Công nghệ
28/07/2025 11:35Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Bây giờ thay vì cạnh tranh hạ tầng, đã đến lúc phải chia sẻ, VNPT, Viettel phải chia sẻ hạ tầng cho MobiFone
Tại buổi làm việc, lãnh đạo 5 đơn vị thuộc khối báo cáo một số kết quả hoạt động nổi bật trong lĩnh vực quản lý. Ông Nguyễn Thành Chung, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, tổng doanh thu lĩnh vực viễn thông năm 2024 đạt hơn 145.000 tỷ đồng tăng 2,31% so với cùng kỳ.
Chỉ số hạ tầng viễn thông IDI tăng 6 bậc lên 72 trên thế giới. Việt Nam hiện có 6 tuyến cáp quang biển đang hoạt động (AAG, IA, AAE-1, APG, ADC, SJC2), 41 trung tâm dữ liệu, 16 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Việt Nam đã triển khai hơn 12.263 trạm 5G (gần 10,3% số trạm 4G), 100% các tỉnh, thành phố phủ sóng 26% dân số với hơn 12 triệu thuê bao 5G...
Thông tin về công tác TSVTĐ, ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục TSVTĐ cho hay, đơn vị đã triển khai 4 cuộc đấu giá thành công; Bổ sung thêm 320MHz cho triển khai 5G (tăng 94% so với trước đấu giá). Việt Nam đứng hạng 4/10 trong ASEAN về lượng phổ tần đã cấp (tăng 5 bậc so với 2023). Việt Nam lọt top 19 thế giới, top 3 ASEAN về tốc độ Internet di động.
Về hoạt động của Cục Bưu điện Trung ương, Cục trưởng Trần Duy Ninh cho biết, đơn vị đã nâng cấp công nghệ, tăng cường năng lực lớp lõi, lớp phân phối mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD); Thiết lập Trung tâm giám sát bưu chính KT1.
Cục triển khai nhiều nhiệm vụ cấp bách là điều phối, đôn đốc triển khai mạng của cơ quan Đảng trong 2 tuần, kết nối mạng xuống đến xã phường, đảm bảo hạ tầng thông suốt không gián đoạn khi sắp xếp bộ máy 2 cấp...
Thông tin về hoạt động của VNNIC, Giám đốc Trung tâm Nguyễn Hồng Thắng cho biết, VNNIC đã bảo đảm 100% hệ thống kỹ thuật, dịch vụ DNS, VNIX, tài nguyên an toàn, ổn định, đảm bảo cam kết chất lượng dịch vụ SLA (99,999%).
Đơn vị đã phát triển làm chủ nền tảng số, mở, gồm các nền tảng như i-Speed: Đo tốc độ, hiệu quả tài nguyên, kết nối IPv6; Inernet Atlas: Giám sát, thống kê, hoạch định, phát triển Internet, hạ tầng số; SRS-EPP: 100% hồ sơ được số hoá, xác thực, eKyc; IPMS liên thông quốc tế, 100% báo cáo, quản lý online; DNS abuse: Phản ánh, xử lý lạm dụng tên miền…
Tên miền “.vn” được miễn phí cho người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh; mở không gian tên miền mới như ai.vn, id.vn, io.vn. 666.500, thứ 2 ASEAN, thứ 38 toàn cầu, tăng 8 bậc so với 2020.
Đơn vị đã đột phá trong chuyển đổi IPv6 với tỷ lệ 65,5%, đứng thứ 7 toàn cầu, thứ 2 ASEAN với 3693 nhân lực kỹ thuật chuyển đổi IPv6...
Bây giờ, thay vì cạnh tranh hạ tầng, đã đến lúc phải chia sẻ hạ tầng
Trao đổi về các xu thế phát triển viễn thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hạ tầng viễn thông từ khi ra đời cho đến gần đây là hạ tầng thông tin liên lạc cơ bản (gọi điện, nhắn tin). Nhưng giờ đây, hạ tầng viễn thông đã chuyển thành hạ tầng của nền kinh tế. Nếu không có hạ tầng này, sẽ như không có điện, không có nước. Đây là một chuyển đổi rất quan trọng.
Theo xu thể phát triển, hạ tầng viễn thông đã chuyển đổi thành hạ tầng số. Khái niệm hạ tầng số sẽ rộng hơn rất nhiều. Trên hạ tầng viễn thông có Internet, trên Internet có hạ tầng số. Trên hạ tầng số còn có hạ tầng số vật lý và trên đó nữa là các tiện ích số, Bộ trưởng chia sẻ.
"Từ trước đến nay, viễn thông chưa bao giờ được 'sánh' với giao thông, chỉ được coi là quan trọng. Xu thế thế giới là chuyển từ quản lý hạ tầng sang quản lý nền tảng số, do vậy bây giờ cần chuyển sang các nền tảng số. Nền tảng số cũng là một loại hạ tầng", Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng lưu ý một số đổi mới cần quan tâm. Đầu tiên là cần chuyển từ quản lý hạ tầng sang quản lý nền tảng và dịch vụ số.
Thứ hai cần lưu ý là đổi mới về cạnh tranh. Việt Nam đã mở cửa ngành viễn thông được hơn 20 năm nhưng vẫn “loay hoay” về cạnh tranh hạ tầng. Các nhà mạng thi nhau xem ai có mạng rộng hơn, nhiều trạm hơn.
Bộ trưởng cho biết, bây giờ, thay vì cạnh tranh hạ tầng, đã đến lúc phải chia sẻ hạ tầng. Các nhà mạng phải chia sẻ, hợp tác để giá rẻ đi, tập trung vào dịch vụ. Những nhà mạng lớn phải chia sẻ hạ tầng với những nhà mạng nhỏ. VNPT, Viettel phải chia sẻ hạ tầng cho MobiFone.
Tiếp theo, cần quan tâm đến thúc đẩy cạnh tranh giá các dịch vụ. Việc này chưa được thúc đẩy nên các dịch vụ viễn thông ở Việt Nam rất ít. Đẩy mạnh cạnh tranh giá dịch vụ là một sự thay đổi mang tính chiến lược, mà mục tiêu cuối cùng là dịch vụ cho người dân, chứ không phải là hạ tầng.
Đồng thời, cũng phải đẩy mạnh mạng riêng ảo theo đúng nghĩa. Chúng ta phải bán buôn dung lượng cho những nhà mạng nhỏ để họ sáng tạo, tạo ra dịch vụ cho người dân được hưởng và cạnh tranh dịch vụ. Cho nên, thúc đẩy mạng di động ảo phải có một chiến lược.
Cùng với đó là phải đổi mới quản lý và giám sát chất lượng dịch vụ. Bây giờ phải giám sát chất lượng các loại dịch vụ viễn thông, dịch vụ số thời gian thực. Điều này rất quan trọng, tức là quản lý chuyển từ ngoại tuyến (offline) sang thời gian thực. Quản lý trực tuyến (online) thời gian thực thay đổi bản chất của quản lý. Cái này chính là cái gọi là giám sát, là nền tảng của tất cả các hoạt động thanh tra, kiểm tra.
"Trong giám sát này có một thay đổi nữa cũng rất quan trọng là giám sát chất lượng, mạng lưới, dịch vụ và công bố. Việc công bố công khai kết quả đo đạc, xếp hạng và đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng là một cách để các nhà mạng 'thi đua' nhau", Bộ trưởng chỉ rõ.

Xu thế đổi mới nữa là viễn thông xanh. Bộ trưởng nêu ví dụ, nếu hiệu suất sử dụng điện mà dưới 70% thì cần loại. Hay các trung tâm dữ liệu (DC) tiêu thụ rất nhiều điện thì cần phải đưa ra các tiêu chuẩn về hiệu suất sử dụng.
Tiếp theo là câu chuyện điều tiết hoạt động viễn thông, ví dụ như đánh giá nhà mạng nào độc quyền, nhà mạng nào đang vi phạm chính sách giá, thao túng thị trường về giá cước. Cơ quan quản lý phải giám sát toàn bộ dữ liệu thời gian thực để biết nhà mạng đã bắt đầu vi phạm độc quyền hay thao túng giá.
Bên cạnh đó phải tiếp tục cải cách thể chế và nâng cao năng lực về quản lý viễn thông; Xây dựng tiêu chuẩn và chiến lược. Nếu cần thiết có thể chuyển tiêu chuẩn thành quy chuẩn bắt buộc.
Lĩnh vực viễn thông cũng cần đào tạo, bổi dưỡng các cán bộ của Việt Nam để có thể tham gia vào các tổ chức quốc tế. Đây là một chiến lược quốc gia.
Làm quản lý nhà nước, Bộ trưởng cũng lưu ý công cụ, công nghệ, phòng lab phải hiện đại là số một. Hiện nay, lực lượng đi đo, đi kiểm tra vẫn còn thủ công. Cơ quan quản lý phải hiện đại hơn cả nhà mạng.
Quản lý nhà nước phải minh bạch. Minh bạch thông tin cho người dân biết về chất lượng dịch vụ. Quản lý nhà nước là công khai số liệu, dữ liệu, minh bạch hóa. Thông qua minh bạch để quản lý.
Về quản lý liên ngành, Bộ trưởng cho rằng hiện nay, các nhà mạng “bị vướng” nhiều, phải tự đi mò mẫm. Bộ KH&CN phải “cầm trịch” trong chuyện này để giúp cho ngành mình phát triển, giúp cho nhà mạng.
Công cuộc đổi mới lần hai cho lĩnh vực viễn thông
Tổng kết lại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý, điểm mấu chốt đối với cả 5 đơn vị là cần phải hoạt động toàn diện hơn, thay đổi nhận thức, mở ra không gian mới và cách thức vận hành mới để “thoát dần” khỏi khái niệm hạ tầng cứng.
Lĩnh vực viễn thông chuyển sang hạ tầng số là cuộc đổi mới lần hai. Không chỉ quan tâm ở chữ hạ tầng nữa mà hãy bắt đầu với nền tảng số, dịch vụ số. Có nhiều khái niệm phân chia mạng (network slicing), mạng được xác định bằng phần mềm (software-defined networking), ảo hoá chức năng mạng (network function virtualization)…, có nghĩa là ngay cả khái niệm về mạng lưới cũng bắt đầu “mềm hóa”. Việc cung cấp dịch vụ, dung lượng cũng theo nghĩa là có thể lập trình được. Đây là những xu hướng lớn.
Bộ trưởng mong muốn các đơn vị trong khối có một nhận thức mới nhưng điểm quan trọng là các cơ quan quản lý đã bắt đầu dẫn dắt doanh nghiệp. “Cơ quan quản lý không dẫn dắt doanh nghiệp thì doanh nghiệp “không nể, không nghe”.
"Đã là Nhà nước bây giờ phải hiện đại. Đã là Nhà nước là công nghệ, là công nghệ mới nhất. Đã là Nhà nước phải chỉ dẫn, kiến tạo chứ không phải là đi theo sau nữa”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.








- Nhiều cô gái trẻ ở Ninh Bình bị ép vào nhà nghỉ, tự chụp ảnh bị bắt cóc (28/07)
- Hàng loạt quy định mới dành cho người livestream bán hàng (28/07)
- Tạm giam tài xế xe container dương tính ma tuý tông chết bé trai 12 tuổi (28/07)
- Tử vi tuần mới của 12 con giáp từ 28/7 - 3/8/2025: Mão tiêu cực, Thân tự tin (28/07)
- Hình ảnh các phái đoàn Campuchia và Thái Lan tới Malaysia đàm phán (28/07)
- Thủy điện Thác Bà sắp mở 2 cửa xả lũ (28/07)
- 37 trường ở TPHCM tuyển bổ sung lớp 10, có trường điểm chuẩn cao nhất thành phố (28/07)
- Ô tô đang chạy, cả nhà lịm dần vì ngộ độc khí: Cảnh báo nguy hiểm, đừng xem nhẹ (28/07)
- Nghi ngờ người khác sử dụng tài khoản VNeID của mình, thực hiện ngay cách này để kiểm tra (28/07)
- "Tóm dính" vợ chồng Tóc Tiên giữa lúc nghi rạn nứt, Touliver có 1 hành động lộ rõ thái độ (28/07)




