Sau cùng, điều con thực sự cần không phải là thêm thử thử thách mà thêm sự hiện diện của cha mẹ trong những ngày được thảnh thơi khỏi sách vở.

Lướt MXH 180 phút chắc hẳn nhiều phụ huynh cũng đã nắm được diễn biến drama căng thẳng giữa 1 trại hè ở Thái Nguyên và một số phụ huynh. Trong khi nhiều phụ huynh lên tiếng phản ánh về vệ sinh ở làng kém, con bị bắt nạt... dù chi đến gần 10 triệu đồng cho 1 khoá trải nghiệm sống 8 ngày 7 đêm tại làng, xa gia đình, cha mẹ, xa lối sống quen thuộc hàng ngày để biết thế nào là "gần gũi với thiên nhiên".

Song, đáp lại những phản ứng trái chiều từ phía phụ huynh khi tá hoả đón con về trong tình trạng da bị muỗi đốt chằng chịt, sợ hãi với nhà vệ sinh bât - thì trại hè Làng Háo hức cho rằng đó là cách để các con: "Thêm trân trọng và biết ơn những gì đượchưởng thụ từ công sức và nỗ lực của cha mẹ, những thứ tưởng chừng đương nhiên, hàng ngày cứ mặc định là có sẵn”. 

Tỉnh ngộ trại hè: "Cho con trải nghiệm với thiên nhiên không có nghĩa là phải lấm lem, bẩn thỉu, thiếu vệ sinh cơ bản"- Ảnh 1.
Hình ảnh trong bài đăng của phụ huynh về những trải nghiệm không tốt của con khi đi trại hè ở Thái Nguyên (Ảnh: Chử Ngọc Ly)

Chẳng ai chịu thua ai!

Nhưng nếu chúng ta đặt những vấn đề tranh luận sang một bên, rằng dịch vụ trại hè đã ổn hay chưa - phụ huynh chi tiền ra có nhận về điều mà mình mong muốn hay không, thì quan trọng hơn cả chính là câu hỏi này: Các con có thật sự vui trong trải nghiệm này hay không? Và phụ huynh, những người lựa chọn dịch vụ có thật sự cảm nhận được hết 2 từ "trải nghiệm" theo góc độ mà các con mong muốn hay chưa?

Với trẻ, nhất là những đứa trẻ lớn lên ở thành phố, khi chúng vốn đã quen có lối sống tiện nghi - mọi thứ đều có một quy chuẩn riêng, thì việc TRẢI NGHIỆM có nhất thiết phải là phải trải qua những điều “kham khổ” như: Đối mặt với nỗi sợ côn trùng, chấp nhận chia nhà vệ sinh với nhiều trẻ khác, hạ tiêu chuẩn sống xuống để gần với thiên nhiên... thì mới có 1 mùa hè bổ ích? Khi chịu đựng tất cả, chúng có thật sự trưởng thành hay hoang mang thêm vì nhận ra nhiều thứ khiến không giống như lúc ở nhà với cha mẹ?

Không phải cứ chịu khổ, chịu cực là sẽ trưởng thành sau... vài ngày!

"Hòa mình cùng thiên nhiên", "Tự lập, vượt qua thử thách", "Trưởng thành qua trải nghiệm",… là những cụm từ hấp dẫn mà các trại hè thường sử dụng để quảng bá mô hình của mình - tác động mạnh đến nhu cầu của các bậc phụ huynh, khi muốn con cái có những ngày nghỉ hè thật hữu ích, được trải nghiệm một môi trường sống khác.

Điều này không sai. Nhưng phụ huynh cần phải tỉnh táo đễ không "vỡ mộng".

Vấn đề sức khoẻ và tâm lý là 2 yếu tố đầu tiên để phụ huynh cân nhắc trước khi quyết định lựa chọn một hình thức trải nghiệm nào đó cho "khối nghỉ hè. Và đôi lúc, sự thay đổi môi trường đến quá nhanh, chưa hẳn là 1 thử thách trưởng thành, mà có khi khiến trẻ bị sốc, chuyển từ háo hức sang sợ hãi.

Khi bước từ điều kiện sống 10/10 xuống 2/10 trong vòng một đêm (vì đa số các trại hè đều xa thành phố, ở những nơi hoà mình với thiên nhiên, điều kiện vật chất không phải là tuyệt đối) thì những đứa trẻ sẽ khó lòng chấp nhận, thích nghi. Việc xa nhà ở lứa tuổi còn nhỏ cũng khó lòng đòi hỏi trẻ cứng rắn hay mạnh mẽ ngay từ đầu, sẽ có những lúc nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ căn phòng quen thuộc... tất cả đều là 1 thử thách.

Đối với một đứa trẻ thành thị chưa từng biết đến… con muỗi, đi vệ sinh bồn cầu cảm ứng, chưa từng phải ngủ không điều hoà thì việc bị đưa vào một môi trường khắc nghiệt, kém vệ sinh sẽ không tạo ra trải nghiệm đáng nhớ, đôi khi có thể là ngược lại theo hướng tiêu cực.

Đây kaftrích đoạn nhật ký của một nhóm 6 bạn nhỏ được các mẹ cho đi trại hè từ ngày 13 - 16/6/2025 “Ghét đi trại hè ở đây, từ giờ sẽ không đi trại hè nữa. Quá tệ”, “Bể bơi toàn sỏi to đùng, sắc làm người ta bị thương, không bao giờ muốn quay lại”, “Ở đây có nhiều muỗi đốt, côn trùng. Nhà vệ sinh nhiều bọ chét”,... 

Tỉnh ngộ trại hè: "Cho con trải nghiệm với thiên nhiên không có nghĩa là phải lấm lem, bẩn thỉu, thiếu vệ sinh cơ bản"- Ảnh 2.
Nhật ký của các con sau khi đi trại hè được phụ huynh đăng tải công khai vào ngày 3/7/2025 (Ảnh: Bơ Tươi)

Khi trở về từ trại hè với những cảm xúc như thế, đứa trẻ rắn rỏi hay trưởng thành hơn lúc trước hay không thì không rõ, nhưng chắc chắn, chúng sẽ chẳng bao giờ mong chờ những kỳ nghỉ hè tới mình lại phải qua điều này thêm lần nào nữa.

Chưa kể, thể trạng của mỗi đứa trẻ là khác nhau, việc bị côn trùng hay muỗi đốt có thể gây ra hậu quả lớn hơn nhiều so với hình dung của chúng ta, đó có thể là khởi nguồn của cơn viêm da kéo dài, sốt xuất huyết và hơn thế nữa...

Muốn hoà mình với thiên nhiên cũng cần thời gian thích nghi

Giống như bất kỳ sự thích nghi nào trong đời sống, trẻ con thành thị muốn hòa mình với thiên nhiên cũng cần có lộ trình và thời gian. Không ai học bơi bằng cách bị quăng thẳng xuống biển, thay vào đó là sự rèn luyện từng bước.

Người lớn cũng không thể kỳ vọng một đứa trẻ lớn lên giữa tiện nghi với điện thoại và iPad luôn trong tầm tay sẽ lập tức yêu thích nơi chỉ có cây cối rậm rạp, xung quanh là ruồi muỗi, đi bộ leo đồi để mồ hôi mồ kê nhễ nhại dưới trời nắng chang chang. Câu trả lời vẫn như cũ, cần có thời gian làm quen hoặc đã được bố mẹ cho thử sức với các trải nghiệm thiên nhiên từ trước.

Vì vậy những người làm dịch vụ không thể đánh đồng trải nghiệm thiên nhiên với tạo ra sự khổ sở, khắc nghiệt, thiếu thốn, biến đứa trẻ khi đi gọn gàng khỏe mạnh - lúc về lôi thôi lếch thếch. Trại hè muốn rèn luyện phải bắt đầu từ việc tôn trọng xuất phát điểm của những đứa trẻ khu chúng lớn lên.

Sau cùng, trẻ con không nhất thiết phải ra khỏi vùng an toàn bằng một trại hè tiền chục triệu để học cách trưởng thành. Đôi khi, chỉ cần cha mẹ đồng hành đúng cách ở ngay trong chính ngôi nhà mình qua những buổi cùng nhau nấu ăn, đọc sách, về quê cuối tuần hay đơn giản là lắng nghe con tâm sự sau một ngày,... đều có thể là trải nghiệm giàu giá trị hơn bất kỳ mô hình nào.

Bởi sau cùng, điều con thực sự cần không phải là thêm thử thử thách mà thêm sự hiện diện của cha mẹ trong những ngày được thảnh thơi khỏi sách vở.

Một số chia sẻ của phụ huynh sau sự việc về trại hè gây xôn xao:

- Cái gì cũng cần có sự thích nghi dần dần. Với mình, cứ bảo bỏ phố về quê để trải nghiệm nhưng đùng một cái cho con về nơi vốn không phải là môi trường sống của nó thì gần như rất ít đứa trẻ nào có thể cảm thấy ok. Và bố mẹ thì đang nuôi con trắng bóc ra đấy về nhìn thấy hoa hoè hoa sói ai cũng xót. Mình đã nghiên cứu và quyết định không  tham gia vì lý do này. Nhưng hàng tuần, hàng tháng đều cho các con về quê chơi, bây giờ chúng nó nghiện quê luôn.

- Muốn con có thói quen tốt, bản lĩnh mạnh mẽ hay lối sống lành mạnh - không thể gửi gắm hết vào một trại hè 7 ngày. Đó là cả một quá trình dài, cần sự đồng hành kiên trì từ gia đình. Trại hè có thể là cú hích đầu tiên, nhưng việc duy trì hay phát triển những điều tốt đẹp đó lại phụ thuộc vào bố mẹ và chính các con.

Nếu con đã quen với cuộc sống thoải mái, thì việc thay đổi đột ngột dễ khiến con bị choáng ngợp. Không phải cứ ‘khổ một chút’ là con sẽ biết quý cái ‘sướng’. Mỗi đứa trẻ có cách tiếp nhận riêng, nên mọi thứ cũng cần điều chỉnh cho phù hợp.

- Con đi chơi với ba mẹ còn mắt trước mắt sau để ý, không dám rời mắt mà giờ lại đẩy con đi trại hè, không biết tự lập được bao nhiêu giờ thêm ám ảnh cho con nữa. Tuổi thơ con muốn vui vẻ, nhiều kỷ niệm thì ba mẹ cứ dành thời gian cho con, hướng dẫn con tự lập tự rèn luyện là ok nhất.

- Ở nhà với mẹ cho an lành. Vừa giúp được mẹ việc nhà, trông em từ đó cũng biết quý sức lao động của mình mà sẽ ý thức tự lập hơn. Thói quen được tạo từ nếp nhà mà ra, chứ đi đâu cho xa từng ấy thời gian cũng không thay đổi đc cái gì cả. Để tiền ấy cho con đi du lịch trải nghiệm đây đó mở mang tầm mắt còn bổ ích hơn. 

- Có thể là trải nghiệm, có thể là thử thách tự lập. Nhưng riêng khoản vệ sinh sạch sẽ là phải đảm bảo nhé".