Kinh tế

Ngân hàng Nhà nước 'siết' vốn vào bất động sản, tiêu dùng, chứng khoán

Nguồn vốn dành cho các lĩnh vực này được Ngân hàng Nhà nước đề nghị các nhà băng phải kiểm soát chặt để hạn chế rủi ro.

Trong văn bản vừa phát đi, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng hạn chế tập trung vốn cho vay vào lĩnh vực bất động sản, xây dựng, cân đối nguồn vốn, sử dụng để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản.

Ngoài ra, các ngân hàng phải thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp.

Với lĩnh vực vay tiêu dùng, nhà quản lý yêu cầu các ngân hàng phải kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh. Đặc biệt, các ngân hàng phải giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn, tránh cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán.

Ngân hàng Nhà nước 'siết' vốn vào bất động sản, tiêu dùng, chứng khoán
Ngân hàng Nhà nước lưu ý dòng vốn vào bất động sản, tiêu dùng, chứng khoán.

Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị các tổ chức tín dụng phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán để hạn chế rủi ro và phù hợp với các quy định tại Thông tư số 1 về quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng và các quy định phát luật khác có liên quan.

Song song đó, nhà quản lý yêu cầu các ngân hàng chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực ưu tiên gồm: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Các ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước giao, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng. "Việc mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng cường công tác thẩm định, giám sát sử dụng vốn vay, đảm bảo đúng mục đích, hạn chế nợ xấu mới phát sinh", văn bản khuyến nghị.

Chia sẻ về nguyên nhân Ngân hàng Nhà nước đưa ra thông điệp "siết" vốn vào bất động sản, tiêu dùng nêu trên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế trong buổi gặp mặt báo chí sáng 25/1 cho rằng, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước phải quán triệt tinh thần chỉ đạo, điều hành lưu ý các lĩnh vực cho vay có rủi ro cao chứ không phải hạn chế.

Theo ông Hùng, trong năm 2017 vừa qua, tín dụng đối với các lĩnh vực có rủi ro đã được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của nhà quản lý. Cụ thể, tín dụng lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng 8,56% so với năm 2016, chỉ chiếm 6,53% dư nợ nền kinh tế (năm 2016 tăng tới 12,86% và chiếm tỷ trọng 7,71% dư nợ nền kinh tế).

Năm 2018, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, dù có thuận lợi và thành tựu từ 2017 nhưng vẫn nhiều thách thức vì độ mở cửa của kinh tế Việt Nam khá lớn, cộng với các biến động trên thị trường quốc tế. Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng, nỗ lực thực hiện nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu. Về tín dụng, năm nay sẽ định hướng tăng trưởng quy mô 17%.

Theo Lệ Chi (VnExpress.net)