Kinh tế

Gửi tiết kiệm 34 tỷ đồng, 4 tháng sau tài khoản chỉ còn 0 đồng: Cảnh sát vào cuộc phát hiện 81 giao dịch lạ và đường dây lừa đảo chiếm đoạt hơn 850 tỷ đồng

Người phụ nữ Trung Quốc gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng để an tâm khi ra nước ngoài. Tuy nhiên, sau 4 tháng, số tiền này của cô lại không cánh mà bay.

Sự việc này đã diễn ra cách đây 7 năm. Tuy nhiên, mới đây, nó tiếp tục được chia sẻ lại và thu hút sự chú ý của nhiều người.

Cô Lý mở một thẩm mỹ viện ở Quảng Châu từ năm 2013. Công việc kinh doanh ngày càng phát triển, khi quy mô của thẩm mỹ viện được mở rộng không ngừng. Số nhân viên viện thẩm mỹ đã tăng gấp 3 lần chỉ sau 3 năm.

Đến năm 2016, người phụ nữ này cảm thấy hoạt động kinh doanh thẩm mỹ viện đang có dấu hiệu chậm lại. Lúc này, cô dự định sẽ ra nước ngoài nhằm học hỏi kinh nghiệm để về phát triển cho cơ sở của mình.

Mấy năm kinh doanh, cộng thêm buôn bán bất động sản có lãi, cô Lý có hơn 10 triệu NDT (34 tỷ đồng) tiền mặt được cất trong két sắt tại nhà. Do sẽ đi nước ngoài, cảm thấy cất tiền ở nhà không an tâm, người phụ nữ này quyết định mang toàn bộ số tiền này đến ngân hàng vừa là gửi tiết kiệm, vừa để cất giữ.

Vào tháng 4/2016, cô đến ngân hàng địa phương (Trung Quốc) mở tài khoản và gửi toàn bộ 10 triệu NDT vào đó. Mọi thủ tục diễn ra suôn sẻ theo đúng quy trình.

Gửi tiết kiệm 34 tỷ đồng, 4 tháng sau tài khoản chỉ còn 0 đồng: Cảnh sát vào cuộc phát hiện 81 giao dịch lạ và đường dây lừa đảo chiếm đoạt hơn 850 tỷ đồng
Cô Lý bị mất toàn bộ 10 triệu NDT sau 4 tháng gửi tại ngân hàng

Từ đây, cô Lý yên tâm cho chuyến công tác ở nước ngoài kéo dài khoảng 4 tháng. Trong chuyến đi đó, bà chủ của viện thẩm mỹ đã có cơ hội tiếp cận với những nhà quản lý xuất sắc cùng những công nghệ hiện đại. Nhờ vậy, cô dự định sẽ mở thêm chi nhánh khi về nước.

10 triệu NDT nay chỉ còn là số 0

Sau khi trở về, cô Lý cần vốn để mở rộng kinh doanh nên đã đến ngân hàng nhằm làm thủ tục rút số tiền 10 triệu NDT. Tuy nhiên, câu trả lời của nhân viên ngân hàng khiến người phụ nữ này chết lặng. Giao dịch viên thông báo số dư trong tài khoản tiết kiệm của cô bằng 0.

Tất nhiên, cô không tin. Cô yêu cầu nhân viên ngân hàng kiểm tra lại thông tin cá nhân. Người này đối chiếu đến 3 lần và mọi thứ đều khớp với những gì khách hàng cung cấp.

Lúc này, cô vô cùng tức giận bởi toàn bộ số tiền tích góp đã không cánh mà bay một cách khó hiểu. Ngay lập tức, cô Lý yêu cầu ngân hàng cung cấp hồ sơ chuyển khoản nhưng nhân viên này cho biết không có thẩm quyền.

“Tôi đã mở tài khoản tiết kiệm và gửi tiền. Tại sao bây giờ tôi không có quyền kiểm tra những giao dịch trong tài khoản của mình”, cô tức giận và quát lớn.

Để không ảnh hưởng đến ngân hàng, người quản lý đã xuống tận quầy để nói chuyện với cô Lý. Người này giải thích ngân hàng hoạt động đúng quy định, không bao giờ làm rò rỉ thông tin của khách hàng cũng như không bí mật rút tiền từ tài khoản của khách.

Gửi tiết kiệm 34 tỷ đồng, 4 tháng sau tài khoản chỉ còn 0 đồng: Cảnh sát vào cuộc phát hiện 81 giao dịch lạ và đường dây lừa đảo chiếm đoạt hơn 850 tỷ đồng - 1
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, cô vẫn khăng khăng muốn được xem những hoạt động giao dịch đã diễn ra ở tài khoản tiết kiệm này. Bởi tiền bị mất chắc chắn là sẽ có việc chuyển ra tài khoản khác. Tuy nhiên, trong suốt thời gian 4 tháng đó, cô lại không nhận được bất kỳ thông báo nào về biến động số dư.

81 giao dịch bất thường

Không còn cách nào khác, người quản lý đã dẫn cô đến gặp nhân viên chuyên trách nhằm kiểm tra chi tiết những giao dịch trong tài khoản. Thông tin được xuất ra cho thấy toàn bộ 10 triệu NDT đã được chia nhỏ thành từng khoản và chuyển đến một công ty uỷ thác ở Vũ Hán, Trung Quốc. 81 giao dịch giữa tài khoản tiết kiệm của cô Lý và công ty này được thực hiện.

Khi nhìn thấy những thông tin này, mặt người phụ nữ tối sầm lại. Bởi cô chưa bao giờ thực hiện bất kỳ giao dịch nào thông qua tài khoản này. Thêm nữa, cô cũng không biết ai ở công ty uỷ thác kia và tại sao tiền của mình lại được chuyển vào đó.

Cô Lý còn chắc chắn mình đã bật thông báo biến động số dư nên chỉ cần hoạt động chuyển khoản được diễn ra sẽ có tin nhắn báo về máy. Tuy nhiên, trong 4 tháng qua, cô không nhận được bất kỳ thông tin nào.

Lúc này, người đại diện thắc mắc tại sao cô Lý lại không biết điều này. Bởi cô phải ký giấy uỷ quyền thì tiền mới được chuyển ra. Ngay lập tức, cô yêu cầu ngân hàng cho xem giấy uỷ quyền có tên của mình. Tuy nhiên, ngân hàng không đồng ý.

Không còn cách nào khác, cô buộc phải gọi cảnh sát. Khi có cơ quan chức năng vào cuộc, ngân hàng đã cho nạn nhân xem giấy uỷ quyền.

Gửi tiết kiệm 34 tỷ đồng, 4 tháng sau tài khoản chỉ còn 0 đồng: Cảnh sát vào cuộc phát hiện 81 giao dịch lạ và đường dây lừa đảo chiếm đoạt hơn 850 tỷ đồng - 2
Ảnh minh họa

Cầm tờ giấy này trên tay, cô Lý càng tuyệt vọng hơn. Bởi chữ ký xác nhận không phải của cô, số điện thoại cũng sai. Thậm chí, ngày diễn ra giao dịch cũng sai.

Cô cho biết, đến ngân hàng để làm thủ tục mở tài khoản tiết kiệm vào tháng 4. Nhưng ngày ký giấy uỷ quyền lại là tháng 3.

Chiêu thức tinh vi của chính nhân viên ngân hàng

Nhận thấy vụ việc không đơn giản, cảnh sát đã mở rộng điều tra. Sau khi thu thập bằng chứng, sự thật dần được phơi bày. Nghi ngờ người phụ trách quản lý tài khoản ngân hàng, Khương là thủ phạm, cảnh sát ngay lập tức đưa anh này về đồn cảnh sát để thẩm vấn.

Gửi tiết kiệm 34 tỷ đồng, 4 tháng sau tài khoản chỉ còn 0 đồng: Cảnh sát vào cuộc phát hiện 81 giao dịch lạ và đường dây lừa đảo chiếm đoạt hơn 850 tỷ đồng - 3
Ảnh minh họa

Trước lượng lớn bằng chứng, người đàn ông này đã thừa nhận và giải thích toàn bộ quá trình phạm tội của mình. Khương cho biết lợi dụng chức vụ và quyền hạn của mình tại ngân hàng anh đã cấu kết với công ty uỷ thác ở Hồ Bắc để chiếm đoạt tiền của người gửi tiền.

Theo đó công ty uỷ thác sẽ có trách nhiệm ban hành các uỷ thác giả. Còn Khương chịu trách nhiệm xác định “con mồi”, cung cấp thông tin khách hàng và sử dụng thoả thuận uỷ thác giả này để chuyển tiền của người gửi ra ngoài.

Vì chuyển khoản giá trị lớn cần phải có xác nhận của chủ tài khoản. Nên Khương đã thực hiện chuyển khoản với số tiền 50.000 NDT/lần. Tuy nhiên, tài khoản nào cũng đã kích hoạt nhắc nhở nếu có biến động số dư, tại sao cô Lý không nhận được tin nhắn thông báo. Khương giải thích rằng sử dụng quyền của mình tại ngân hàng, anh có thể tắt chức năng này thông qua hệ thống phụ trợ của ngân hàng.

Tại toà, Khương cho biết đây không phải là lần đầu thực hiện việc này. Anh thường chọn những tài khoản có kỳ hạn gửi dài, số tiền lớn. Vì anh nghĩ rằng sẽ chỉ thực hiện việc này trong vòng 1 năm rồi nghỉ việc để trốn tội. Nên trong vòng 4 tháng đầu năm 2016, số tiền anh cùng đồng bọn chiếm đoạt đã lên đến 250 triệu NDT (856 tỷ đồng). Tuy nhiên, chưa kịp chạy trốn, người này đã bị bắt.

Về số tiền 10 triệu NDT, Khương cùng ngân hàng nơi cô Lý gửi tiền sẽ có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng cùng 4 tháng tiền lãi.

Theo Toutiao

Theo Đinh Anh (Nhịp Sống Thị Trường)




https://markettimes.vn/gui-tiet-kiem-34-ty-dong-4-thang-sau-tai-khoan-chi-con-0-dong-canh-sat-vao-cuoc-phat-hien-81-giao-dich-la-va-duong-day-lua-dao-chiem-doat-hon-850-ty-dong-48103.html