Kinh tế

Doanh nghiệp vốn 144.000 tỷ: Xử lý thế nào nếu không góp đủ số vốn điều lệ?

Luật sư Trần Hữu Thung cho biết, nếu cổ đông không góp đủ số vốn như vốn điều lệ đã đăng ký là 144.000 tỷ đồng thì doanh nghiệp chỉ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng và buộc điều chỉnh số vốn như số thực góp.

Công ty cổ phần tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (viết tắt tên tiếng Anh là USC Interco., JSC.) vừa đăng ký kinh doanh tại Hà Nội với số vốn điều lệ 144.000 tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD).

Công ty này được thành lập bởi 3 cổ đông là ông Trần Gia Phong, bà Kim Thị Phương và ông Nguyễn Hoàn Sơn.

Doanh nghiệp vốn 144.000 tỷ: Xử lý thế nào nếu không góp đủ số vốn điều lệ?

Doanh nghiệp vốn 144.000 tỷ: Xử lý thế nào nếu không góp đủ số vốn điều lệ? - 1

Trụ sở doanh nghiệp đăng ký vốn 144.000 tỷ, lớn bậc nhất Việt Nam nằm sâu trong một con ngõ ở thôn Lai Xá (Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội).
Ông Trần Gia Phong là Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của USC Interco. Ông Phong sinh năm 1979, có hộ khẩu tại huyện Đan Phượng, Hà Nội. Cả 3 cá nhân này đều không phải là các đại gia nổi danh trên thị trường kinh tế ở Việt Nam.

Nguồn tiền mà các cổ đông sáng lập này đóng góp vào vốn cho USC Interco đến từ đâu, kế hoạch góp như thế nào là một ẩn số. Hơn nữa với những con số khủng như vậy, các cổ đông có đáp ứng đủ hay đây chỉ là sự hô hào cho danh tiếng của Công ty mới thành lập.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Hữu Thung (Trưởng phòng kinh doanh thương mại Công ty Luật Trần Nguyên – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).

Doanh nghiệp vốn 144.000 tỷ: Xử lý thế nào nếu không góp đủ số vốn điều lệ? - 2
Luật sư Trần Hữu Thung.

Thưa luật sư, vốn điều lệ của doanh nghiệp là gì? Việc đăng ký một số vốn khủng như trường hợp của Công ty cổ phần tư vấn đầu tư quốc tế và dịch thương mại USC có vi phạm pháp luật không?

Khoản 29 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định “Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần”. Theo quy định này, tại thời điểm doanh nghiệp mới thành lập vốn điều lệ có thể chỉ là tổng số tiền mà các cổ đông sáng lập hoặc thành viên cam kết sẽ góp vốn vào doanh nghiệp. Số vốn điều lệ ghi trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không phải là căn cứ xác định giá trị vốn thực góp.

Luật Doanh nghiệp 2014 không quy định bắt buộc về mức vốn tối đa được phép đăng ký. Theo Điều 7 Luật doanh nghiệp 2014 thì doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm;Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh. Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn. Do đó, doanh nghiệp không bị cấm hoặc hạn chế đăng ký số vốn điều lệ như trên thậm chí có thể lớn hơn nữa.

Mặc dù việc đăng ký một số vốn khủng của doanh nghiệp này đặt ra cho dư luận và các cơ quan quản lý Nhà nước nhiều nghi vấn, tuy nhiên nếu hồ sơ đăng ký thành lập của doanh nghiệp này đầy đủ, hợp lệ thì Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội không có lý do để từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho trường hợp này.

Pháp luật có cơ chế gì để hậu kiểm việc góp vốn của doanh nghiệp không, thưa luật sư?

Tất nhiên, các nhà làm luật có dự liệu và quy định rất rõ ràng về vấn đề hoàn thành cam kết góp vốn của các cổ đông. Cụ thể:

Điều 112 Luật Doanh nghiệp quy định Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Tức là các cổ đông sáng lập đã ký tên trên hồ sơ đăng ký kinh doanh phải góp đủ vốn đã cam kết trong thời gian tối đa là 90 ngày kể từ ngày thành lập là ngày 17/01/2020. Trong trường hợp không góp đủ vốn điều lệ thì phải thực hiện thủ tục giảm vốn điều lệ về số vốn thực góp trong vòng 30 ngày tiếp theo.

Luật cũng quy định rõ cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty. Ngoài ra, thành viên Hội đồng quản trị và người đại diện theo pháp luật của công ty cũng phải chịu trách nhiệm liên đới theo luật.

Nếu doanh nghiệp không thực hiện việc điều chỉnh vốn điều lệ bằng số vốn thực tế thì có thể bị xử phạt hành chính theo Khoản 3 Điều 28, điểm c khoản 5 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính khi vi phạm các quy định về thành lập doanh nghiệp với mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký.

Ngoài ra, Công ty buộc phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp.

Theo luật sư khi tìm hiểu thông tin về đối tác làm ăn, các nhà đầu tư có lên quan tâm về vốn điều lệ?

Thực tế tới nay, không ít nhà đầu tư vẫn bị nhầm lẫn về vốn điều lệ.

Đây là lần đầu tiên có một doanh nghiệp tư nhân đăng ký vốn điều lệ lớn tới 144.000 tỷ, tuy nhiên việc các doanh nghiệp đăng ký số vốn "ảo" lên tới hàng nghìn tỷ từ trước tới nay cũng không phải chuyện hiếm. Việc đăng ký vốn "khủng", vốn "ảo" đã diễn ra đặc biệt phổ biến đối với các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, kinh doanh bất động sản, đấu thầu. Trong nhiều trường hợp, các nhóm công ty có liên quan thực hiện nhiều nghiệp vụ kế toán phức tạp, chạy tiền lòng vòng để “hợp pháp hóa” việc góp vốn điều lệ nhưng thực chất là vốn ảo. Do đó, các nhà đầu tư khi thực hiện các giao dịch hợp tác, đầu tư với doanh nghiệp khác không nên quá quan tâm vào con số vốn điều lệ trên đăng ký kinh doanh mà nên tìm hiểu kỹ về uy tín, tiềm lực tài chính thực sự trước khi đưa ra quyết định.

Việc đăng ký một số vốn lớn cũng làm sai lệnh, làm giảm giá trị thực tế các báo cáo thống kê của các cơ quan nhà nước về số vốn đăng ký đầu tư mới.

Tôi được biết nhiều luật gia đã có ý kiến phản biện về việc cần xóa bỏ vốn điều lệ đối với các doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề thông thường. Đề nghị chỉ quy định đăng ký vốn điều lệ đối với các doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề có yêu cầu vốn pháp định trong lĩnh vực ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm, công ty tài chính … Tôi đồng ý với quan điểm này. Có lẽ đã đến lúc các nhà làm luật cần xem xét nghiêm túc việc sửa đổi luật doanh nghiệp theo hướng xóa bỏ vốn điều lệ để tránh nhầm lẫn cho cả nhà đầu tư và các cơ quan thống kê nhà nước.

Xin cảm ơn ông!

Theo Hoàng Mai (Nguoiduatin.vn)




https://www.nguoiduatin.vn/doanh-nghiep-von-144000-ty-xu-ly-the-nao-neu-khong-gop-du-so-von-dieu-le-a467109.html