Kinh tế

Nhiều dấu hiệu sai phạm tại Cty Xi măng Hà Tiên 1

Những vấn đề trong quản lý, điều hành tại công ty Xi măng Hà Tiên 1 (VINCEM) chủ yếu thuộc giai đoạn 2010–2013 khi ông Trần Việt Thắng làm Tổng giám đốc.

Những vấn đề trong quản lý, điều hành tại công ty Xi măng Hà Tiên 1 (VINCEM) chủ yếu thuộc giai đoạn 2010–2013 khi ông Trần Việt Thắng làm Tổng giám đốc.

Dư luận đang đặt ra câu hỏi, liệu có tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cố ý làm trái quy định nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng khi thuê Công ty hàng hải Anh Phát làm đầu mối chung chuyển thực hiện dịch vụ vận tải hàng hóa vào các tỉnh phía Nam?

Được biết, công ty Anh Phát do ông Đoàn Minh Phú (em vợ, đồng thời là em rể của ông Trần Việt Thắng) làm đại diện pháp luật. Trả lời báo chí, ông Phú thừa nhận, công ty của mình không có tàu chở hàng mà phải đi thuê lại của các doanh nghiệp khác với giá 102.000 đồng/ tấn.

Trong khi đó, Anh Phát lại ký với Hà Tiên 1 để lấy giá chênh lệch từ 10.000 – 30.000 đồng/tấn trên giá trị thuê lại đối tác.

Một góc cảnh Tuấn An Phú do người nhà ông Thắng làm chủ

Với vấn đề bến bãi, ông Thắng tiếp tục gây khó hiểu khi kí hợp đồng với cảng Tuấn An Phú (địa chỉ xã Khánh Bình, huyện Tân Uyên, Bình Dương), để vận chuyển vào các tỉnh phía Nam.

Diện tích của Cảng này cũng nhỏ, chật hẹp so với cảng khác trong cùng khu vực. Theo nhiều người dân địa phương, họ thậm chí còn không biết đến tên cảng Tuấn An Phú. Trong khi đó, một cảng khác cách Tuấn An Phú chỉ có vài km là cảng Thạnh Phước thì ai cũng biết.

Ông Trần Thanh Tú, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh của cảng xác nhận, có 3 cá nhân hùn vốn thành lập lên cảng Tuấn An Phú, trong đó có ông Trần Việt Vũ - anh trai ông Thắng.

“Cảng Tuấn An Phú làm không hết việc, chủ yếu làm cho Hà Tiên 1. Việc ký kết hợp đồng dịch vụ với Hà Tiên 1 có từ trước khi xây dựng, đầu tư cơ sở hạ tầng của cảng hiện nay. Ngoài ra, hợp đồng đó có hiệu lực vài chục năm” – ông Tú khoe.

Cảng Tuấn An Phú cơ sở vật chất yếu kém hơn “người hàng xóm” Thanh Phước, nhưng lại có giá thuê cao hơn rất nhiều.

Cụ thể, Thạnh Phước còn có nhiều trang thiết bị bốc dỡ hiện đại khác, bãi chứa container, các loại hàng rời, hàng kiện nặng, trạm cân điện tử 100 tấn, các kho hàng tổng hợp với qui mô 1.800 m2 cho mỗi kho hàng. Giá dịch vụ đối với lượng hàng từ 10.000 tấn trở lên, Thạnh Phước chỉ lấy giá 20.000 đồng/tấn. So với giá 21.120 đồng/tấn của Tuấn An Phú.

Với số lượng vận chuyển nguyên liệu xi măng cực lớn, số tiền chênh lệch không khó để hình dung.

Hàng chục ngàn tấn nguyên liệu tồn kho đóng đá

Trong thời gian làm quản lý tại VINCEM, ông Thắng còn để xảy ra tình trạng hàng chục ngàn tấn nguyên liệu clinker tồn kho, đóng đá phải thuê đơn vị ở Trạm nghiền Thủ Đức xử lý.

Và doanh nghiệp được ông Thắng trao cơ hội lại là HTX dịch vụ vận tải Liên Minh do ông Trần Việt Vũ – anh trai ông Thắng làm đại diện.

Bảng báo giá giữa 2 cảng để so sánh


Điều bất ngờ hơn khi ông Vũ lại chính là anh ruột của ông Thắng. Tuy nhiên, ông Vũ không trực tiếp đứng ra nghiền clinker mà lại thuê một người khác là Nguyễn Thanh Liêm thực hiện.

Trao đổi với báo chí, ông Liêm đưa ra bản hợp đồng từ năm 2010 ký với ông Trần Việt Vũ. Giá của gói hợp đồng là 72.000 đồng/m3.

Công việc mà ông Liêm đảm nhận là sẽ thực hiện các công việc cho ông Vũ như: Khoan, đục, xẻ và đập nhỏ xi măng/clinker đóng rắn tại bãi của Công ty cổ phần Xi Măng Hà Tiên 1 – trạm nghiền Long An.

Ngoài ra, trong 7 – 8 năm qua, ông Liêm còn giao dịch với doanh nghiệp Minh Long do ông Đức Lành làm chủ. Ông Lành cũng nhận clinker đóng đá của VINCEM rồi bàn giao lại cho ông Liêm xử lý. “Tôi chỉ chuyên là người đi thực hiện, còn anh Lành có Công ty nên có tư cách pháp nhân để xuất hóa đơn, giấy tờ. Hầu hết các ‘mối’ có liên quan đến Hà Tiên 1 cũng từ anh Lành giới thiệu” – ông Liêm nói.

Chỉ tay vào kho chứa clinker chết, ông Liêm cho biết: “hơn 20 ngàn tấn đã được chúng tôi xử lý xong gần hết, chỉ còn vài ngàn tấn nữa là xong”. Ông Liêm kể rằng, lúc mới nhận việc, khối clinker lớn đã ‘chết’ của Hà Tiên 1 to như quả núi.

Còn ông Đức Lành cũng khẳng định rằng: Nhiều năm qua, ông đã nhận xử lý clinker chết cho công ty VICEM, giá dịch vụ dao động từ 65.000 – 75.000 đồng/m3, tùy theo mức độ đông cứng khác nhau, sản lượng hàng chục ngàn tấn. Công việc nhiều tới mức, ông Lành không muốn nhận thêm vì “lo làm còn không hết, nhận thêm làm gì?”.

Có thể thấy thông qua trung gian, VINCEM đã làm thất thoát của Nhà nước hàng trăm tỷ tỷ đồng thông qua việc thuê công ty trung gian vận chuyển. Điều này là do năng lực quản lý yếu kém hay có sự ưu ái, câu kết của những người thân thiết với nhau để chuộc lợi thì còn chơ cơ quan chức năng vào cuộc điều tra.

Theo NT (Đất Việt)