Kinh tế

Cơn sốt vàng: Nhiều quốc gia 'ráo riết' thu mua, Nga và TNK phá vỡ kỉ lục mua vàng

Riêng trong vòng ba tháng trở lại đây, tổng khối lượng vàng các ngân hàng mua ước tính đạt 5,82 tỉ USD.

Cơn sốt vàng: Nhiều quốc gia 'ráo riết' thu mua, Nga và TNK phá vỡ kỉ lục mua vàng
Ảnh minh họa: Getty Images

Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang bắt đầu tăng cường tích trữ vàng với tốc độ "chóng mặt". Riêng trong vòng ba tháng trở lại đây, tổng khối lượng vàng các ngân hàng mua ước tính đạt 5,82 tỉ USD. Đáng chú ý, Ngân hàng Trung ương Nga và Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ còn phá kỉ lục số lượng vàng mua vào.

Ngoài ra, Kazakhstan, Ấn Độ cũng như Ba Lan và Hungary cũng có mặt trong danh sách những nước mua vàng nhiều nhất.

Cơn sốt vàng

Theo dữ liệu được cung cấp từ Hội đồng Vàng Thế giới, các ngân hàng nhà nước đã mua tới 148 tấn vàng, nhiều hơn 22% cùng kì năm ngoái. Ngân hàng Trung ương Nga đứng đầu danh sách mua vào với 92 tấn. Nga trước đây cũng mua một lượng lớn vàng vào thời kì chủ chốt của cuộc cải cách thị trường năm 1993.

Tính cả 106 tấn vàng mua vào trong 6 tháng đầu năm, khối lượng dự trữ vàng của Nga hiện vượt quá 2.036 tấn, trị giá khoảng 78 tỉ USD. Nhờ đó, Nga lọt vào top 5 quốc gia nắm giữ nhiều vàng nhất thế giới, chỉ đứng sau Mỹ với khối lượng vàng dự trữ là 8.133 tấn, Đức (3369,7 tấn), Italy (2.451,8 tấn) và Pháp (2.436 tấn).

Cơn sốt vàng: Nhiều quốc gia 'ráo riết' thu mua, Nga và TNK phá vỡ kỉ lục mua vàng - 1
Nếu Nga tiếp tục mua vàng với tốc độ hiện tại, quốc gia này sẽ vượt Pháp vào năm 2020. Ảnh minh họa: Sputnik

Nếu Nga tiếp tục mua vàng với tốc độ hiện tại, quốc gia này sẽ vượt Pháp vào năm 2020. Ngân hàng Trung ương Nga dường như đang tăng cường dự trữ vàng trong khi Phó Thống đốc thứ nhất Ngân hàng Nga Dmitry Tulin khẳng định vàng là "sự bảo đảm 100% trước các rủi ro chính trị và pháp lý".

Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc - hai quốc gia gần đây có quan hệ căng thẳng với Mỹ - cũng bắt đầu "nhập cuộc" với số lượng vàng mua vào tăng đáng kể.

Ngưỡng an toàn

Thế giới đang dần tiến tới thời kì bất ổn mới, khi viễn cảnh về một cuộc khủng hoảng toàn cầu ngày càng có vẻ hữu hình hơn bao giờ hết, và nhiều người gần như chắc chắn rằng sự thay đổi trước mắt sẽ chủ yếu ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ và đồng USD.

Hồi giữa tháng 10, Ulf Lindahl, giám đốc công ty AG Bisset Associates - chuyên nghiên cứu về thị trường tiền tệ, khẳng định rằng giá trị của đồng USD có thể giảm tới 40% so với đồng Euro trong 5 năm tới.

Dự đoán tiêu cực của nhà đầu tư cũng được phản ánh qua cuộc khảo sát gần đây với sự tham gia của 174 nhà quản lí quỹ đầu tư, hiện tổng điều hành khối tài sản trị giá 518 tỉ USD.

Cuộc khảo sát được thực hiện bởi Ngân hàng Trung ương Mỹ (BofA). Những người tham gia cho biết trong vài tháng qua, họ đã giảm mua 17% lượng cổ phiếu từ Mỹ do sự bất ổn ở thị trường này.

Thuế quan nhôm và thép, cũng như lệnh hạn chế nhập khẩu hàng Trung Quốc được ban hành bởi ông Donald Trump, đã có ảnh hưởng tiêu cực xét trên công bố tài chính theo quý từ các công ty lớn ở Mỹ.

Ngoài ra, chiến tranh thương mại với Trung Quốc đã khiến nông dân Mỹ hứng chịu nhiều thiệt hại sau khi Bắc Kinh cắt giảm thu mua nông sản của Mỹ để trả đũa. Giá đậu nành đã giảm 18%, giá ngô giảm 12% và giá thịt lợn lao dốc tới 29%.

Vấn đề với Cục dự trữ Liên bang

31% các nhà quản lý đầu tư cho rằng chính sách của Cục dữ trự Liên bang Mỹ (FED) là mối rủi ro lớn thứ hai. "Bằng việc tăng lãi suất với những khoản cho vay bằng đồng USD, FED đã cùng lúc đẩy nhanh nhịp độ thu hồi 3,5 nghìn tỉ USD đổ vào các thị trường quốc tế sau cuộc khủng hoảng năm 2008," một chuyên gia nhận xét.

Tới cuối tháng 7, Trung Quốc sở hữu 1,2 nghìn tỉ USD các chứng khoán nợ quốc gia của Mỹ. Bằng việc xả chứng khoán Mỹ vào thị trường, Bắc Kinh tin rằng kinh tế Mỹ sẽ gặp khủng hoảng kinh tế mới và đồng USD sẽ bị giảm giá trị. Do đó, trước những biến động kinh tế sắp tới, cả nhà đầu tư và ngân hàng trung ương đều tiếp tục phụ thuộc vào vàng.

Theo Tất Đạt (Soha/Thời Đại)