Kinh tế
30/01/2024 07:07Sen Tài Thu, Sâm Ngọc Linh ảo 'lừa' cả nghìn tỷ dễ dàng: Chung một kịch bản?
Chiêu lừa lãi suất cao
Theo những kết luận ban đầu từ Công an Hà Nội, Sen Tài Thu đã ký khoảng 100 hợp đồng và huy động vốn trái pháp luật khoảng 1.000 tỷ đồng từ người dân trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến tháng 5/2023. Chủ tịch HĐQT CTCP Sen Tài Thu Phạm Thị Hòa (SN 1958) và con gái đã bị bắt về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Việc huy động được thực hiện dưới danh nghĩa mua bán cổ phần. Sen Tài Thu cam kết đưa ra lãi suất cao, khoảng 12%/năm.
Cũng giống như nhiều trường hợp lừa đảo trước đó, tài sản của những người dân đưa tiền cho Sen Tài Thu để mua cổ phần không biết có lấy lại được không khi doanh nghiệp này có dư nợ phát sinh rất lớn, mất khả năng thanh toán.
Bà Phạm Thị Hòa được cho là đã sử dụng hơn 1.000 tỷ đồng huy động "vào mục đích cá nhân là chính".

Theo một phóng sự của VTV, ông Trần Tuấn Anh, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Sen Tài Thu Việt Nam, thừa nhận, Sen Tài Thu không có chức năng nhận tiền. Huy động vốn bằng hình thức chuyển nhượng cổ phần này đều ngoài sổ sách và chưa kê khai, chưa được Nhà nước bảo hộ. 100% số vốn huy động không được sử dụng vào kinh doanh mà được chuyển sang tài khoản cá nhân của ban lãnh đạo để chi tiêu. Chủ đích của ban lãnh đạo cũ rất rõ từ đầu và đi theo đúng con đường là vay của người sau trả cho người trước.
Còn theo Lao Động, tới đầu tháng 4/2023, dù đã mất khả năng chi trả cho khách hàng cũ, Sen Tài Thu vẫn tiếp tục huy động vốn từ người mới. Có người vẫn nộp tiền để mua cổ phần với kỳ vọng nhận lãi suất 12%/năm như quảng cáo.
Sen Tài Thu đã thực hiện việc huy động tiền của người sau trả cho người trước. Lãi phải trả vượt lợi nhuận mà công ty đạt được. Lãnh đạo Sen Tài Thu cho biết, ngoài lãi suất trả cho nhà đầu tư, doanh nghiệp còn phải chi phần trăm hoa hồng rất lớn cho đội ngũ nhân viên sale.
Trước đó, hồi tháng 11/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy, TP Hà Nội đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Phạm Mỹ Hạnh (1980), Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Mỹ Hạnh về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, bà Hạnh đưa thông tin sai sự thật về dự án đầu tư trồng cây sâm Ngọc Linh ở nhiều địa phương, huy động hơn 1.200 tỷ đồng của nhiều cá nhân rồi chiếm đoạt.
Chung một kịch bản
Cũng như nhiều trường hợp lừa đảo theo hình thức ponzi (lấy tiền của người sau trả lãi cho nhà đầu tư trước), Sen Tài Thu huy động được một lượng lớn tiền có lẽ do lợi nhuận cao và danh tiếng của doanh nghiệp này.
Theo xác định của cơ quan công an, cựu chủ tịch cùng đồng phạm lợi dụng uy tín thương hiệu chăm sóc sức khỏe Sen Tài Thu, nâng khống vốn điều lệ, đưa ra doanh thu không đúng thực tế để huy động vốn trái pháp luật.
Những nạn nhân của Sen Tài Thu đều bị lừa chung một kịch bản. Ban đầu, nhà đầu tư gửi tiền vào được trả đầy đủ cả lãi và gốc. Tuy nhiên, đến đầu năm 2023, nhiều người đã không còn nhận được cả gốc và lãi.
Sở dĩ việc huy động vốn được thực hiện dễ dàng là nhờ thương hiệu Sen Tài Thu. Trong hàng chục năm qua, Sen Tài Thu được biết đến là đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, được chắt lọc từ ứng dụng y học cổ truyền, nhờ danh tiếng GS.TS Nguyễn Tài Thu.
Còn với trường hợp Sâm Ngọc Linh Mỹ Hạnh, Tập đoàn Mỹ Hạnh (MHG) đã tận dụng thương hiệu sâm Ngọc Linh của Việt Nam. MHG đã truyền thông thương hiệu Sâm Ngọc Linh và công bố doanh thu năm sau cao hơn năm trước từ 100% đến 300%.
Cũng theo MHG, chỉ sau vài năm hoạt động, tập đoàn này đã mở rộng mạng lưới cửa hàng, đại lý trên khắp đất nước, với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng/năm và tạo việc làm ổn định, thu nhập tốt cho hàng trăm lao động tại công ty.
Trên thực tế, bà Mỹ Hạnh đưa thông tin sai sự thật về dự án đầu tư trồng cây sâm Ngọc Linh. MHG không trồng sâm Ngọc Linh ở nhiều địa phương như đã nói. Mức lợi nhuận cao được đưa ra cũng chỉ nhằm huy động vốn.
Cùng với cách truyền thông nổi bật và giành được nhiều danh hiệu như “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2019”, “Cúp Bông hồng vàng”, bà Hạnh đã huy động vốn của nhiều người với tổng số tiền hơn 1.200 tỷ đồng. Sau đó, dùng một phần tiền huy động được để trả lãi cho nhà đầu tư.
Trên thị trường, có không ít trường hợp lãnh đạo thổi phồng giá trị doanh nghiệp và thương hiệu để huy động vốn của nhà đầu tư bằng cách này hay cách khác rồi sau đó chiếm đoạt.
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản lao đao trên bờ vực phá sản vì nợ ngân hàng, nợ trái phiếu và dòng tiền về rất hạn hẹp khi thị trường địa ốc trầm lắng. Nhiều người lo ngại một số doanh nghiệp dùng chiêu trò làm đẹp báo cáo tài chính cũng như kinh doanh để huy động vốn và có thể lại “lùa gà” các nhà đầu tư cá nhân có tiền nhưng nắm ít thông tin về doanh nghiệp hoặc bị hấp dẫn bởi bánh vẽ lợi nhuận do những kẻ chủ mưu tô dựng nên.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)
Tin cùng chuyên mục








-
CHÍNH THỨC: Arsenal bạo chi mua Noni Madueke bất chấp người hâm mộ phản đối (19/07)
-
Tiếc đứt ruột phim Hàn hay khủng khiếp mà chỉ có 10 tập: Dàn cast đỉnh của đỉnh, may quá sẽ có phần 2 (19/07)
-
Vụ Vạn Thịnh Phát: Hơn 41.000 người đã nhận tiền, còn 1.200 tỷ đồng kẹt ở ngân hàng (19/07)
-
Thương vụ hỏi mua 'báu vật quốc gia' 46 tỷ USD của Nhật Bản chính thức đổ bể, ông chủ Circle K tay trắng ra về (19/07)
-
Đã nhận chế độ theo Nghị định 178, được bầu làm bí thư chi bộ có phải trả lại tiền? (19/07)
-
Người quay lại khoảnh khắc ngoại tình của CEO công nghệ hút hàng chục triệu view lần đầu lên tiếng (19/07)
-
Bà mẹ TP.HCM đau khổ: Con ngoan, thông minh nhưng phải cho đi khám Tâm thần, nhiều người khuyên "chữa" nhanh kẻo hỏng! (19/07)
-
Học sinh Việt Nam giành 2 Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế năm 2025 (19/07)
-
Trích xuất camera, truy bắt kẻ lẻn vào nhà xâm hại tình dục bé gái 9 tuổi ở Sơn La (19/07)
-
1 câu nói của MC đình đám VTV khiến 80.000 người "đổ xô" vào tương tác (19/07)
Bài đọc nhiều



