Bật điều hòa 24/24, thói quen tưởng chừng như vô hại song lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt vào những ngày nắng nóng cao điểm.

Giữa đợt nắng nóng gay gắt kéo dài tại nhiều tỉnh thành, không ít gia đình lựa chọn bật điều hòa xuyên suốt cả ngày lẫn đêm như một giải pháp chống nóng tối ưu và hiệu quả hơn cả. Tuy nhiên, thói quen tưởng như vô hại này lại tiềm ẩn nhiều rủi ro về thiết bị, sức khỏe và chi phí điện năng. Điều này được nhiều chuyên gia nhấn mạnh và cảnh báo, trong đó có cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

 - Ảnh 1.
Ảnh minh họa

Nguy cơ quá tải thiết bị, ảnh hưởng sức khỏe

Theo các kỹ thuật viên ngành điện lạnh, máy điều hòa hiện đại được thiết kế để vận hành liên tục trong thời gian dài, với tuổi thọ của máy nén có thể lên tới hàng chục nghìn giờ. Tính trung bình, nếu một chiếc điều hòa chạy liên tục 24 giờ mỗi ngày, phải mất hơn 2 năm mới đạt đến giới hạn lý thuyết của máy nén.

Điều đó đồng nghĩa với việc bản thân thiết bị không dễ bị “sốc nhiệt” hay hư hỏng chỉ vì hoạt động liên tục vài ngày hay vài tuần. Tuy nhiên, vấn đề không đơn thuần nằm ở máy nén.

Một số bộ phận khác như quạt tản nhiệt ở dàn nóng lại dễ bị ảnh hưởng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Khi nhiệt độ môi trường ngoài trời lên tới gần 40 độ C, nhiệt độ thực tế quanh dàn nóng có thể cao hơn nhiều do thiết bị hoạt động.

Vì vậy nếu quạt làm mát không được nghỉ, động cơ có nguy cơ bị quá tải, làm giảm tuổi thọ linh kiện và nguy cơ chập cháy là rất cao. Đã có không ít trường hợp cục nóng điều hòa hay thậm chí là dàn lạnh bên trong nhà bị chập cháy nguy hiểm do nguyên nhân người dùng bật thiết bị liên tục trong những ngày thời tiết nắng nóng.

 - Ảnh 2.

 - Ảnh 3.
Nhiều trường hợp điều hòa xảy ra chập cháy do hoạt động quá tải khi thời tiết nắng nóng (Ảnh minh họa)

Bên cạnh rủi ro về mặt thiết bị, việc sống trong môi trường điều hòa suốt 24 giờ cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe con người. Nhiệt độ thấp kéo dài làm không khí trong phòng trở nên khô hanh, dẫn đến tình trạng khô da, rát họng, thậm chí chảy máu cam. Những người có bệnh lý hô hấp mãn tính như viêm xoang, viêm mũi dị ứng cũng dễ bị kích ứng hơn.

Mặt khác, nếu phòng sử dụng điều hòa không được thông gió định kỳ, lượng oxy trong không khí giảm dần, tạo cảm giác ngột ngạt, mệt mỏi. Nhiều người còn gặp phải tình trạng chóng mặt, nhức đầu khi bước ra ngoài trời sau thời gian dài ở trong phòng lạnh do sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn khiến cơ thể khó thích nghi kịp.

 - Ảnh 4.
Ảnh minh họa

EVN cảnh báo về tiền điện

Bật điều hòa suốt ngày đêm còn đồng nghĩa với việc hóa đơn tiền điện tăng cao. Theo Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI), điều hòa là thiết bị tiêu thụ điện nhiều nhất trong mùa hè, chiếm từ 28 - 64% tổng điện năng dùng trong sinh hoạt của một hộ gia đình. Thậm chí, với một số hộ sử dụng điều hòa liên tục và không đúng cách, con số này có thể lên đến 80%.

EVN cảnh báo rằng cứ mỗi khi nhiệt độ môi trường tăng thêm 1 độ C, mức tiêu thụ điện của máy điều hòa cũng tăng khoảng 2 - 3%. Theo báo cáo mới nhất được đăng tải, phụ tải hệ thống điện quốc gia đã ghi nhận mức kỷ lục mới trong ngày 18/7/2025 vừa qua. Số liệu từ Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) cho thấy, công suất cực đại của hệ thống điện miền Bắc đạt 26.998 MW, tăng 1.458 MW, tương đương mức tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2024. 

Cùng với đó, sản lượng tiêu thụ điện toàn quốc cũng lập kỷ lục mới, đạt 1.066,6 triệu kWh, tăng 41,3 triệu kWh (tương đương 4%) so với ngày cao điểm cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực miền Bắc chiếm hơn một nửa, với sản lượng tiêu thụ đạt 551,8 triệu kWh, tăng 22,2 triệu kWh, tương đương 4,2% so với năm 2024. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới mức tiêu thụ điện cao đột biến là do nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa. 

 - Ảnh 5.
Ảnh minh họa

Từ tất cả những yếu tố trên, tốt hơn hết người dùng nên phân bổ thời gian bật điều hòa không nên bật thiết bị 24/24, đặc biệt vào những ngày nắng nóng cao điểm. Ngoài ra cũng không nên tắt đi bật lại thiết bị liên tục. Hãy sử dụng hợp lý các chế độ của điều hòa để thiết bị hoạt động hiệu quả, an toàn lại tiết kiệm.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu khiến các đợt nắng nóng ngày càng cực đoan và kéo dài, việc sử dụng điện tiết kiệm không chỉ giúp giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia, đảm bảo cấp điện ổn định mà còn góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, EVN giải thích thêm.

Các chuyên gia khuyến nghị: Giữ mức nhiệt ổn định từ 26 - 28 độ C, kết hợp với quạt điện để luồng khí lạnh được phân bổ đều; hạn chế mở cửa khi đang bật điều hòa; tắt điều hòa 1–2 tiếng mỗi ngày để làm thông thoáng không khí; và tuyệt đối không sử dụng thiết bị tiết kiệm điện không rõ nguồn gốc.

Không chỉ vậy, việc không vệ sinh bộ lọc gió thường xuyên cũng khiến bụi bẩn tích tụ, cản trở luồng khí lạnh, buộc điều hòa phải hoạt động mạnh hơn để đạt hiệu quả làm mát mong muốn. EVN khuyến cáo người dùng nên vệ sinh bộ lọc ít nhất 3 tháng một lần, đặc biệt trong mùa hè.

Theo Thu Phương (Nguoiduatin.vn)