Kinh tế

EVN: Cách tính mới không làm tăng giá điện

Đó là khẳng định của ông Hoàng Văn Tùy - Phó ban Tài chính kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại buổi tọa đàm “Giá bán lẻ điện: Hài hòa lợi ích các bên” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 29/9.

Đó là khẳng định của ông Hoàng Văn Tùy - Phó ban Tài chính kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại buổi tọa đàm “Giá bán lẻ điện: Hài hòa lợi ích các bên” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 29/9.
 
Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố dự thảo Đề án “Cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện”, trong đó đưa ra 3 phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt năm 2016-2017.
 
Phương án 1: Giữ nguyên 6 bậc như hiện hành
 
Phương án 2: Quy định một mức biểu giá điện sinh hoạt (đồng giá)
 
Phương án 3: Rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc xuống 3 bậc hoặc 4 bậc.
 
Đề xuất này đã gây lên nhiều tranh cãi trong người dân, doanh nghiệp thời gian qua. Căn cứ nào để EVN xây dựng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt? Biểu giá này có bám sát giá thị trường không?... Do vậy, lựa chọn phương án nào cho cải tiến biểu giá bán lẻ điện để vừa hài hoà lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng mà vẫn bám sát được giá thị trường đang là câu hỏi khó hiện nay.
 
Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Giá bán lẻ điện: Hài hòa lợi ích các bên” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 29/9, ông Hoàng Văn Tùy - Phó ban Tài chính kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, việc tính giá cho khách hàng sử dụng điện theo quy định của Chính phủ.
 
“Giá bình quân chung 1.622 đồng/kWh là giá bình quân cho sản xuất, cơ quan hành chính sự nghiệp, kinh doanh dịch vụ và sinh hoạt. Trong đó, mỗi nhóm đều có giá điện bình quân. Trong nhóm sinh hoạt hiện nay, giá bình quân của 6 bậc thang là 1.747 đồng/kWh. Và giá bình quân của nhóm điện sinh hoạt đã nằm trong giá bình quân chung 1.622 đồng/kWh” – ông Tùy nói.
 
Theo ông Tùy, việc vẫn đưa phương án với 6 bậc thang giá điện như hiện nay nhằm để làm cơ sở so sánh với các phương án cải tiến sau đó. Còn phương án giảm biểu giá điện từ 6 bậc xuống 3-4 bậc nhằm hạn chế mức tăng hóa đơn điện vào mùa nắng nóng.
 
"Dù chọn kịch bản nào thì tất cả các kịch bản đều không tăng giá, đúng bằng 1.747 đồng/kWh. Dù tính giá nào cũng không làm tăng doanh thu của ngành điện, không làm tăng giá bán. Không có một phương án nào để tất cả các nhóm người tiêu dùng được hưởng lợi, nhưng phương án được lựa chọn sẽ là phương án ưu tiên người tiêu dùng"- ông Tùy khẳng định.
 
Không tính chi phí xây sân tennis, bể bơi vào giá điện
 
Cũng tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho rằng, giá điện có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân. Do vậy, việc lấy ý kiến xây dựng biểu giá điện mới nhằm đánh giá lại những mặt ưu và nhược điểm của cách tính giá điện hiện nay.
 
Theo ông Tuấn, cơ cấu tính giá thành sản xuất điện gồm 4 khâu: phát điện, truyền tải, phân phối bán lẻ và khâu phụ trợ. Trong đó, khâu phát điện chiếm tỷ lệ chi phí cao nhất 78%, còn lại là khâu truyền tải và phân phối bán lẻ.
 
“Các tính toán dựa trên báo cáo sản xuất kinh doanh điện của EVN. Tuy nhiên, EVN hoàn toàn không được đưa các chi phí hoạt động ngoài ngành vào chi phí giá thành điện. Đặc biệt, các chi phí xây sân tennis, bể bơi không được tính vào giá điện” – ông Tuấn cho biết.
 
Bên cạnh đó, trả lời thắc mắc về việc tỷ giá có tác động lên giá điện hay không, ông Tuấn chia sẻ, EVN có sử dụng nguồn vốn vay ngoại tệ lớn để đầu tư các dự án. Khi tỷ giá điều chỉnh tăng, EVN sẽ chịu chênh lệch tỷ giá phát sinh. Về cách tính chênh lệch tỷ giá của EVN, chênh lệch tỷ giá thực hiện trong năm, khoản chênh lệch tỷ giá theo số dư có biến tại ngày cuối năm.
 
“Những năm vừa qua, với việc Ngân hàng Nhà nước nhiều lần điều chỉnh tỷ giá, EVN đã chịu khoản chi phí lớn cho việc điều chỉnh này. Theo đó, EVN đã phải báo cáo Bộ Công Thương cho phép phân bổ dần khoản chênh lệch tỷ giá vào một số năm, để giảm bớt áp lực chi phí sản xuất vào giá điện tức thời” – Đại diện EVN chia sẻ.
 
Cũng tại tọa đàm, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, vừa qua hai tập đoàn Vinacomin và EVN đã có báo cáo việc ảnh hưởng của việc điều chỉnh tỷ giá đến kết quả kinh doanh.
 
Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ giá chỉ là một trong 4 yếu tố cấu thành giá điện. Do đó, việc “đổ” cho tỷ giá làm tăng giá điện là không chính xác.
 
“Thực tế, các cơ quan sẽ phải xem xét diễn biến sau 6 tháng mới có quyết định điều chỉnh giá điện hay không. Hơn nữa, giá điện tăng hay giảm còn phải theo cơ chế thị trường” – ông Tuấn khẳng định.
 
Theo Nguyệt Quế (Cafef.vn/Trí Thức Trẻ)