Kinh tế

Quảng Ninh: Giá bồi thường cao hơn giá đấu giá đất tại KĐT phía Nam cầu Bắc Luân II?

Thông thường, giá đấu giá sẽ cao hơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng, thế nhưng, tại dự án KĐT phía Nam cầu Bắc Luân II, mọi chuyện không giống "lẽ thường"?

Đầu tháng 12 năm 2021, Công ty Đấu giá hợp danh Quảng Ninh và UBND TP. Móng Cái đã có thông báo bán đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất 50 năm trả tiền một lần để thực hiện dự án Khu đô thị phía Nam cầu Bắc Luân II.

Trong đó, dự án Khu đô thị phía Nam cầu Bắc Luân II có quyền sử dụng đất, cho thuê đất được bán đấu giá có tổng diện tích theo Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư là 245.781 m2. Quy mô đầu tư của Dự án gồm 852 căn nhà ở liền kề; 66 căn biệt thự với dự kiến tổng mức đầu tư của Dự án khoảng 2.130 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB)).

Giá khởi điểm tài sản bán đấu giá nêu trên là 556,419 tỷ đồng.

Với diện tích đất ở (đất liền kề, biệt thự) là 82.986m2, áp dụng giá khởi điểm trên, tính ra nhà đầu tư sẽ chỉ phải bỏ ra hơn 6,64 triệu đồng/m2 đất ở, một mức giá có thể nói là rất thấp, đặc biệt khi dự án Khu đô thị phía Nam cầu Bắc Luân II được xem là nằm trên “đất vàng” của TP. Móng Cái.

Quảng Ninh: Giá bồi thường cao hơn giá đấu giá đất tại KĐT phía Nam cầu Bắc Luân II?
Là công trình giao thông trọng điểm của Quảng Ninh, các dự án quanh cầu Bắc Luân II luôn được đánh giá là khu vực "đất vàng" của Móng Cái

Theo tìm hiểu của phóng viên, giá khởi điểm tại dự án này thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng đất ở đô thị chung tại TP. Móng Cái, đơn cử như Dự án Promexco cách trung tâm TP. Móng Cái 4km đã có giá khoảng 20 triệu đồng/m2, hay Dự án Vinaconex Móng Cái được rao bán với giá 25 triệu đồng/m2, Dự án Khu đô thị Phượng Hoàng đang có giá 25 triệu đồng/m2...

Thậm chí, giá khởi điểm còn thấp chỉ bằng một nửa giá đất được tỉnh Quảng Ninh phê duyệt làm căn cứ bồi thường, giải phóng mặt bằng tại chính Dự án Khu đô thị phía Nam cầu Bắc Luân II (phường Hải Hoà). Cụ thể, theo Quyết định số 1378/QĐ-UBND ngày 27/4/2020 của UBND tỉnh Quảng Ninh, giá đất được phê duyệt làm căn cứ bồi thường, giải phóng mặt bằng thấp nhất tại khu vực dự án này đã là 7,6 triệu đồng/m2, cao nhất là 12,3 triệu đồng/m2.

Về nguyên tắc, quy định hiện hành yêu cầu phải giải phóng mặt bằng xong mới đấu giá quyền sử dụng đất. Do đó, nguồn vốn giải phóng mặt bằng bắt buộc phải từ ngân sách Nhà nước, vì không thể có chuyện doanh nghiệp cho Nhà nước vay tiền giải phóng mặt bằng rồi đem đất đấu giá bán cho người khác.

Nếu làm đúng quy định, ngân sách tỉnh Quảng Ninh phải được sử dụng để giải phóng xong mặt bằng Dự án Khu đô thị phía Nam cầu Bắc Luân II, thì mới được đem đấu giá dự án này. Số tiền đấu giá sau khi thu về, sẽ trừ đi chi phí GPMB, phần còn lại được đưa vào ngân sách Nhà nước.

Thế nhưng với giá khởi điểm đấu giá hơn 6,64 triệu đồng/m2, thấp hơn giá đền bù thấp nhất (7,6 triệu đồng/m2), bằng một nửa giá đền bù cao nhất (12,3 triệu đồng/m2), vô hình chung đã tạo ra thực tế bán đất thấp hơn giá đền bù. Về cơ bản, sau khi đấu giá thành, thì ngân sách Nhà nước vẫn phải “chịu âm” chênh lệch hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng chi phí bồi thường GPMB.

Hiện đơn vị nào trúng đấu giá, giá trúng đấu giá là bao nhiêu tới nay vẫn là một ẩn số, chưa được TP. Móng Cái cũng như tỉnh Quảng Ninh công bố trên cổng thông tin.

Theo Minh Châu (Kienthuc.net.vn)




https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/quang-ninh-gia-boi-thuong-cao-hon-gia-dau-gia-dat-tai-kdt-phia-nam-cau-bac-luan-ii-1655220.html