Kinh tế

Giá dầu sụt tiếp, kinh tế Nga vẫn "không quá nguy kịch"?

Việc OPEC quyết định giữ sản lượng khai thác cao hơn nhu cầu thị trường khiến thời kỳ giá dầu thấp sẽ tiếp tục kéo dài.

Việc OPEC quyết định giữ sản lượng khai thác cao hơn nhu cầu thị trường khiến thời kỳ giá dầu thấp sẽ tiếp tục kéo dài.

Số liệu của OPEC được Wall Street Journal đăng tải mới đây cho thấy nếu mức sản lượng hiện tại tiếp tục được duy trì, thị trường sẽ bị dư thừa nguồn cung khoảng 700 nghìn thùng/ngày trong năm 2016.

OPEC quyết định giữ nguyên mức sản lượng hiện tại, ngay cả khi thị trường dầu vẫn thừa mứa nguồn cung


“OPEC đang cố tình phát đi thông điệp rằng họ hài lòng với mức sản lượng dầu hiện tại. Yếu tố này chắc chắn sẽ tác động đến giá dầu trong một vài tháng tới”, theo nhận định của ông Rob Haworth, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại quỹ U.S. Bank Wealth Management.

Theo IEA, năng lực sản xuất dữ dội của OPEC đang tạo ra lượng dư thừa 3 tỉ thùng dầu trên khắp thế giới.

Thậm chí giữa lúc kinh tế còn ảm đạm khiến nhu cầu tiêu thụ không cao, các quốc gia dầu mỏ khác như Nga (sản lượng trong tháng 11 vừa qua đạt mức kỷ lục 10,78 triệu thùng/ngày) và Mỹ cũng không chịu cắt sản lượng.

Sau quyết định của OPEC, giá dầu thô thế giới đã rơi xuống dưới ngưỡng 40 USD/thùng. Suốt nhiều tháng gần đây, giá dầu đã không ngừng biến động sát mức 40 USD/thùng bởi những lo lắng về tình trạng dư thừa nguồn cung, vốn đã kéo dài suốt hơn một năm qua.

Trong khi đó, trong bản Thông điệp liên bang trình bày hôm 3/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin dù thừa nhận khó khăn hiện nay của nền kinh tế Nga, nhưng cho rằng tình hình không quá nguy kịch và vẫn có những xu hướng tích cực, lạm phát, đồng nội tệ đã ổn định, sản xuất công nghiệp đang phát triển mạnh.

Ông cho rằng giá dầu nguyên liệu thô sẽ ở mức thấp trong một thời gian dài và giải pháp là không nên bỏ qua những cơ hội mới, như hình thành khối thương mại mới, cũng như chú trọng tới những công nghệ mới.

Ông khẳng định Nga cần đi đầu về kinh tế, công nghệ và các lĩnh vực khác. Tổng thống Nga cho biết ngân sách liên bang năm 2016 sẽ không thâm hụt quá 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ngay cả khi nguồn thu giảm xuống dưới mức mong đợi.

Vào lúc này, kinh tế Nga đang gặp khó khăn, thiếu vốn đầu tư trong khi giá dầu - nguồn thu ngân sách chính, ở mức thấp, nước Nga bị phương Tây bao vây cấm vận. Trước đó, hãng tin Bloomberg đánh giá, trong trường hợp giá dầu tiếp tục đà suy giảm và về mức 30 USD/thùng thì đối với nước Nga, đó sẽ là một 'thảm họa'.

Theo kết quả một cuộc khảo sát ý kiến do Bloomberg thực hiện mới đây, 63% chuyên gia được hỏi tin rằng mức giá dầu như vậy sẽ đẩy nền kinh tế Nga chìm sâu vào suy thoái tới mức đe dọa hệ thống tài chính nước này.

Kết quả khảo sát cho thấy, giá dầu giảm sâu hơn là rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Nga trong năm 2016, bên cạnh những rủi ro khác như căng thẳng địa chính trị, bất ổn trong hệ thống ngân hàng và tỷ giá đồng Rúp.

“Nếu giá dầu giảm sâu hơn và giữ ở mức thấp trong thời gian dài, nguy cơ mất ổn định ngân sách và tài chính Nga sẽ tăng mạnh”, nhà phân tích Sergei Narkevich thuộc ngân hàng PAO Promsvyazbank ở Moscow nhận định.
 
>> OPEC quyết giữ sản lượng, giá dầu rơi dưới 40 USD/thùng

Theo An Nhiên (Đất Việt)