Gia đình

Thực hư thông tin tiêm vắc xin COVID-19 gặp sóng 5G sẽ tạo chất cắt... mạch máu, hại tim

Thông tin trên được chia sẻ rất nhiều trong thời gian qua, chưa rõ thực hư của chuyện nay ra sao nhưng không ít người đã rất lo lắng. Vậy các chuyên gia nói gì?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho thoidaiplus.suckhoedoisong.vn biết, thời gian gần đây có nhiều người liên hệ với bác sĩ thắc mắc về một số thông tin liên quan đến tác động của việc tiêm vắc xin COVID-19 với cơ thể.

Trong đó, có thông tin cho rằng: “Ai đã tiêm vắc xin COVID-19, nếu gặp sóng 5G tác động thì cơ thể sẽ tạo nên chất gì đó có thể cắt mạch máu, ảnh hưởng đến tim...”.

Thông tin trên khiến không ít người hoang mang, lo lắng và bác sĩ Khanh khẳng định: “Đây là thông tin bịa đặt, không có cơ sở khoa học, không có một nghiên cứu nào nói về vấn đề này”.

Bác sĩ Khanh khuyến cáo, trước những thông tin như trên, người dân cần chọn lọc khi tiếp nhận, không vì những chia sẻ vô căn cứ mà ngừng việc tiêm vắc xin.

“Vắc xin là biện pháp phòng COVID-19 an toàn, hiệu quả nhất. Thực tế cho thấy, khi người dân được tiêm vắc xin đầy đủ, đạt tỷ lệ cao đã giảm rất nhiều các ca bệnh nặng, giảm tỷ lệ tử vong. Nhờ có vắc xin mà cuộc sống dần trở lại bình thường như hiện nay”, bác sĩ Khanh cho hay.

Thực hư thông tin tiêm vắc xin COVID-19 gặp sóng 5G sẽ tạo chất cắt... mạch máu, hại tim
Bác sĩ Khanh cảnh báo thông tin cho rằng, thông tin tiêm vắc xin gặp sóng 5G gây cắt mạch máu là sai sự thật.

Đồng quan điểm với bác sĩ Khanh, Bác sĩ Đỗ Tuấn Anh, Khoa Laser - Khu điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện 108 (đang theo dõi và điều trị online cho hơn 1000 F0) chia sẻ với Doanh nghiệp & Tiếp thị : "Thông tin tiêm vắc xin Covid-19 gặp sóng 5G tạo ra chất gây cắt mạch máu hại tim là thông tin không có cơ sở khoa học. Thực tế vắc xin Covid-19 từ khi ra đời đã mang lại rất nhiều lợi ích trong công tác phòng chống dịch bệnh, để xã hội đang dần trở lại cuộc sống bình thường".

Tiêm vắc xin Covid-19 sẽ tránh được nguy cơ mắc bệnh và giảm được nguy cơ mắc chuyển biến nặng cần phải nhập viện. Hiện nay, tất cả các loại vắc xin Covid-19 được WHO công nhận đều đã cho thấy tính hiệu quả và an toàn trong việc phòng ngừa Covid-19.

Trong quá trình phát triển, các loại vaccine này đều được đánh giá cẩn thận trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng và chỉ được cấp phép hoặc phê duyệt nếu vắc xin ngăn ngừa đáng kể khả năng nhiễm Covid-19.

Dựa trên những gì đã biết về vắc-xin đối với các bệnh khác và dữ liệu ban đầu từ các thử nghiệm lâm sàng, các chuyên gia tin rằng tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cũng giúp ngăn ngừa khả năng bị bệnh nặng ngay cả khi đang nhiễm Covid-19.

Tiêm phòng cũng giúp bảo vệ những người xung quanh, đặc biệt là những người có nhiều nguy cơ mắc bệnh nặng do Covid-19 . Tiêm chủng Covid-19 là cách an toàn nhất giúp tạo hàng rào bảo vệ.

Không có loại vắc xin ngừa Covid-19 nào có thể khiến quý vị bị bệnh Covid-19. Không có loại vắcxin Covid-19 nào chứa virút còn sống của loại virút gây bệnh Covid-19, do đó vắc xin Covid-19 không thể khiến người tiêm mắc bệnh Covid-19.

Thực hư thông tin tiêm vắc xin COVID-19 gặp sóng 5G sẽ tạo chất cắt... mạch máu, hại tim - 1
Sóng 5G không liên quan và không gây hại đối với người tiêm vắc xin COVID-19. Ảnh minh họa

Sau tiêm vắc xin Covid sẽ gặp phải những phản ứng sau tiêm thường ở mức độ nhẹ đến trung bình như: sưng, đỏ tại vị trí tiêm, sốt nhẹ, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ hoặc đau khớp. Tuy nhiên, các phản ứng này là một dấu hiệu tốt cho thấy vắc xin và hệ thống miễn dịch trong cơ thể bạn đang hoạt động. Các triệu chứng sau tiêm thường kéo dài không quá 1 tuần.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 nếu thấy một trong các dấu hiệu sau cần liên hệ cơ sở y tế gần nhất:

- Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi;

- Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da;

- Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó;

- Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật;

- Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;

- Đường tiêu hóa dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy;

- Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái;

- Toàn thân: Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; Sốt cao liên tục trên 390C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/thuc-hu-thong-tin-tiem-vac-xin-covid-19-gap-song-5g-se-tao-chat-cat-mach-mau-hai-tim-tintuc814707