Gia đình >> COVID-19 (nCoV)

Mặt trái của thuốc kháng virus Molnupiravir đang được tin dùng trong điều trị COVID-19: Gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, đối tượng nào tuyệt đối không nên dùng?

Là thuốc kháng virus, tiêu diệt virus ở giai đoạn chúng sinh sôi, nảy nở, làm giảm khả năng lây nhiễm cũng như trở nặng cho bệnh nhân nhưng Molnupiravir cũng có nhiều tác dụng phụ cần phải xem xét kỹ trước khi sử dụng.

Trong thời gian qua, tại Việt Nam, thuốc Molnupiravir sử dụng trong Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát cho các trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng. Tính đến ngày 21/1/2022, Bộ Y tế đã phân bổ khoảng 450.000 liều thuốc Molnupiravir phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ ở 53 địa phương.

Ngày 17/2, sau thời gian dài nghiên cứu, Bộ Y tế đã cấp phép cho thuốc có hoạt chất Molnupiravir trong thời hạn 3 năm đã giúp người mắc COVID-19 mức độ nhẹ và vừa ở nước ta có thêm cơ hội lựa chọn thuốc điều trị. Dự kiến giá bán một hộp thuốc sản xuất trong nước chỉ từ 300.000 -500.000 đồng/hộp., thấp hơn nhiều so với giá thuốc trôi nổi trên thị trường.

Theo TS BS Quan Thế Dân – nguyên BS Bệnh viện Thống Nhất tại TP.HCM, người từng tham gia hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 tại Bình Dương - việc cấp phép thuốc Molnupiravir nội là bước đi quan trọng trong việc chúng ta sống chung với COVID-19.

BS Dân cho biết đến nay Molnupiravir được xem là “chìa khoá” để ngăn chặn đại dịch.

Molnupiravir ban đầu do trường đại học Emory (Mỹ) phát minh để trị cúm. Sau đó thuốc này được công ty Ridgeback Biotherapeutics mua lại. Khi dịch COVID-19 bùng phát hãng này chuyển hướng sang nghiên cứu tác dụng trên SARS-C0V-2 và phối hợp với hãng Merck. Hai hãng này đã tiến hành một thử nghiệm lâm sàng pha 2 và pha 3 quy mô lớn từ tháng 10/2020 đánh giá hiệu quả của Molnupiravir trong điều trị Covid-19, dự kiến kết thúc vào tháng 5/2022.

Tuy nhiên, do kết quả báo cáo giữa kỳ của thuốc quá tốt, nên 2 hãng đã xin phép sử dụng khẩn cấp cho điều trị Covid. Thuốc Molnupiravir đã được cấp phép lưu hành có điều kiện tại Anh (ngày 04/11/2021), phê duyệt sử dụng khẩn cấp tại Mỹ (ngày 23/12/2021), tại Nhật Bản (ngày 25/12/2021).

Theo kết quả mới nhất của nghiên cứu, vừa đăng tải trên The New England Journal of Medicine ngày 10/2/2022 vừa qua, thì Molnupiravir làm giảm 31% tỷ lệ nhập viện hoặc chết so với nhóm chứng. Nếu xét riêng tỷ lệ tử vong thì Molnupiravir làm giảm tới 89%. Một kết quả thật tuyệt vời trong dịch COVID-19 hiện nay theo quan điểm của TS Dân.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy thuốc có dung nạp tốt. Thuốc có tỷ lệ gây chóng mặt, buồn nôn… tương đương giả dược. Tức là nếu ta chú ý các chống chỉ định về trẻ em, người mang thai, người chuẩn bị mang thai không được uống; người già, người suy gan, suy thận vẫn uống được bình thường

Cấp phép thuốc Monulpiravir ở dạng uống, có hiệu quả rõ rệt giảm tỷ lệ trở nặng phải nhập viện và giảm tỷ lệ tử vong.

Tuy nhiên, song song với tiêu diệt virus thì thuốc kháng virus cũng gây ra những hệ lụy đối với tế bào chủ. Chính vì vậy, thuốc kháng virus đều có thể gây tác dụng phụ lên bệnh nhân, trong đó Molnupiravir không nằm ngoại lệ.

Cơ chế tác động của thuốc kháng virus nói chung và Molnupiravir nói riêng

Virus, còn gọi là siêu vi khuẩn hay siêu vi trùng, có tính ký sinh nội bào bắt buộc, chúng chỉ có thể sinh sản bằng cách xâm chiếm tế bào khác vì chúng thiếu bộ máy di truyền để tự sinh sản.

Virus là loài vi sinh vật nhỏ nhất, kích thước điển hình từ 0,02 đến 0,3 μm, mặc dù gần đây đã phát hiện ra một số virus "rất lớn", kích thước dài đến 1 μm (megavirus, pandoravirus).

Virus chỉ nhân lên hoàn toàn trong tế bào sống của vật chủ (vi khuẩn, thực vật, hoặc động vật).

Cấu tạo của virus bao gồm lớp vỏ bên ngoài là protein hoặc đôi khi là lipid, lõi nhân là RNA hoặc DNA, và đôi khi là các enzyme cần thiết cho bước đầu tiên nhân lên của virus.

Sau khi xâm nhập được vào cơ thể, tế bào virus sẽ sao chép và nhân lên một cách nhanh chóng trong cơ thể người, từ đó gây ra các triệu chứng bệnh.

Các loại thuốc kháng virus hoạt động bằng cách làm gián đoạn quá trình này. Ví dụ như remdesivir hoạt động bằng cách ức chế một loại enzyme mà virus cần nó để sao chép khi nhân bản.

Còn thuốc Molnupiravir lại hoạt động thông qua sự "đánh lừa". Tức là, trong khi các tế bào bị virus xâm nhâp xây dựng những chuỗi virus RNA, thì Molnupiravir sẽ thay thế một số phần cần thiết trong quá trình đó. Những phần tử "giả mạo" này tiếp tục đột biến trong virus mới sao chép khiến virus gây bệnh COVID-19 không nhân bản được.

Tất cả các loại thuốc kháng virus đều giống nhau ở chỗ chúng đều ngăn chặn sự nhân lên của virus. Nhưng chúng làm việc đó theo những cách khác nhau. Nếu virus không thể tự nhân lên thì hệ miễn dịch của con người chúng ta sẽ chế ngự nó dễ dàng.

Thuốc kháng virus tùy theo bản chất và đặc tính sinh hóa mà tác dụng đến các giai đoạn nhân bản của virus. Nó có thể làm xói mòn sự gắn kết hạt virus với màng tế bào chủ hoặc không gắn với các acid nucleic của virus làm cho virus không sinh sôi được.

Nó cũng có thể ức chế thụ thể tế bào hoặc yếu tố cần thiết để nhân bản virus, chặn các enzym và protein được mã hóa cụ thể sản xuất trong các tế bào chủ và là những yếu tố cần thiết cho sự nhân lên của virus.

Mặt trái của thuốc kháng virus Molnupiravir đang được tin dùng trong điều trị COVID-19: Gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, đối tượng nào tuyệt đối không nên dùng?

Molnupiravir gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của nam và nữ giới?

Trong suốt quá trình tác dụng của thuốc kháng virus nêu trên, đôi khi thuốc kháng virus cũng gây ra những hệ lụy đối với sự trao đổi chất của tế bào chủ. Chính vì vậy, cũng như bất kỳ một loại thuốc nào khác, các thuốc kháng virus đều có thể gây tác dụng phụ lên bệnh nhân, trong đó Molnupiravir không nằm ngoại lệ.

Do thuốc hoạt động bằng cách đưa các đột biến gene vào trong virus RNA nên rất có thể nó cũng đưa luôn các đột biến vào trong DNA của tế bào. Điều này có thể khiến trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh. Những tế bào non đang sinh sản sẽ bị ảnh hưởng, ví dụ như trứng, tinh trùng, sụn xương... Do đó thuốc chống chỉ định cho phụ nữ mang thai và cho con bú, cũng như trẻ em dưới 18 tuổi vì ở tuổi này các đầu xương đang phát triển.

Người đang uống thuốc không nên có thai vì nguy cơ ảnh hưởng đến bào thai đang nhân lên. Nam giới và nữ giới trong giai đoạn sinh sản đều được hướng dẫn các biện pháp tránh thai khi uống thuốc và ít nhất 4 ngày sau khi ngừng thuốc Molnupiravir. 

Riêng đối với phái mạnh, phải kiêng sinh con ít nhất là 3 tháng sau liều cuối cùng vì thuốc có thể ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của tinh trùng. Đây cũng là lý do khiến dư luận lan truyền thông tin thuốc Molnupiravir gây ảnh hưởng đến sinh lý của người dùng.

Đối với những người bị suy thận, suy gan đến nay FDA khuyến cáo sử dụng có kiểm soát, chưa phải đối tượng chống chỉ định thuốc này.

Mặt trái của thuốc kháng virus Molnupiravir đang được tin dùng trong điều trị COVID-19: Gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, đối tượng nào tuyệt đối không nên dùng? - 1

Lời khuyên của bác sĩ

Việc sử dụng các thuốc kháng virus không rõ nguồn gốc để điều trị COVID-19 tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tiền mất, tật mang, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người dùng.

Hơn nữa, do thông tin lan truyền trên mạng xã hội rất khác nhau và không được kiểm chứng khiến nhiều người hoang mang về việc uống Molnupiravir vào sẽ gây tác dụng phụ nặng, rất mệt, thậm chí yếu sinh lý ... là không có cơ sở khoa học.

Hiện tại, thuốc kháng virus được sử dụng trong phác đồ điều trị COVID-19 tại Việt Nam mới chỉ có 3 loại: Molnupiravir, Favipiravir, Remdesivir... Các thuốc kháng virus điều trị COVID-19 đều là những thuốc mới được nghiên cứu. Vì vậy, các đặc tính của thuốc cũng như các tác dụng và độc tính vẫn cần tiếp tục theo dõi, nghiên cứu tiếp.

Những trường hợp mắc COVID-19 cần được theo dõi chặt chẽ để có sự hướng dẫn tốt nhất về cách dùng thuốc và các biện pháp hỗ trợ. Người dân không tự ý tìm mua các loại thuốc về dùng khi không có chỉ định của bác sĩ.

Theo Bộ Y tế, thuốc có hoạt chất Molnupiravir được chỉ định điều trị COVID-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành dương tính với xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 và có ít nhất 1 yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng .

Về liều dùng, liều khuyến cáo cho người trưởng thành là uống 800mg Molnupiravir mỗi 12 giờ trong 5 ngày. Độ an toàn và hiệu quả của Molnupiravir khi sử dụng trong khoảng thời gian dài hơn 5 ngày chưa được xác định.

Nếu quên một liều quá 10 giờ, bệnh nhân không nên uống lại liều đã quên mà cần uống liều kế tiếp theo lịch trình. Không dùng gấp đôi liều để bù lại liều đã quên.

Giới hạn sử dụng: Không được sử dụng molnupiravir quá 5 ngày liên tiếp; không sử dụng Molnupiravir để dự phòng trước hay sau phơi nhiễm; không sử dụng để điều trị khởi đầu cho bệnh nhân cần nhập viện do COVID-19 do chưa ghi nhận lợi ích của Molnupiravir khi khởi đầu sử dụng ở đối tượng này.

Các bệnh nhân đã được sử dụng Molnupiravir trước khi nhập viện có thể tiếp tục sử dụng thuốc cho đủ liệu trình điều trị. 

Với những bệnh nhân là F0 nếu không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ thì không cần phải dùng các thuốc kháng virus.

VH (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/mat-trai-cua-thuoc-khang-virus-molnupiravir-dang-duoc-tin-dung-trong-dieu-tri-covid-19-gay-anh-huong-den-chuc-nang-sinh-san-doi-tuong-nao-tuyet-doi-khong-nen-dung-tintuc810820