Đời sống

Mẹ tiến sĩ trần tình lý do con "mù chữ"

Tôi như con thiêu thân lao vào công cuộc kiếm tiền. Và không chỉ một lần, chồng tôi mỉa mai mà rằng “làm gì thì làm, đừng để cảnh mẹ học rõ cao mà con… mù chữ”.

Tôi như con thiêu thân lao vào công cuộc kiếm tiền. Và không chỉ một lần, chồng tôi mỉa mai mà rằng “làm gì thì làm, đừng để cảnh mẹ học rõ cao mà con… mù chữ”.

Suốt mấy năm qua, tôi luôn bị đè nặng bởi câu hỏi: Làm thế nào để cân đối được công việc kiếm sống và thời gian dành cho con, chơi với con, dạy con và yêu thương con. Cơn stress triền miên vì lý do đó khiến tôi luôn nặng trĩu lòng.

Ảnh minh họa.
 
Từ khi con trai mới ba tuổi, tôi bắt đầu theo đuổi kế hoạch lấy cho được tấm bằng tiến sĩ. Tôi không phải là người ưa bằng cấp này nọ nhưng công việc đòi hỏi tôi phải vậy.

Và thế là suốt 4 năm sau đó, tối tối tôi để con cho chồng trông nom, săn sóc. Tôi đi học thêm chuyên môn. Chín giờ tối tôi về thì chồng đã sẵn sàng cho con đi ngủ. Rồi trong lúc tôi tắm giặt, ăn uống thì chồng ôm con ngủ trước. Và sau đó, tôi lại tiếp tục cày cục đánh máy văn bản thuê bù thêm cho con hộp sữa, quả cam.

Chính vì thế nên thằng bé bám ba hơn mẹ. Còn mẹ… bám việc hơn bám con. Đôi lúc chồng tôi nhắc khéo tôi nên giữ sức. Tôi cũng lờ mờ nhận ra sự thiếu cân đối giữa sự nghiệp và gia đình. Nhưng guồng quay cơm áo và phấn đấu công việc khiến tôi cứ ỉ lại vào sự chia sẻ gánh vác công việc gia đình của chồng.

Khi đó, tôi luôn nhủ với chồng rằng, mai này con lớn hơn, qua tuổi mũi dãi ốm đau, tôi học xong và lấy được tấm bằng tiến sĩ, tôi sẽ cùng chồng chăm con. Nào ngờ con càng lớn thì gánh lo cho con và sức hút của công việc càng ngút ngát cao lên.

Học xong chương trình mong muốn, đặt tay vào được tấm bằng ước mơ, thì lại cũng là lúc vị trí công việc thăng tiến mới bắt tôi phải lo toan nhiều hơn. Cơ hội kiếm sống cũng mở ra hấp dẫn. Tôi như thiêu thân lao vào công cuộc kiếm tiền. Và không chỉ một lần, chồng tôi mỉa mai mà rằng “làm gì thì làm, đừng để cảnh mẹ học rõ cao mà con… mù chữ”.

Chồng tôi lo âu cũng là có lý, con bắt đầu lớp một. Giúp con quen với nề nếp học tập chả đơn giản chút nào. Chồng tôi đôi phen tiếng nặng tiếng nhẹ “gà mái biết đẻ mà chả biết nuôi”. Tôi bắt đầu stress. Cảm giác tưởng chỉ thoáng qua mà ngày càng bám rễ - mắc nợ con phận làm mẹ không tròn. Có đêm mơ hoảng, thấy con rơi khỏi vòng tay mẹ. Muốn vứt hết phấn đấu để an phận làm mẹ. Nhưng nhu cầu lo cho con cả vật chất và tinh thần ngày càng cao. Mẹ lại lao vào công việc. Dù có ý cân đối hơn mà vẫn chưa ổn so với nhu cầu hai con cần mẹ.

Và dường như không thể tin được rằng, con trai của mẹ, một người vốn nổi tiếng trong họ hàng vì có bằng cấp học hành cao nhất lại chưa đọc tròn vành rõ chữ dù đã qua lớp 1. Con trai có “thành tích” học tập cuối bảng ở lớp 1 rõ ràng không phải vì con nhận thức không tốt. Tôi hiểu lỗi ở đây là sự lơ là quan tâm đến con của mình.

Tôi luôn trĩu cảm giác mình có tội với con. Phấn đấu vì con hay vì mình? Chả ham hố học vị, chức tước, có vươn lên khẳng định mình cũng chỉ là tìm cơ hội dùng chính nghề nghiệp để kiếm tiền nuôi con. Nhớ vẻ mặt đầy cau có của chồng khi nói rằng “đến lúc con mù chữ thì dám khoe bằng cấp của mẹ ra không?” mà lòng tôi quặn thắt.

Đôi khi tôi bắt đầu nghi ngờ khả năng làm mẹ của bản thân. Câu hỏi “thế nào là xứng đáng làm mẹ?” nhoi nhói trong đầu ngày đêm. Công việc bê trễ đến mức tôi chả nhận ra con người mạnh mẽ của mình đâu nữa. Sự ức chế đó lại bùng phát chĩa vào con.

Cuộc sống luôn đặt ra bài toán cho lòng người làm mẹ tuổi 40 “nên dừng lại đường phấn đấu để chuyển hẳn tay lái sang hướng phát triển cho con” hay “vừa chèo việc mình vừa chống việc con”. Đâu là giới hạn cân bằng? Tôi luôn nghĩ về một chiến lược quy hoạch cuộc sống, giảm bớt phần nào học lên về chuyên môn, bỏ cơ hội kiếm sống nào lấn quá nhiều thời gian và tâm sức đáng phải dành cho con. Thế cân bằng ấy phải cực kỳ linh hoạt bởi công cuộc nuôi dạy con còn đầy bất ngờ.

Một bà mẹ vươn lên tầm cao tri thức thoả khát vọng mình, say sưa kiếm tiền nuôi con bằng nghề nghiệp chân chính, thì đã có thể tin rằng mình thành công chưa nếu con dù không “mù chữ” nhưng đì đẹt chả tự lập nổi, học hành bê trễ, tính nết chưa ổn. Không đếm nổi những bà mẹ cùng hoàn cảnh.
 
>> Những kỹ năng sống quan trọng bố mẹ cần dạy con từ 2 đến 18 tuổi
 
Theo P.Thảo (Nguoiduatin.vn)