Giới trẻ

Sĩ tử vui vẻ kết thúc kỳ thi THPT quốc gia

Kết thúc bài Khoa học xã hội sáng 24/6, đa số thí sinh cho rằng cầm chắc 5-6 điểm, nhưng để giành điểm tuyệt đối thì không dễ.

Kết thúc bài Khoa học xã hội sáng 24/6, đa số thí sinh cho rằng cầm chắc 5-6 điểm, nhưng để giành điểm tuyệt đối thì không dễ.

Rời điểm thi THPT Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh, TP HCM), Phan Thị Hồng Nhung cho biết đề Sử không chú trọng sự kiện mà tập trung vào câu hỏi suy luận. "Các đáp án gần như giống nhau, nếu không nắm vững kiến thức sẽ nhầm lẫn. Em chỉ mất 40 phút để hoàn thành bài thi", nữ sinh cho biết.

Lần đầu tiên thi trắc nghiệm môn Sử, Lý Thiên Phú (Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 3) có chút lo lắng, nhưng ra khỏi phòng thì cười rạng rỡ. "30 câu đầu dễ, 10 câu hỏi cuối cùng khó. Em nghĩ vẫn được trên 8 điểm", nam sinh cho hay.

Tại điểm thi THPT Trưng Vương (TP HCM), thí sinh Đỗ Hồ Hoàng Sang cho rằng đề thi Sử tương đối dễ dàng với hầu hết kiến thức trong sách giáo khoa. Hình thức thi trắc nghiệm cũng khiến thí sinh có thể chọn lựa đáp án đúng mà không cần học thuộc lòng như trước đây.

Tương tự, Ngọc Huy, thí sinh tự do thi tại hội đồng THCS Trần Hưng Đạo (Đồng Nai) cho biết do đề Sử dễ nên làm được trên 90%. "Nội dung đề chủ yếu trong sách giáo khoa, nếu thí sinh nắm vững kiến thức thì có thể đạt 7-8. 2-3 điểm còn lại phải suy luận, nhưng cũng không đến nỗi lắt léo", Huy nói.

Kiều Nhi cũng cho rằng đề thi năm nay rất ít dữ liệu ngày tháng giống các đề Sử trước đó. Tuy nhiên, nếu thí sinh không để ý sẽ dễ nhầm lẫn vì đáp án gần giống nhau. Nhi nhận xét nhiều câu hỏi lịch sử thế giới tập trung phần ngoại giao rất hay, có tính thực tiễn. 

si-tu-vui-ve-ket-thuc-ky-thi-thpt-quoc-gia

Thí sinh TP HCM vui vẻ sau khi kết thúc bài Khoa học xã hội. Ảnh: Quỳnh Trần

Tại điểm thi THCS Việt Nam - Angeria (Hà Nội), thí sinh rời trường thi với tâm trạng vui vẻ. “Những sự kiện quan trọng như Cách mạng tháng 8/1945; kháng chiến chống Mỹ cứu quốc năm 1954-1975; chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954…, đều được nhắc đến. Thi Lịch sử theo hình thức trắc nghiệm dễ hơn tự luận, nhưng chúng em phải học nhiều và nắm sâu kiến thức thì mới chọn được đáp án chính xác”, Nguyễn Thị Hương Ly (THPT Trần Hưng Đạo) nói.

Ngô Ngọc Phương Thảo (THPT Đào Duy Từ) cũng hài lòng với đề Lịch sử. Em cho biết, có khoảng 25% câu rất dễ cho học sinh xét tuyển tốt nghiệp. 30% câu khó hơn dùng để xét tuyển đại học. Đề bao trùm toàn bộ kiến thức lớp 12, buộc học sinh phải tìm hiểu sâu, nắm chắc kiến thức, từ sự kiện nhỏ nhất, mới có thể làm tốt. Với nữ sinh này, thi Lịch sử trắc nghiệm là trải nghiệm thú vị.

Đề Địa dễ kiếm điểm 7

Tại TP HCM, thí sinh Nguyễn Quang Thái tại điểm thi THPT Trưng Vương nhận xét đề bám sát chương trình lớp 12, nội dung câu hỏi phong phú, nhiều câu liên hệ thực tế và có tính thời sự. "Không khó để đạt điểm 7, nhất là khi thí sinh được sử dụng Atlat Địa lý thì nhiều câu có thể dễ dàng trả lời", nam sinh cho hay.

Chỉ mất 30 phút làm bài, Nguyễn Lê Tuyết Nhi (học sinh THPT Hoàng Hoa Thám, TP HCM) nói chắc chắn được 7 điểm môn này. Theo Nhi, đề Địa không khó, biết kết hợp Atlat Địa lý và vận dụng kiến thức tổng hợp sẽ làm bài dễ dàng. "Gần một nửa câu hỏi chỉ cần biết đọc Atlat là làm được. Tuy nhiên, đề Địa lại thiếu câu hỏi thời sự", Nhi nhận xét.

Trong khi đó Nguyễn Thùy Dương (điểm thi THPT Hoàng Hoa Thám) nhận xét đề môn Địa dàn trải kiến thức về tự nhiên, dân cư, kinh tế và phần tự nhiên khá khó. "Được sử dụng Atlat Địa lý làm bài, nhưng em vẫn không biết chính xác đáp án là gì", nữ sinh cho biết.

Thí sinh nhận xét về đề Địa lý.

Còn thí sinh Quang Huy (trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, Đồng Nai) đánh giá đề Địa "dễ thở", nếu học hết trong sách giáo khoa thì được điểm 7-8. Nhiều câu hỏi có ngay trong Atlat thí sinh cầm theo. "Nhiều câu hỏi về biểu đồ cũng khá đơn giản, giáo viên đã ôn luyện cho học sinh từ trước. Em không nhớ mình làm được bao nhiêu câu song điểm sẽ khá cao", Huy tự tin nói.

Nữ sinh Thu Hiền (THPT Nguyễn Hữu Cảnh) nhận xét: "Em thấy đề thi tập trung phần kinh tế vùng miền, khí hậu, sản xuất cây công nghiệp, xuất nhập khẩu... đều là kiến thức cơ bản, học sinh rất dễ lấy điểm".

Hoàn thành 150 phút cho 3 môn thi Khoa học xã hội, nhiều thí sinh tại TP Vinh (Nghệ An) vui vẻ cười đùa khi rời phòng thi. Trần Nhật Minh cho biết, đề Địa được chia làm lý thuyết và kỹ năng. Cái hay ở phần lý thuyết là đề cập tới kinh tế 7 vùng cả nước. Còn ở phần kỹ năng có các câu yêu cầu chọn biểu đồ để nhận xét, giải thích rất hay. "Em tự chấm được khoảng từ 8,5-9 điểm", Minh nói.

Đề Giáo dục công dân có nhiều câu hỏi tình huống hay

Đề Giáo dục công dân được nhiều thí sinh ở TP HCM thấy thích thú vì vừa sức, dễ hơn đề kiểm tra học kỳ với nhiều câu hỏi mang tình huống thực tế. Nguyễn Phi Phương (điểm thi THCS Võ Trường Toản) cho rằng đề Giáo dục công dân dễ nhất trong các môn thành phần của tổ hợp Khoa học xã hội. Ai học chắc trong sách giáo khoa có thể làm được 80-90%. "Em thích bài trắc nghiệm như vậy, vừa dễ làm, vừa có nhiều tình huống thử sức", Phương nói. 

Phí Phương Anh (điểm thi THPT Trưng Vương) chỉ mất 15 phút để làm xong 40 câu trắc nghiệm. "Rất nhiều câu hỏi về kiến thức xã hội và các tình huống pháp luật, em không nghĩ đề lại dễ như vậy", nữ sinh chia sẻ và cho rằng cách ra đề như vậy đã hạn chế việc học tủ, học lệch của thí sinh với các môn học xã hội.

si-tu-vui-ve-ket-thuc-ky-thi-thpt-quoc-gia-1

Thí sinh chụp ảnh với tình nguyện viên sau bài thi tổ hợp sáng nay. Ảnh: Phước Tuấn.

So với các môn còn lại, tại Đồng Nai, rất ít thí sinh tự do đăng ký thi môn Giáo dục công nhân. Tuy nhiên, môn thi trên nằm trong tổ hợp Khoa học xã hội nên được nhiều thí sinh chọn để xét tuyển tốt nghiệp.

Dự thi vào khối A1 gồm Toán, Anh Văn và Lý song Quang Minh (THPT Chuyên Lương Thế Vinh) chọn tổ hợp Khoa học xã hội để xét tuyển tốt nghiệp. Minh đánh giá đề thi Giáo dục công nhân chủ yếu nằm trong sách giáo khoa. "Vì các quy định, quy ước đã có sẵn nên thí sinh cần chú ý một chút bài ôn tập của giáo viên trên lớp là có thể đạt điểm trung bình", Minh nói.

Thí sinh Lâm Ngọc My (Cần Thơ) cũng cho rằng, đề thi môn Giáo dục công dân tương đối dễ nhất trong 3 môn tổ hợp khoa học xã hội. Phần lớn nội dung câu hỏi nằm trong kiến thức đã học và ôn tập, dễ lấy điểm cao nhiều.

Thí sinh nhận xét về đề Giáo dục công dân.

Theo PV (VnExpress.net)