Kinh tế

Gia đình ông Vượng mất hơn 8.000 tỷ phiên giao dịch cuối năm 2018

Phiên giao dịch cuối cùng trong năm 2018 cũng đánh dấu chỉ số VN-Index xuống dưới mốc 900 điểm, giảm hơn 9% so với đầu năm.

Ngày 28/12 chính là phiên giao dịch cuối cùng trong năm tài chính 2018. Hầu hết nhà đầu tư kỳ vọng vào một phiên giao dịch khởi sắc để khép lại năm 2018 với một phiên tăng điểm.

Suốt cả phiên, thị trường luôn giao dịch trong mức tăng so với cuối ngày hôm qua. Tuy nhiên, càng về cuối phiên áp lực bán tăng mạnh khiến chỉ số lớn nhất thị trường VN-Index giảm mạnh.

Hàng loạt cổ phiếu lớn bất ngờ bị bán tháo với giá đỏ trong khi phiên sáng vẫn giao dịch ở giá xanh.

Cụ thể, duy trì mức trên 102.000 đồng/cổ phiếu trong suốt cả phiên sáng và đầu phiên chiều, nhưng đến cuối phiên cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup bất ngờ bị xả hàng mạnh. Cổ phiếu này lập tức quay đầu giảm sàn 6,9%, tương đương 7.100 đồng mỗi cổ phiếu. VIC đã đóng cửa giao dịch năm 2018 tại mốc 95.300 đồng/cổ phiếu.

Đà giảm kịch biên độ của VIC tác động rất mạnh đến khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch tập đoàn, và những người thân tại đây.

Cụ thể, ông Vượng và 2 người thân là bà Phạm Thu Hương (vợ) cùng bà Phạm Thúy Hằng (em vợ) nắm giữ hơn 1,12 tỷ cổ phiếu VIC (35.34% vốn doanh nghiệp). Đà giảm mạnh của VIC khiến ông cùng những người thân của mình mất hơn 8.000 tỷ đồng tài sản chỉ trong phiên hôm nay. Trong đó, riêng cá nhân ông Vượng đã sụt giảm khoảng 6.200 tỷ.

Tuy nhiên, nếu so với đầu năm, khối tài sản của gia đình vị tỷ phú này vẫn tăng hơn 35.000 tỷ đồng nhờ cổ phiếu VIC đã tăng gần 50% trong năm qua.

Đà giảm này cũng không làm thay đổi vị trí của các thành viên gia đình ông Vượng trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.

Hiện, ông Vượng vẫn đứng thứ nhất trong danh sách này với khối tài sản nắm giữ trực tiếp lên tới 83.000 tỷ đồng. Bà Phạm Thu Hương và Phạm Thúy Hằng lần lượt xếp vị trí thứ 4 và 7 trong danh sách này với khối tài sản đạt trên 10.000 tỷ đồng.

Gia đình ông Vượng mất hơn 8.000 tỷ phiên giao dịch cuối năm 2018

Ngoài VIC, một cổ phiếu khác trong nhóm doanh nghiệp của Vingroup cũng bị giảm mạnh là Vincom Retail với mức giảm 4,5% (1.300 đồng) trong ngày hôm nay. Cổ phiếu này đóng cửa năm 2018 ở mức 27.000 đồng, giảm 30% so với đầu năm.

Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu lớn khác cũng ghi nhận giảm mạnh như VinamilkVNM-0.8% giảm 3.200 đồng (2,6%); Petrolimex cùng giảm 3.200 đồng (5,7%); hay Bảo Việt giảm 3.300 đồng (3,6%)... đây cũng là những cổ phiếu tác động mạnh nhất khiến VN-Index giảm mạnh trong hôm nay. Trong khi đó, lực kéo từ nhóm cổ phiếu như Sabeco, BIDV hay HDBank… không đủ giúp chỉ số chung của sàn HOSE tăng điểm.

Kết quả, đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trong năm 2018, VN-Index đã giảm 8,27 điểm (0,92%) về mức 892,54 điểm, chính thức mất mốc tâm lý 900 điểm. Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức thấp với tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 208,5 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị khoảng 4.000 tỷ đồng.

Nếu tính từ đầu năm đến nay, chỉ số chứng khoán này đã giảm hơn 9%. Thậm chí, nếu so với mức đỉnh hơn 1.204 điểm xác lập hồi tháng 4, chỉ số chứng khoán này đã giảm tới 25% trong thời gian qua. Năm 2018 cũng đánh dấu năm biến động mạnh nhất của thị trường chứng khoán Việt kể từ cú sụt giảm cách đây 10 năm, giai đoạn 2007-2008.

Trong khi đó, trên sàn Hà Nội, nhờ giao dịch tích cực từ nhóm cổ phiếu như Ngân hàng ACB; Cảng Hải Phòng hay Bảo hiểm Bưu điện… đã giúp HNX-Index chốt phiên giao dịch cuối năm ở mức tăng 0,25 điểm (0,24%), đạt 104,23 điểm. Chỉ số UPCoM-Index tại sàn này cũng tăng nhẹ 0,46% trong hôm nay.

Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)