Xã hội

Xót xa cái chết thương tâm “tự chấm dứt cuộc đời mình, cả nhà không ai biết” của người vợ trẻ

Chị đã tự chấm dứt cuộc đời mình ở tuổi 30, bỏ lại bố mẹ đầu tóc bạc phơ khắc khổ, bỏ lại người chồng với hai đứa con còn chưa biết thế nào là “cái chết”... Không ai phát hiện ra, đến tận lúc chị tự tử cũng không ai phát hiện ra. Đau đớn không? Xót xa không?

 
Chị đã tự chấm dứt cuộc đời mình ở tuổi 30, bỏ lại bố mẹ đầu tóc bạc phơ khắc khổ, bỏ lại người chồng với hai đứa con còn chưa biết thế nào là “cái chết”... Không ai phát hiện ra, đến tận lúc chị tự tử cũng không ai phát hiện ra. Đau đớn không? Xót xa không?
 

Câu chuyện đầy nước mắt và thông điệp ý nghĩa nhắn gửi đến các cặp vợ chồng của cô gái trẻ đã nhận được sự đồng cảm lớn trong cộng đồng, đặc biệt là các bà mẹ sắp sinh và mới sinh.

Chỉ ít giờ sau khi đăng tải, status nói trên đã hút 20.000 lượt like, hơn 8.000 lượt share và hàng nghìn lượt comment. Đa số mọi người đồng cảm, chia buồn, bày tỏ sự tiếc nuối về cái chết của người mẹ trẻ. Bên cạnh đó, cũng có một số bình luận bày tỏ tâm sự về thời gian ‘khủng hoảng’ sau sinh như cô gái tuổi 30 này.

Facebooker Arita ChiAki kể: “Mình cũng đã từng rơi vào trạng thái này sau sinh. Mình luôn mệt mỏi, nằm cạnh con mà luôn tưởng tượng ra có kẻ muốn bắt con. Lúc nào cũng nghĩ đến cái chết, không muốn sống. Nhưng thời gian đó, được chồng quan tâm, động viên và nói mình là điều quan trọng nhất với chồng và con, vì thế mà mình không được nghĩ tới những thứ như chết chóc và tuyệt vọng nữa. Và mình đã vượt qua, mọi chuyện sẽ tốt nếu người vợ được quan tâm và chăm sóc. Chia buồn với gia đình”.

Nickname Vân Lam bày tỏ: “Bệnh trầm cảm sau sinh vô cùng nguy hiểm và phổ biến. Bạn mình lấy chồng xa khi đẻ xong không có gia đình ở bên, chồng không quan tâm, bạn ấy còn nảy sinh ra suy nghĩ ghét cả đứa con mình đẻ ra, không cho bú, không bế, không lại gần, may mọi người kịp thời phát hiện nên giờ mới bình thường được”.

 
tramcam600
 
“Chỉ cần bỏ ra 1 tiếng có thể cứu được cả 1 mạng người”

Trao đổi với chúng tôi, H.P – chủ nhân status nghẹn ngào cho biết: Đây là chuyện thật của gia đình mình, đó là chị gái họ của mình.

Cũng theo H.P trải lòng: “Chị gái H.P không phải không có bạn bè, người thân bên cạnh chia sẻ mà vấn đề ở đây là không ai có kiến thức để nhận ra chị bị trầm cảm sau sinh.

Đặc biệt hơn, loại trầm cảm hoang tưởng mua sắm như người chị thiếu may mắn của mình lại càng khó phát hiện ra bởi phụ nữ nào cũng có sở thích shopping. Chỉ khi thấy chị mua đến không kiểm soát, không hề sử dụng, cứ mua mua và mua... mọi người mới bắt đầu để ý. Đến khi nhận ra thì đã quá muộn”.

Vì chưa chấp nhận được sự thật về người chị xấu số nên H.P không muốn xoáy sâu về nỗi buồn của gia đình. Điều quan trọng mà cô gái sinh năm 1993 này muốn nhấn mạnh và nhắn nhủ đến mọi người là:

“Phụ nữ sau khi sinh là một lần “thay máu”, hoocmon suy giảm, sức khỏe giảm sút, hầu như ai cũng không tránh khỏi suy nhược thần kinh, và với những người đã bị suy nhược từ trước, rất dễ mắc trầm cảm. Nghe nói cứ tầm 10 bà mẹ thì có 1 người mắc trầm cảm sau sinh. Thế nên, các bạn nữ, tốt nhất nên có sự chuẩn bị trước về tâm lý, để còn biết khống chế một phần những cảm xúc tiêu cực. Còn các bạn nam, càng nên biết, để ở bên quan tâm, chia sẻ, nhẫn nhịn, chăm sóc cho vợ mình trong tương lai. Chứ dù có ở bên mà không có hiểu biết, thì dễ lại suy nghĩ sai lệch về những triệu chứng bệnh ấy, rồi trách móc, gây áp lực, khó chịu, làm nó trầm trọng thêm.

Chỉ cần dành ra tầm 1h lên mạng thôi, các bạn đã có những hiểu biết cơ bản về chứng bệnh trầm cảm sau sinh, về triệu chứng, cách phòng ngừa, cách chữa trị nó rồi. Nên là các bạn, nhất là những bạn chưa hoặc mới lập gia đình, cả nam và nữ, hãy tìm hiểu về nó sớm. Một tiếng đồng hồ thôi, có khi cứu được cả một mạng người, cứu được cả mấy đời người. Các bạn ạ!”.

Đáp lại những bình luận khiếm nhã cùng một số nghi vấn của cư dân mạng cho rằng, H.P bịa ra câu chuyện này để câu like với ý định bán hàng online, cô gái buồn lòng tâm sự: “Không ai đem cái chết của người thân ra để làm điều đó cả”.

 
Theo Thanh Yến (aFamily.vn/Trí thức trẻ)