Kinh tế

Mua hay bán USD là ra tiệm vàng!

Việc thu mua USD rồi bán lại có tỉ suất sinh lời khá cao nên các chủ tiệm vàng sẵn sàng "làm liều", chấp nhận bị xử phạt

Dư luận đang quan tâm thông tin một cá nhân ở TP Cần Thơ bị xử phạt 90 triệu đồng vì bán 100 USD đang cho một tiệm vàng không được phép mua bán ngoại tệ. Tuy nhiên, thị trường vẫn tấp nập người mua bán ngoại tệ tại các điểm không được cấp phép, nhất là tại các tiệm vàng.

Vô tư mua bán

Ngày 24-10, tại tiệm vàng K.T.N nằm ở khu vực chợ Tân Định (TP HCM), chúng tôi ghi nhận tiệm này không có treo bảng đại lý thu đổi ngoại tệ theo quy định. Thế nhưng, tại đây việc mua bán USD vẫn diễn ra bình thường. Anh T. móc từ trong bóp tờ 100 USD đưa cho nhân viên và được mua lại với giá 2.335.000 đồng (23.335 đồng/USD). Giao dịch xong, anh T. nói mình có ý định bán thêm 5.000 USD và hỏi tiệm thu lại với giá bao nhiêu. "Anh bán số lượng nhiều, chúng tôi thu mua giá 23.400 đồng/USD" - chủ tiệm đứng gần đó bước đến báo giá. Thế nhưng, do lo ngại đổi USD với số lượng lớn tại tiệm vàng có thể bị cơ quan năng xử phạt nên anh T. đề nghị chủ tiệm cử người đến giao dịch tại nhà mình thì người này có thái độ cảnh giác, yêu cầu: "Anh muốn mua bán gì cứ mang đến tiệm, chúng tôi sẽ thu đủ".

Mua hay bán USD là ra tiệm vàng!
Đổi USD ở một tiệm vàng khu vực chợ Tân Định (quận 1, TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tương tự, tại tiệm vàng T.N, cũng ở khu vực chợ Tân Định, chúng tôi gặp một người đàn ông hỏi mua USD để đi du lịch thì được nhân viên báo giá 2.362.000 đồng/100 USD. Người này muốn mua vài ngàn USD nhưng ngại ra ngân hàng vì phải khai báo, thủ tục phức tạp. Tuy nhiên, vị khách này cũng e ngại việc mua bán USD ở tiệm vàng có thể bị cơ quan chức năng xử phạt thì được chủ tiệm trấn an "không sao đâu, anh muốn mua bao nhiêu cũng có".

Cũng trong sáng 24-10, phóng viên dạo quanh một số tiệm vàng ở khu vực chợ Bến Thành (quận 1), chợ An Đông (quận 5), chợ Gò Vấp (quận Gò Vấp)… và nhận thấy hoạt động giao dịch USD vẫn diễn ra công khai dù không tiệm nào trưng bảng thu đổi ngoại tệ. Ngay cả một số ngoại tệ hiếm như đồng yen, nhân dân tệ, đô-la Singapore... cũng thoải mái mua bán. Trao đổi với chúng tôi, chị L.T.H - chủ một tiệm vàng ở chợ Thạch Đà, quận Gò Vấp - thừa nhận hầu hết chủ tiệm đều biết giao dịch ngoại tệ là bất hợp pháp. Thế nhưng, do người dân có nhu cầu giao dịch, còn việc thu mua USD rồi bán lại có tỉ suất sinh lời khá cao nên các chủ tiệm sẵn sàng "làm liều", chấp nhận bị xử phạt nếu chẳng may cơ quan chức năng bắt gặp.

Vẫn giữ thói quen "ra tiệm vàng"

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết theo quy định, chỉ những nơi nào được cấp phép thu đổi ngoại tệ, tổ chức và cá nhân mới được thực hiện giao dịch. Tại TP HCM, ngoài hệ thống các NH thương mại, có gần 100 đại lý thu đổi ngoại tệ được cấp. Những điểm này chủ yếu là các cơ sở lưu trú du lịch (khách sạn từ 3 sao trở lên), sân bay, siêu thị, trung tâm thương mại... Một số tiệm vàng cũng được cấp phép thu đổi ngoại tệ nhưng không nhiều, chủ yếu là các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn. Các điểm thu đổi này chỉ được mua ngoại tệ của người dân chứ không được bán ra, mà buộc phải bán lại cho NH thương mại.

Với người dân, chỉ có thể bán ngoại tệ ở các NH thương mại và các đại lý được cấp phép. Khi có nhu cầu mua ngoại tệ phải đến các NH thương mại nhưng phải chứng minh mục đích sử dụng rõ ràng như du học, du lịch, trị bệnh ở nước ngoài, định cư ở nước ngoài… Tuy nhiên, để chứng minh được các mục đích nói trên lại rất khó, đòi hỏi thủ tục rắc rối nên một số người chọn mua ở tiệm vàng cho thuận tiện dù chi phí có cao hơn đôi chút.

Ngoài ra, theo Quy chế đại lý đổi ngoại tệ của NH Nhà nước, điểm giao dịch ngoại tệ được cấp phép phải có bảng hiệu ghi rõ tên của đại lý thu đổi ngoại tệ, tên NH thương mại ủy nhiệm bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Thế nhưng, theo tìm hiểu của phóng viên, thực tế người dân ít nhận biết đâu là điểm giao dịch ngoại tệ hợp pháp nên họ cứ vô tư giao dịch USD tại các tiệm vàng bình thường. Rất nhiều người có thói quen "cứ mua hay bán USD là ra tiệm vàng", khi có nhu cầu mua vài trăm USD đi du lịch nước ngoài, thậm chí để dành… Mặt khác, do các điểm giao dịch ngoại tệ hợp pháp thường đặt tại các sân bay, khách sạn, trung tâm thương mại… không thuận tiện cho hầu hết người dân có nhu cầu.

Cần phân nhóm mức phạt

Nói về Nghị định 96, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết thời điểm nghị định ra đời năm 2014, tình trạng mua bán USD trên thị trường tự do vẫn còn nhiều. Những đợt tỉ giá biến động khi đó khiến cầu USD từ người dân tăng cao gây sức ép lên chính sách điều hành tỉ giá của NH Nhà nước. Do đó, các mức phạt trong Nghị định 96 đã được tăng nặng so với các quy định trước nhằm răn đe, thiết lập trật tự, kỷ cương trên thị trường vàng, ngoại hối. Đến nay, tình trạng mua bán USD ở thị trường "chợ đen" đã giảm nhiều, giá USD tự do cũng gần sát với giá trong NH thương mại…

"Mức phạt 90 triệu đồng, áp dụng theo Nghị định 96 đối với trường hợp người dân đem bán 100 USD ở TP Cần Thơ là phạt hành vi vi phạm chứ không theo số tiền. NH Nhà nước không khuyến khích người dân mua USD để tích trữ hoặc để dành, nên chỉ những nhu cầu chính đáng mới được NH thương mại đáp ứng" - ông Minh giải thích.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho rằng từ vụ việc ở TP Cần Thơ cho thấy sự tuân thủ pháp luật của người dân, doanh nghiệp chưa cao dù có thể do cố ý hoặc vô tình. "Sau vụ này, rõ ràng câu chuyện truyền thông của cơ quan quản lý phải làm tốt hơn, để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật nói chung và Nghị định 96. Đồng thời, cũng cần phải xem Nghị định 96 phù hợp thật sự với thực tiễn bây giờ hay không? Chẳng hạn, về mức phạt cần phải phân nhóm khác nhau, tùy thuộc vào quy mô, mức độ, thái độ, bối cảnh thị trường… để cơ quan quản lý quy định mức phạt cho phù hợp. Qua vụ việc này cho thấy cơ quan quản lý cần phải quan tâm kiểm soát tốt hơn đối với thị trường ngoại tệ chợ đen" - TS Cấn Văn Lực nói. 

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

Cứ phép công mà làm

Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17-10-2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và NH là động thái mạnh mẽ nhằm chống USD hóa nền kinh tế một cách hiệu quả. Thực tế, chúng ta cũng có những thành tựu nhất định trong việc quản lý ngoại tệ, không để bị USD hóa. Do vậy, không có gì cần bàn luận thêm về nghị định này.

Với mục đích như vậy, luật phải nghiêm minh, "cứ phép công mà làm". Việc xử phạt vi phạm hành chính ông Nguyễn Cà Rê (Cần Thơ) mang 100 USD ra tiệm vàng bán bị lực lượng chức năng lập biên bản, là thực hiện đúng pháp luật.

Tuy nhiên, tôi lưu ý trong trường hợp này, cần xử phạt thật nặng cơ sở thu đổi ngoại tệ bởi họ là đối tượng có điều kiện tiếp xúc với các văn bản pháp luật, thường xuyên làm việc với cơ quan chức năng nên nắm được luật mà vẫn cố tình vi phạm chỉ vì chút lợi nhuận. Cũng cần bổ sung quy định các tiệm vàng, cơ sở thu đổi ngoại tệ buộc phải trưng giấy phép cho phép hoạt động thu đổi ngoại tệ và phải có bảo hiểm tiền gửi. Tất cả nhằm công khai và tạo thói quen cho người dân biết cần phải đến đúng điểm cho phép để giao dịch.

Với người dân, tất nhiên khi sai thì bị xử phạt theo pháp luật nhưng cũng có trường hợp người dân không nắm rõ quy định. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là phải tuyên truyền để người dân hiểu nhà nước không cấm thu đổi ngoại tệ hay giữ USD trong nhà nhưng khi quy đổi ngoại tệ sang VNĐ thì phải đúng nơi, đúng chỗ.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM

Sẽ sửa Nghị định 96

Trên địa bàn TP hiện có hơn 2.500 tiệm vàng, trong đó hầu hết đều không được phép thu đổi ngoại tệ. Để giám sát những điểm giao dịch ngoại tệ, vàng miếng hợp pháp lẫn bất hợp pháp, thời gian qua, NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM và cơ quan công an, QLTT đã ban hành quy chế phối hợp thực hiện. Theo đó, NH Nhà nước luôn có kế hoạch kiểm tra các điểm kinh doanh ngoại tệ, vàng miếng hợp pháp. Còn cơ quan công an có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các điểm giao dịch ngoại tệ, vàng miếng trái phép. QLTT kiểm tra việc niêm giá.

Ngoài ra, hằng tháng, NH Nhà nước Chi nhánh TP còn cung cấp cho cơ quan công an danh sách các điểm giao dịch ngoại tệ, vàng miếng trái phép để họ lên kế hoạch kiểm tra, xử lý. Sắp tới đây, NH Nhà nước sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 96/2014/NĐ-CP theo hướng NH Nhà nước là đơn vị được phép lập biên bản xử phạt điểm giao dịch vàng, ngoại tệ trái phép.

Th.Dương - Th.Thơ ghi

Tình, lý và sự may rủi

Chuyện anh thợ điện ở Cần Thơ đi đổi 100 USD ở tiệm vàng không có giấy phép thu đổi ngoại tệ, bị công an bắt quả tang và UBND TP Cần Thơ ra quyết định xử phạt hành chính 90 triệu đồng, nhiều ý kiến cho rằng việc xử phạt như thế là quá nặng và không hợp lý. Bởi, số tiền phạt cao gấp 40 lần "tang vật" vi phạm.

Nhưng nếu cho rằng UBND TP Cần Thơ xử phạt anh thợ điện kia không hợp lý cũng không đúng. Bởi lẽ, trong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, UBND TP Cần Thơ viện dẫn căn cứ pháp lý rất rõ ràng: Khoản 3 điều 24 Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và NH. Theo điều khoản này, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức "mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ" bị phạt từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Như vậy, việc UBND TP Cần Thơ xử phạt anh thợ điện kia 90 triệu đồng là nằm trong mức xử phạt cho phép.

Nói tóm lại, về lý thì UBND TP Cần Thơ không sai nhưng về tình thì có điều gì đó chưa ổn. Sự chưa ổn bắt nguồn từ quy định của Nghị định 96. Tại điều 24 quy định chung về xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động ngoại hối mà không phân định ra hành vi vi phạm của bên mua hay bên bán, của cá nhân, tổ chức, đồng thời không định lượng giá trị ngoại tệ vi phạm. Cho nên, về nguyên tắc, một người đem bán 1 USD, 10 USD, 50 USD, 100 USD (như trường hợp anh thợ điện) hay bán 10.000 USD... tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ thì cũng bị phạt ở mức từ 80 đến 100 triệu đồng.

Có thể khi xây dựng nghị định này, tiêu chí của cơ quan soạn thảo là nhắm vào hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức vi phạm hoạt động ngoại hối chứ không căn cứ vào mức định lượng giá trị tang vật vi phạm. Việc xác định tiêu chí nào để ban hành mức xử phạt là quyền và mục đích mà cơ quan soạn thảo hướng tới. Nhưng chế tài đó khi áp dụng vào thực tế tạo ra sự bất hợp lý, cho thấy việc xây dựng và xác định tiêu chí để xử phạt chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Mặt khác, đối với người dân, nhất là người dân lao động, có thu nhập thấp, có khi cả đời mới có cơ hội cầm số ngoại tệ ít ỏi trong tay. Họ có cơ hội để cầm, giữ ngoại tệ đã khó, giờ bắt họ phải biết bán cho ai, bán chỗ nào có giấy phép được thu đổi ngoại tệ của NH Nhà nước còn khó hơn gấp nhiều lần. Vì vậy, thay vì chỉ nên xử phạt tổ chức, cá nhân không được phép thu đổi ngoại tệ mà cố tình đứng ra mua ngoại tệ thì Nghị định 96 lại gom tất cả các đối tượng mua, bán vào cùng một rọ.

Hành vi bán ngoại tệ của anh thợ điện, pháp luật không cấm, chỉ cấm không được bán ở tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ. Như vậy, nếu anh thợ điện bán ở tổ chức có giấy phép thu đổi ngoại tệ thì không bị phạt. Cái rủi của anh này là bán ở tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ. Lằn ranh đúng - sai pháp luật trong trường hợp này phụ thuộc vào sự may - rủi thì thật đáng để các cơ quan chức năng suy nghĩ. Cụ thể ở đây là NH Nhà nước cần xem lại và đề xuất hướng sửa đổi cho phù hợp.

Quan điểm người viết không cổ xúy cho hành vi sai trái nhưng cũng không tán đồng việc xây dựng pháp luật có chứa đựng các quy định mang tính may - rủi cho người dân.

Nguyễn Đức

Theo Thy Thơ- Thái Phương (Nld.com.vn)