà lan 800 tấn chở vật liệu lưu thông trên sông. Khi đến Biên Hòa, họ để phương tiện đâm sập cầu Ghềnh.

Không có giấy phép nhưng 2 thanh niên vẫn vận hành tàu đẩy sà lan 800 tấn chở vật liệu lưu thông trên sông. Khi đến Biên Hòa, họ để phương tiện đâm sập cầu Ghềnh.

Sáng 21/3, lực lượng Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt giữ và di lý Phan Thế Thượng (63 tuổi, chủ tàu đẩy sà lan), Trần Văn Giang (36 tuổi, quê Bạc Liêu) và Nguyễn Văn Lẹ (28 tuổi, quê Sóc Trăng) từ Sóc Trăng về Đồng Nai để phục vụ điều tra.

3 người này được xác định vận hành sà lan 800 tấn đâm sập cầu Ghềnh trên sông Đồng Nai.

Cầu Ghềnh bị sà lan đâm sập vào trưa 20/3. Ảnh: Ngọc An


Theo công an, tai nạn đường thủy xảy ra vào 11h30 ngày 20/3. Giang và Lẹ là 2 người trực tiếp điều khiển tàu đẩy mang số hiệu SG 3745 đẩy sà lan SG 5984 đi từ tỉnh Tiền Giang đến TP Biên Hòa. Khi đến chân cầu Ghềnh, do thiếu quan sát nên họ để sà lan đâm trực diện vào trụ cầu số 2 làm 2 nhịp đổ sập xuống sông.

Bước đầu, nhóm người điều khiển phương tiện gây tai nạn đã khai nhận sự việc. Trong đó, chủ tàu đẩy Phan Thế Thượng khai là tài công chính trong khi Giang và Lẹ chỉ đi theo để phụ. Sáng 20/3, nhóm này điều khiển tàu đẩy sà lan lên TP Biên Hòa. Khi đến phà Cát Lái sông Đồng Nai, ông Thượng giao cho 2 phụ tá điều khiển phương tiện rồi đi công việc riêng tại TP HCM.

Giang và Lẹ không có giấy phép lái tàu nhưng vẫn nhận trách nhiệm lái tàu đẩy sà lan lên Biên Hòa. Hai người khai nhận, ít kinh nghiệm nên đến địa điểm trên thì gặp dòng nước xoáy, không điều khiển được sà lan đúng hướng. Phương tiện này sau đó lệch hướng và đâm vào chân cầu phía mép trái của sà lan, làm cầu gãy đổ.

Tai nạn làm sà lan lật úp, tàu đẩy bị chìm nên Giang và Lẹ bơi vào bờ gọi điện cho ông Thượng báo tin rồi cả 2 trốn về quê.

Hiện lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai đang phối hợp cùng Bộ GTVT, Công an TP HCM cùng các ngành liên quan tổ chức khắc phục sự cố. Công an chưa ghi nhận thiệt hại nào về người trong vụ tai nạn. Chủ sà lan cũng được xác định là bà Nguyễn Thu Hồng (ngụ TP HCM).

>> Hành khách ra Bắc thế nào sau vụ cầu Ghềnh sập?
>> Nhanh nhất 3-5 tháng mới khôi phục được cầu Ghềnh
>> Vụ sập cầu Ghềnh: 2 tài công có thể chịu mức phạt cao nhất là 15 năm tù giam

Theo Nhóm PV (Zing.vn)