Kinh tế

Cổ phiếu VinFast tăng sốc, tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng trồi sụt tỷ USD do đâu?

Cổ phiếu VinFast tăng mạnh vài lần trong phiên chào sàn rồi lại giảm sâu, khiến vốn hóa hãng xe điện Việt biến động lên xuống cả chục tỷ USD trong chỉ 1-2 phiên giao dịch. Điều gì dẫn tới biến động mạnh như vậy?

Tăng sốc, giảm sâu

Cổ phiếu VinFast tăng mạnh trong phiên chào sàn ngày 15/8 khiến không chỉ giới đầu tư trong nước và thế giới bất ngờ, mà ngay cả người trong cuộc cũng hơi khó tưởng tượng ra kết quả như vậy.

Trong phiên đầu tiền giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ, cổ phiếu VinFast đóng cửa ở mức trên ngưỡng 37 USD, tăng gấp hơn 3 lần so với giá tham chiếu, qua đó đưa vốn hóa của VinFast đạt 85 tỷ USD, vượt qua Mercedes-Benz, Ford, General Motors và nhiều hãng xe danh tiếng.

Trong cuộc họp báo trực tuyến ngay sau phiên chào sàn, CEO VinFast bà Lê Thị Thu Thủy thừa nhận "bất ngờ" khi cổ phiếu lên 37 USD trong phiên chào sàn và không chuẩn bị cho kịch bản cổ phiếu VFS lên mức giá này.

Trước đó, theo bà Thủy, khi đi hỏi các ngân hàng đầu tư, hầu hết đều nói là cổ phiếu sẽ đỏ, tức là VFS sẽ giảm xuống dưới 10 USD/cp trong phiên đầu tiên. Lãnh đạo VinFast và các cộng sự ban đầu chỉ tin sẽ đạt vốn hóa trên 23 tỷ USD, “nhưng không ngờ tới 85 tỷ USD”.

Trong phiên giao dịch đầu tiên, tổng cộng có 6,7 triệu cổ phiếu VFS được chuyển nhượng, trị giá khoảng 200 triệu USD được trao tay. Số cổ phiếu giao dịch cao hơn so với tổng lượng cổ phiếu lưu hành tự do (free float) là 4,5 triệu đơn vị.

Biến động cổ phiếu VinFast trong 2 phiên giao dịch đầu tiên trên sàn chứng khoán Nasdaq Mỹ. (Nguồn: YHF)

Tuy nhiên, sang phiên thứ 2 ngày 16/8, áp lực bán ra tương đối mạnh. Có lúc VFS giảm 45% xuống gần 25 USD/cp (so với mức giá đóng cửa 37,06 USD/cp trong phiên đầu tiên), sau đó lập tức phục hồi và về ngưỡng 30,11 USD/cp.

Trong phiên, có thời điểm VinFast ghi nhận vốn hóa bốc hơi 25 tỷ USD và chung cuộc phiên thứ 2 giá trị kéo lại, mức giảm là 16 tỷ USD. Vốn hóa VFS còn 69 tỷ USD. Trong phiên này, có 2,8 triệu cổ phiếu được sang tay.

Mặc dù tụt giảm nhưng vốn hóa của VinFast còn rất lớn, vẫn thuộc Top 3 hãng xe điện lớn nhất thế giới.

Việc cổ phiếu VFS biến động mạnh cũng kéo tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng biến động liên tục.

Tuy nhiên, theo xếp hạng mới nhất của Forbes, doanh nhân giàu nhất Việt Nam có tài sản tăng vọt so với trước đó vài ngày, lên 37,5 tỷ USD, xếp thứ 33 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh, xếp trên vợ cũ của tỷ phú Jeff Bezos, bà MacKenzie Scott (xếp thứ 36) và ngang với tỷ phú Li Ka-shing (Lý Gia Thành), doanh nhân nổi tiếng người Hong Kong.

Vì đâu?

Việc cổ phiếu VFS tăng sốc và có vốn hóa lên 85 tỷ USD trên thực tế không phải quá bất ngờ, trong bối cảnh định giá của doanh nghiệp này cũng đã ở mức cao 23 tỷ USD. Việc một công ty công nghệ lên sàn, đặc biệt một hãng xe điện, thường thu hút sự quan tâm rất lớn.

Trong lịch sử, có rất nhiều hãng xe điện vừa niêm yết trên sàn quốc tế giá cổ phiếu lập tức tăng mạnh.

Theo Reuters, cổ phiếu xe điện như Nikola Corp hay Lucid chứng kiến giá tăng mạnh và sau đó tụt giảm sau khi niêm yết thông qua SPAC - một hình thức niêm yết cửa sau (back door listing), hoặc thâu tóm ngược (reverse merger).

Giá trị vốn hóa Nikola giảm từ mức 13,9 tỷ USSD trước khi niêm yết xuống còn 1,4 tỷ USD, trong khi Lucid giảm từ mức 24 tỷ USD năm 2021 xuống mức 15,5 tỷ USD như hiện tại.

Với VinFast, số lượng cổ phiếu lưu hành tự do (free float) khá thấp, chỉ có 4,5 triệu đơn vị, so với quy mô hơn 2,3 tỷ cổ phiếu.

Trong phiên giao dịch đầu tiên, tổng cộng có 6,7 triệu cổ phiếu VFS được chuyển nhượng, cao hơn so với tổng lượng cổ phiếu lưu hành tự do. Nó cho thấy có sự mua qua bán lại trên thị trường giao dịch với thời gian T+0.

Giả sử với mức quay 3 vòng, giao dịch thực sự trong phiên đầu tiên 15/8 chỉ là khoảng 2,2 triệu cổ phiếu, tương đương 0,1% số cổ phần VFS và tương ứng với nửa số cổ phiếu mà cổ đông sáng lập Black Spade nắm giữ.

Số cổ phiếu có sẵn để giao dịch so với tổng lượng cổ phiếu lưu hành quá chênh lệch, trong khi sức cầu lớn. Đây là yếu tố đẩy giá lên cao.

Tuy nhiên, việc cổ phiếu tăng giá mạnh ngay trong phiên đầu cũng khiến nhu cầu chốt lời lên cao.

Với diễn biến như hiện tại, có thể cần thêm thời gian để xác định mức giá cân bằng hơn của cổ phiếu VinFast cũng như vốn hóa của doanh nghiệp này. Biến động sẽ trở nên chính xác hơn khi tỷ lệ free float cao hơn.

Tỷ lệ free float dưới 1% là quá nhỏ. Nếu 100% cổ phiếu được tự do giao dịch, tình hình có thể sẽ rất khác. Tỷ lệ free float thấp như hiện tại cũng khiến những ai muốn short (bán khống) có thể thua lỗ cháy túi.

Trong thời gian tới, một lượng cổ phiếu mới có thể được giải phóng, trong đó có vài triệu cổ phiếu được chuyển từ chứng quyền của đối tác trong một vài tháng tới, thì lượng cung VFS trên thị trường sẽ lớn hơn. Biến động giá sẽ chính xác hơn.

Dù vậy, nhìn chung, với quy mô vài triệu cho tới một vài chục triệu cổ phiếu so với tổng thể hơn 2,3 tỷ cổ phiếu, thì cục diện có thể sẽ không có thay đổi nhiều. Chi phối nguồn cung vẫn nằm trong tay tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

CEO VinFast Lê Thị Thu Thủy cũng khẳng định, VinFast sẽ không chỉ dừng ở việc niêm yết, mà sàn chứng khoán là để huy động lượng vốn lớn, chứ không để làm marketing.

Dù vậy, lộ trình huy động vốn sẽ không gấp vì áp lực vốn của VinFast không cao do công ty mới nhận khoản cam kết tài trợ và cho vay 2,5 tỷ USD từ Vingroup và tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Theo Mạnh Hà (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/co-phieu-vinfast-tang-soc-tai-san-ty-phu-pham-nhat-vuong-troi-sut-ty-usd-do-dau-2178720.html