Gia đình

Gia đình ở chung cư F0 nhiều hơn F1, làm sao để không lây nhiễm chéo?

Trong những ngày gần đây số ca bệnh tăng nhanh, làm gì để tránh nhiễm Covid-19 khi xung quanh nhiều người dương tính?

Gia đình bà Nguyễn Thị Thịnh (60 tuổi, Phương Canh, Nam Từ Liêm, Hà Nội) có 3 thành viên mắc COVID-19, riêng bà là F1 hiện đang được sinh sống cùng nhà với F0. Ban đầu, con trai bà mắc bệnh do lây nhiễm của đồng nghiệp cùng cơ quan và được cách ly điều trị tại nhà.

Tuy nhiên, do sinh sống tại chung cư nên lần lượt con dâu, cháu gái của bà Thịnh đều mắc COVID-19. Theo bà, do chỉ có 2 phòng ngủ và 1 nhà vệ sinh, lại phải cách ly trong không gian hẹp, khép kín nên khả năng lây nhiễm COVID-19 cao hơn những căn nhà bình thường.

Do các thành viên trong gia đình đã có sự lây chéo nhau nên bà Thịnh cũng lo lắng "sớm muộn gì cũng đến lượt mình thành F0". Lúc này, nhà có 2 phòng, con trai bà được cách ly tại phòng riêng, còn con dâu và cháu gái (3 tuổi) được cách ly riêng để chăm sóc con vì cháu hiện đang bị sốt và rất mệt.

Để tránh lây nhiễm, bà Thịnh phải chuyển đồ ra phòng khách để sinh hoạt. Do dùng chung nhà vệ sinh cùng F0 nên rất bất tiện, bà phải mua rất nhiều xịt khuẩn, găng tay, khẩu trang để sử dụng 1 lần. Chỉ 3 ngày bà, đã dùng gần hết 280 đôi găng tay, vì khi bật công tắc nhà tắm hay vào nhà vệ sinh đều phải sử dụng găng tay. Thậm chí, khi lấy đồ ăn, rửa bát cho F0 cũng phải sử dụng găng tay.

Tương tự, gia đình anh Hoàng Tuấn Long (46 tuổi, trú quận Bắc Từ Liêm) có 3 thành viên đều mắc COVID-19. Căn chung cư nhỏ có 2 phòng ngủ, 1 phòng khách và 1 không gian chung. Anh Long được "cách ly" một phòng riêng, các không gian còn lại trong nhà "nhường" 3 F0 (vợ và 2 con).

Gia đình ở chung cư F0 nhiều hơn F1, làm sao để không lây nhiễm chéo?
Anh Long là F1 duy nhất trong gia đình có 3 F0.

Theo anh Long, hai người con trai học lớp 8 và 12, sau khi đi học, được nhà trường thông báo trong lớp có F0, chuyển sang học online. Sáng 15.2, con trai lớn xuất hiện triệu chứng ho và sổ mũi, test nhanh cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Từ đó, vợ và người con còn lại cũng nhiễm bệnh, riêng anh Long âm tính.

Anh cho rằng không gian nhà chung cư kín, để giữ tuyệt đối cho bản thân không mắc COVID-19 là điều rất khó. Người con trai thỉnh thoảng ho hắng, nhưng không nghiêm trọng, các thành viên đều sinh hoạt và làm việc bình thường. Mỗi ngày, mỗi thành viên một góc, tự sinh hoạt và làm việc.

Cùng cảnh ngộ với gia đình anh Long, nhà chị Xuân Mai ở Hà Đông cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nhà có 6 người thì tới 5 người dương tính, chỉ còn duy nhất anh Lâm chồng chị Mai là chưa dương tính. Chính vì vậy, người âm tính lại trở thành người bị cách ly. Nhưng làm thế nào để bảo vệ những người âm tính hiếm hoi trong nhà là câu hỏi mà rất nhiều người thắc mắc.

Chuyên gia khuyến cáo cách để F1 không trở thành F0?

Theo chia sẻ của bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết:

Thứ nhất: Người nhiễm bệnh và các thành viên chưa nhiễm bệnh trong nhà nên cách ly trong không gian riêng biệt, có nhà vệ sinh riêng, có cửa sổ, có thể sử dụng thêm quạt hoặc máy lọc không khí để đảm bảo không gian thông thoáng. Người bệnh chỉ nhận đồ vật hoặc thực phẩm gián tiếp từ người nhà, không nên đưa trực tiếp bằng tay để tránh nguy cơ lây lan bệnh.

Thứ hai: Bạn nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch chứa cồn. Các thời điểm được khuyến cáo rửa tay bao gồm: rửa tay trước và sau khi nấu ăn; trước và sau khi ăn; sau khi ho, hắt hơi, sổ mũi; sau khi chạm vào các vật dụng, bề mặt; sau khi đi vệ sinh và sau khi thu dọn rác thải.

Thứ ba: Khi nhà có F0 thì cả F0 và F1 nên đeo khẩu trang đúng cách, không khạc nhổ trong không gian chung. Che miệng mũi bằng khăn giấy khi ho, hắt hơi và vứt tờ giấy đó vào thùng rác thải riêng, có nắp đậy.

Thứ tư: Người nhiễm bệnh và người F1 nên sử dụng dụng cụ ăn riêng, tự rửa dụng cụ bằng nước nóng hoặc xà phòng. Đối với các đồ vải cá nhân như quần áo, đồ lót, F0 cũng nên giặt riêng với nước ấm, sấy và phơi khô ở không gian riêng biệt trong nhà.

Gia đình ở chung cư F0 nhiều hơn F1, làm sao để không lây nhiễm chéo? - 1

Thứ năm: Người nhiễm cần tự vệ sinh bề mặt môi trường ít nhất một lần mỗi ngày theo quy trình như sau: làm sạch tường, bề mặt; sau đó lau bằng dung dịch khử khuẩn; cuối cùng lau lại bằng nước sạch.

Thứ sáu: Việc thu gom, xử lý rác thải cũng cần thực hiện đúng cách. Trong phòng cách ly, nên sử dụng thùng rác có nắp kín, mở bằng chân, trong thùng rác có lót túi ni lông. Khi rác đầy, cần thu gom lại, buộc chặt túi rác và xử lý theo đúng quy định về rác thải y tế.

Thứ bảy: Người nhiễm và người chăm sóc không nên tiếp xúc với vật nuôi, cũng không nên để vật nuôi của gia đình tiếp xúc với người và vật nuôi của các gia đình khác.

Ngoài ra, bác sĩ Trương Hữu Khanh - cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng, những nơi ở chung cư dễ lây lan virus gồm những hành lang hẹp thường đóng kín cửa, tay nắm cửa và thang máy.

“Khi đi ra ngoài, phải nghĩ mình có thể tiếp xúc với virus thông qua mũi và họng. Cũng có thể tiếp xúc gián tiếp với virus qua bàn tay của mình. Do đó khi đi ra khỏi cửa, nơi hành lang thì phải vắng người mới đi. Đồng thời, phải mang khẩu trang và kính chắn giọt bắn. Khi đi bất cứ chỗ nào cũng phải cầm theo chai nước rửa tay, nếu cầm nắm vào vật gì đó phải sử dụng ngay nước rửa tay”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Sau khi bấm nút mở thang máy, cửa thang mở ra thì cư dân không nên đi vào ngay mà đợi cho luồng gió trong thang được đẩy hết ra ngoài. Đặc biệt, không được lơ là đối với vùng tay và miệng khi đi ra ngoài hoặc trong thang máy.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/gia-dinh-o-chung-cu-f0-nhieu-hon-f1-lam-sao-de-khong-lay-nhiem-cheo-tintuc811106