Công nghệ

Nhận diện 5 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến gần đây

Biên lai chuyển khoản giả, mua hàng tích điểm nhận thưởng, vay tiền online với thủ tục đơn giản, mời chào mở thẻ tín dụng online, yêu cầu đóng phí xác nhận số dư bị treo… là 5 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến tại Việt Nam trong thời gian gần đây.

Đây là thông tin được Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng (NCSC), Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) chỉ ra, đồng thời công bố địa chỉ nhận các phản ánh về các dấu hiệu lừa đảo.

Nhận diện 5 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến gần đây
Một hình thức lừa đảo quà tặng sự kiện, mua hàng tích điểm.

Biên lai chuyển khoản giả trên mạng xã hội

Theo khuyến cáo của Cục An toàn thông tin, kịch bản lừa đảo mới này xuất hiện khi nhiều website làm giả hóa đơn chuyển khoản ngân hàng rất giống hóa đơn thật. Chính vì vậy, ngày càng nhiều các hội nhóm chuyên cung cấp dịch vụ làm biên lai chuyển khoản giả mạo nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản người dùng. Đáng chú ý, các hội nhóm này thu hút số lượng thành viên đông đảo lên tới cả chục nghìn người.

Cụ thể, trong hội nhóm, các đối tượng sử dụng tài khoản ảo để đăng bài quảng cáo về dịch vụ làm giả biên lai chuyển tiền của hàng loạt các ngân hàng khác nhau, công khai số điện thoại ghim trên bài đăng để liên hệ làm việc qua các nền tảng Zalo hay Telegram; đăng tải những sản phẩm hoàn thiện để lấy sự uy tín cho bản thân.

Ngoài ra, các đối tượng còn tạo lập một số website giả mạo hay lợi dụng sự tiện lợi và phổ biến của mã QR để thực hiện hành vi lừa đảo. Các biên lai chuyển khoản có giao diện rất khó phân biệt với đầy đủ thông tin và phông chữ như thật.

Mua hàng tích điểm nhận phần thưởng

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh, vừa qua, đơn vị đã bắt giữ khẩn cấp đối với Trần Thị Diễm Chi (sinh năm 1992, ngụ quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) và Hồ Thị Mỹ Lợi (sinh năm 1986, ngụ quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bằng thủ đoạn gọi điện thoại thông báo trúng thưởng rồi bắt nạn nhân mua hàng.

Cụ thể, hai đối tượng lừa đảo này đã sử dụng tên giả, SIM khuyến mãi, gọi điện thông báo với nạn nhân rằng người thân của họ đã trúng giải thưởng trị giá 300 triệu đồng. Từ đó, yêu cầu nạn nhân phải cung cấp hóa đơn thể hiện lịch sử mua hàng.

Ngoài ra, các đối tượng này còn sử dụng chiêu thức tuyển cộng tác viên tư vấn để tạo niềm tin cho nạn nhân, hướng dẫn họ đặt mua các sản phẩm chức năng và phải thanh toán bằng tiền mặt.

Các đối tượng lừa đảo còn cam kết với nạn nhân khi mua đủ số lượng yêu cầu sẽ quy đổi giải thưởng thành tiền mặt cũng như hoàn lại tiền hàng mà nạn nhân đã chi trả. Tuy nhiên, sau khi thực hiện, các đối tượng không xuất hóa đơn, yêu cầu nạn nhân giữ hàng, bày ra chiêu trò công ty sẽ tổng hợp rồi hoàn lại cùng tặng thưởng.

Cho vay tiền online, giải ngân nhanh chóng

Một hình thức phổ biến khác là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hình thức cho vay với diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản cho người dân.

Nhận diện 5 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến gần đây - 1
Các hình thức lừa đảo trực tuyến ngày càng phức tạp và tinh vi. Ảnh minh họa

Cụ thể, các đối tượng lừa đảo lợi dụng tình hình kinh tế khó khăn, đánh vào tâm lý cần tiền gấp của người dân để đẩy mạnh hình thức vay tiền online, giải ngân nhanh chóng với thủ tục đơn giản như: sử dụng thông tin mạo danh các công ty có thật tại Việt Nam, tạo lập website, ứng dụng, chạy quảng cáo thông qua các nền tảng mạng xã hội để chào mời cho vay tín chấp với lãi suất đặc biệt thấp.

Điều này khiến cho nhiều nạn nhân sập bẫy, vừa bị mất thông tin cá nhân, vừa bị mất tiền, gây ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị mạo danh.

Giả mạo bản cam kết ngân hàng, yêu cầu đóng phí xác nhận số dư bị treo

Theo Cục An toàn thông tin, các chiêu thức lừa đảo mạo danh ngân hàng đã diễn ra phổ biến với nhiều chiêu trò đa dạng, bất chấp liên tục có những cảnh báo từ cơ quan chức năng và thông tin trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, nhiều nạn nhân nhẹ dạ cả tin và thiếu tỉnh táo đã dễ dàng bị chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, mới đây một nạn nhân đã nhận được cuộc gọi từ đối tượng tự xưng là nhân viên ngân hàng, thông báo rằng người dùng có hơn 7 tỷ đồng bị treo trên hệ thống. Vì số tiền lớn nên khách hàng cần làm việc với nhân viên ngân hàng giả đó để lấy lại tiền. Ngay sau đó, người dùng đã bị dẫn dụ ký một biên bản cam kết mạo danh, trong đó ghi ngân hàng sẽ hoàn tất thủ tục và hoàn trả toàn bộ số tiền đang bị treo sau khi khách hàng nộp đủ số tiền tương đương 1% số tiền đang bị treo trên hệ thống.

Mời chào mở thẻ tín dụng online

Việc khuyến cáo về hình thức mời chào mở thẻ tín dụng online không mới nhưng nhiều người vẫn bị mắc bẫy khi cung cấp thông tin, nhấp vào đường link giả mạo để làm thẻ.

Cụ thể, các đối tượng liên hệ khách hàng mời mở thẻ tín dụng online, mời nâng hạn mức thẻ tín dụng, mời rút tiền từ thẻ tín dụng, mời hỗ trợ đóng phí bảo hiểm thẻ tín dụng hoặc hoàn phí tham gia bảo hiểm qua mạng xã hội. Sau khi kết bạn với nạn nhân, các đối tượng sẽ dẫn dụ người được mời nhấn vào đường link giả mạo hoặc QR code, yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân trên trang web giả mạo mà đối tượng tạo lập nên.

Trước các hình thức lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ trên bất cứ trang web hay cho đối tượng lạ trên không gian mạng để tránh bị các đối tượng chiếm quyền sử dụng tài khoản ngân hàng và thực hiện giao dịch chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, người dân cũng cần nâng cao cảnh giác với những cuộc gọi từ người lạ, cảnh giác với những thông tin mà đối tượng lạ cung cấp; không nhấp vào những đường link lạ và QR code dẫn tới các trang web giả mạo kể cả khi đối tượng tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan nhà nước...

Trường hợp cần thiết, người dân nên yêu cầu đối tượng đó cung cấp đầy đủ thông tin về họ tên, chức vụ, đơn vị công tác, địa chỉ, số điện thoại với đối tượng là cá nhân; tên công ty, địa chỉ cụ thể, số điện thoại, mã số thuế, giấy phép đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp.

Khi sử dụng giao dịch qua tài khoản ngân hàng, cần lưu ý kỹ hoá đơn chuyển khoản, không giao hàng cho bất kỳ ai nếu chưa nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng, kể cả khi đối tượng đã cung cấp hình ảnh chuyển khoản thành công.

Khi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào, đặc biệt liên quan đến tài chính, người dân nên xem xét cẩn thận các quyền mà ứng dụng yêu cầu cũng như đọc kỹ các điều khoản, chính sách của ứng dụng này; nếu phát hiện có điểm đáng ngờ, hãy hủy cài đặt ứng dụng ngay lập tức.

Khi có người tự xưng là nhân viên ngân hàng liên lạc và đưa ra các yêu cầu nhất định, chủ tài khoản cần chủ động liên lạc với ngân hàng qua đường dây nóng được công bố chính thức hoặc đến trực tiếp trụ sở của ngân hàng gần nhất để làm rõ thông tin.

Theo Hải Yến (Báo Tin Tức)




https://baotintuc.vn/phap-luat/nhan-dien-5-hinh-thuc-lua-dao-truc-tuyen-pho-bien-gan-day-20231127161328887.htm