Kinh tế

Kiến nghị xử lý 2.000 tỷ đồng tại dự án nhiệt điện lớn nhất ĐBSCL

Tổng mức đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 điều chỉnh tăng gần 8.800 tỷ đồng so với phê duyệt ban đầu.

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo về hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3, trong đó chỉ ra nhiều sai sót, tồn tại trong quá trình triển khai. 

Cụ thể, dự án phải điều chỉnh quy hoạch, quy mô công suất như: hoán đổi vị trí hai dự án Duyên Hải 2 và Duyên Hải 3, thay đổi quy mô công suất dự án Duyên Hải 3. EVN phê duyệt dự án trong khi nguồn vốn của dự án chưa được tổ chức cho vay vốn thẩm định phương án tài chính và phương án trả nợ là chưa đúng quy định. Do đó, khi thương thảo vốn vay nước ngoài, EVN đã không lường hết được các chi phí như lãi vay, phí bảo lãnh, phí luật sư và một số chi phí khác để ghi nhận vào tổng mức đầu tư với tổng số tiền 149 tỷ đồng.

"Đây là tồn tại do nguyên nhân khách quan vì thực tế các tổ chức cho vay vốn chỉ xem xét cho chủ đầu tư chứng minh được tính khả thi của dự án bằng quyết định phê duyệt đầu tư", kết luận của kiểm toán nêu.

Về tổng mức đầu tư dự án được lập, thẩm định và phê duyệt đối với các công tác cọc móng, nhà tua bin, lò hơi bị tính sai số, sai diện tích theo suất đầu tư, sai khối lượng công việc... là 450 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư điều chỉnh năm 2015 là hơn 37.000 tỷ đồng, tăng 8.800 tỷ so với tổng mức đầu tư được phê duyệt lần đầu do thay đổi tỷ giá, bổ sung chi phí...

"Điều này không phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng, dẫn đến EVN phải đàm phán điều chỉnh hợp đồng EPC", kết luận Kiểm toán Nhà nước nêu.

Kiến nghị xử lý 2.000 tỷ đồng tại dự án nhiệt điện lớn nhất ĐBSCL
Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 (tỉnh Trà Vinh). 

Cũng theo kết luận kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc thay đổi sử dụng than từ than nội sang nhập khẩu (trở về phương án ban đầu) dẫn đến việc phát sinh tăng thêm chi phí đầu tư khoảng 6,7 triệu USD, tương đương gần 146 tỷ đồng và làm kéo dài tiến độ thực hiện của dự án thêm một tháng.

Báo cáo kiểm toán cũng chỉ ra, dự án triển khai chậm 2 năm so với tiến độ được EVN phê duyệt năm 2010. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác đàm phán, thương thảo hợp đồng EPC chậm 3 tháng, công tác đàm phán thu xếp nguồn vốn cho dự án chậm gần 16 tháng. Tổ máy số một chậm 5 tháng, tổ máy số 2 chậm một tháng. Đến thời điểm kiểm toán, chủ đầu tư và nhà thầu EPC đang đàm phán nhưng chưa thống nhất nguyên nhân chủ quan, khách quan và trách nhiệm của các bên về những thiệt hại do chậm tiến độ gây ra, làm cơ sở phạt chậm tiến độ theo điều khoản hợp đồng.

Việc thanh toán các khoản nợ gốc, lãi vay, theo cơ quan kiểm toán đều kịp thời theo điều khoản của các hợp đồng vay vốn cụ thể. Đối với China Bank of China, đến cuối tháng 3/2018, dư nợ còn lại là 862 triệu USD, tại VietinBank là 5.600 tỷ đồng. Các khoản vay lại từ EVN, đơn vị trực thuộc vay theo hình thức trả một lần cuối kỳ, chưa đến hạn thanh toán nợ gốc theo quy định của hợp đồng vay vốn.

Cơ quan kiểm toán đề nghị xử lý tài chính hơn 2.000 tỷ đồng do chưa đủ điều kiện thanh toán hoặc không được tính toán trong tổng mức đầu tư ban đầu. Trong đó xử lý 1.670 tỷ đồng chưa đủ điều kiện thanh toán do sai lệch thương mại phần xây dựng và thiết bị thuộc hợp đồng EPC và một số chi phí không có trong tổng mức đầu tư là 149 tỷ đồng, giảm quyết toán hơn 380 tỷ đồng... Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị việc xử lý trách nhiệm tập thể các cá nhân liên quan tại ban quản lý dự án, EVN, Bộ Công Thương...

Chia sẻ với VnExpress về những tồn tại của dự án được kiểm toán nêu ra, ông Phùng Văn Sinh - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) - đơn vị chủ đầu tư dự án cho biết, việc tăng tổng mức đầu tư dự án so với phê duyệt ban đầu phần lớn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan như chi phí vay vốn, lãi vay, biến động tỷ giá ngoại tệ, và cập nhật bổ sung chi phí một số hạng mục thuộc gói thầu EPC cho phù hợp, cũng như dự phòng phát sinh khối lượng 10%, chi phí nhiên liệu quá trình chạy thử nghiệm thu theo hợp đồng EPC...

Nguyên tắc điều chỉnh tổng mức đầu tư là cập nhật giá trị đã giải ngân theo giá trị khối lượng được nghiệm thu và tính trượt giá, tỷ giá theo quy định tại thời điểm thanh toán. Riêng khối lượng chưa thực hiện được cập nhật theo tỷ giá tại thời điểm điều chỉnh tổng mức đầu tư...  Ngoài ra, hiệu chỉnh tổng mức đầu tư cũng được Kiểm toán Nhà nước xem xét khi thực hiện kiểm toán dự án và đánh giá là "phù hợp với quy định pháp luật về hướng dẫn lập và quản lý chi phí đàu tư xây dựng công trình”.

"Chủ đầu tư thực hiện việc phê duyệt tổng mức đầu tư dự án theo các quy định Nhà nước về quản lý chi phí đầu tư xây dựng", lãnh đạo EVNGENCO 1 khẳng định.

Lý giải sự thay đổi nguyên liệu than sử dụng cho nhà máy từ nội sang nhập ngoại, Phó tổng EVNGENCO 1 giải thích, ngày 15/6/2010, chủ đầu tư có văn bản đề xuất Thủ tướng cho phép dự án sử dụng than nội do khó khăn trong thương thảo mua than ngoại và nếu được thì thời gian đàm phán cũng sẽ rất dài, không thể đáp ứng tiến độ dự án.

Sau quá trình lấy ý kiến Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ đã có công văn trả lời khẳng định "sẽ cung cấp đủ than nhập khẩu cho dự án nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3". Tuy nhiên, Thủ tướng sau khi xem xét và đã đồng ý cho Nhiệt điện Duyên Hải 3 sử dụng than trong nước và giao Tập đoàn Than, khoáng sản Việt Nam (TKV) có trách nhiệm đảm bảo cung cấp đủ than cho dự án. Căn cứ văn bản chỉ đạo của Thủ tướng, chủ đầu tư đã thực hiện các bước tiếp theo để lựa chọn nhà thầu.

Sau đó hai năm (2012) Bộ Công Thương phê duyệt đề án cung cấp than cho nhà máy điện đến năm 2020, định hướng đến 2030, trong đó Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hai 3 được quy hoạch sử dụng than nhập khẩu. Tiếp theo đó, Bộ có Quyết định số 2845/2013 phê duyệt hiệu chỉnh nguồn cung cấp than cho nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 là sử dụng than ngoại.

"Việc điều chỉnh sang sử dụng than ngoại đối với nhà máy như định hướng và quyết định của Bộ Công Thương nhằm phù hợp với nguồn cung từ thị trường", ông Phùng Văn Sinh nói.

Thực tế, lãnh đạo Tổng công ty Phát điện 1 cho rằng, sau khi nhà máy vận hành thương mại đã cho thấy một số ưu điểm nổi trội trong dùng than nhập khẩu so với than nội. Ông dẫn dụ, do than nhập khẩu dễ cháy hơn, ít đóng xỉ nên nhà máy vận hành ổn định, độ tin cậy cao hơn so với nhà máy sử dụng than nội. Sử dụng than nội khi phụ tải dưới 70% đã phải hỗ trợ dầu để ổn định quá trình cháy, còn với than nhập khẩu tổ máy có thể vận hành ổn định ở tải thấp đến 35% mà không cần đốt kèm dầu. Chưa kể, lượng tro xỉ than ngoại xả thải cũng ít hơn khoảng 1/3 so với than nội, nên không gây áp lực nhiều về diện tích bãi thải xỉ, tiêu thụ tro xỉ...

Trước những kết luận, đề nghị truy trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan tới sai sót tại dự án này của Kiểm toán Nhà nước, ông Phùng Văn Sinh nhấn mạnh tổng công ty đã tiến hành kiểm điểm, rút kinh nghiệm. "Chúng tôi nghiêm túc thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước trên cơ sở cầu thị và mong đạt hiệu quả cao nhất cho dự án", ông khẳng định.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hai 3 (tỉnh Trà Vinh) nằm trong Trung tâm Điện lực Duyên Hải có quy mô công suất 1.245 MW với 2 tổ mát và các hạng mục phụ trợ theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 - 2015, xét tới 2025.

Ban đầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là chủ đầu tư dự án, nhưng tháng 4/2013 tập đoàn này đã bàn giao cho Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO 1). Tổng mức đầu tư ban đầu dự án hơn 28.460 tỷ đồng, và được điều chỉnh lền 37.260 tỷ vào cuối năm 2015. Nguồn vốn dự án này phần lớn là vay Trung Quốc, có 15% vốn đối ứng.

Theo thiết kế, nhà máy sử dụng than đá đốt lò và là dự án nhiệt điện đốt than lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Sau khi các tổ máy hoà vào lưới điện, khu vực này sẽ không còn lo thiếu điện hoặc ảnh hưởng sự cố từ đường dẫn Bắc-Nam.

Theo Nguyễn Hà - Hoài Thu (VnExpress.net)