Kinh tế

Thịt trâu Ấn Độ giả bò giá 90.000 đồng/kg

Có giá 90.000-135.000 đồng/kg, thịt trâu đông lạnh Ấn Độ đang được nhiều quán ăn, thậm chí cả nhà hàng cao cấp sử dụng thay thế thịt bò.

Có giá 90.000-135.000 đồng/kg, thịt trâu đông lạnh Ấn Độ đang được nhiều quán ăn, thậm chí cả nhà hàng cao cấp sử dụng thay thế thịt bò.

Người bán gợi ý, thịt trâu đông lạnh có thể thay thế thịt bò bởi khi chế biến, màu sắc và mùi vị không khác nhau. Với mức giá rẻ bất ngờ, chị H. quyết định mua 5 kg để chế biến các món giả bò.

Chị cho biết, ở chợ, bắp và mông bò có giá 240.000 đồng/kg, phi lê 250.000 đồng/kg. Trong khi đó, thịt trâu Ấn Độ giá chỉ bằng một nửa. Nếu sử dụng nguyên liệu này thay thế bò, chị H. sẽ tiết kiệm được một khoản không nhỏ.

"Bên ngoài, thịt trâu đông lạnh có màu đỏ tươi như thịt bò. Chỉ sau khi rã đông, tiếp xúc với không khí, thịt trâu mới chuyển sang màu đỏ thẫm. Nhưng khi chế biến, kết hợp cùng các gia vị, khó ai phân biệt được", chị H. cho hay.

Với một suất cơm bình dân 25.000-30.000 đồng, sự xuất hiện của các món bò luôn hấp dẫn người ăn. Tuy nhiên, thịt trâu, bò chế biến được ít món nên chị H. vẫn tập trung vào các món thịt gà, cá và nguyên liệu khác.
 

Thịt trâu Ấn Độ giá rẻ được nhiều cửa hàng sử dụng chế biến các món giả bò. Ảnh: NVCC.

Có người đến tận nơi để chào bán thịt trâu đông lạnh Ấn Độ với giá chỉ 90.000 đồng/kg nhưng anh Nguyễn Văn Dũng, chủ nhà hàng thịt trâu tươi ở Cầu Giấy, Hà Nội vẫn từ chối.

Anh cho biết, quán chỉ sử dụng nguyên liệu thịt tươi bởi khi chế biến, thịt đông lạnh vị không đậm, khách sành ăn dễ dàng phát hiện. Bên cạnh đó, thịt nhập khẩu qua thời thời gian trữ đông quá lâu dễ biến chất, giảm hàm lượng dinh dưỡng.

Theo anh Dũng, gần đây việc mua trâu khá khó khăn bởi phần lớn người dân chuyển sang nuôi bò và dê vì nhanh được bán. Vì thế, anh phải tìm mua ở tận vùng cao Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Yên Bái.

Theo đó, thịt trâu đắt hơn thịt bò từ 30.000 đến 35.000 đồng/kg, có thời điểm chênh nhau 50.000 đồng/kg. Vì thế, theo anh Dũng, nếu nói thịt bò được đóng mác từ thịt trâu trong nước là gần như không thể.

Anh Nguyễn Quang Vũ, đầu bếp nhà hàng chuyên thịt trâu ở Hà Nội cho biết: "Khách rất khó phân biệt đâu 2 loại thịt trên bằng mắt thường. Đặc biệt khi nấu chín, ngay cả người sành ăn cũng khó phân biệt được. Về cơ bản, 2 nguyên liệu có thể chế biến được các món giống nhau".

Song với kinh nghiệm của một đầu bếp, anh Vũ bật mí, thịt trâu có thớ thịt to hơn bò. Bên cạnh đó, mỡ trâu màu trắng ởn, trong khi mỡ bò vàng và có mùi gây.

Ngoài ra, thịt trâu màu đỏ sậm còn thịt bò đỏ tươi, sáng hơn. Khi làm tái, thịt trâu vẫn giữ được màu trong khi thịt bò chuyển sang màu trắng hồng. "Hầu hết, khách sành ăn đánh giá thịt trâu ngọt, đậm đà và dai hơn bò", anh Vũ cho biết thêm.
 

Thịt trâu màu đỏ đậm, thẫm mầu và có thớ thịt to hơn bò. Ảnh: Ngọc Lan.

Một đầu mối chào bán thịt trâu Ấn Độ trên mạng tư vấn, khách nên sử dụng nguyên liệu thịt trâu để thay thịt bò. Tùy loại thịt sẽ phù hợp chế biến các món như bò phi tiêu, bò xào tỏi ớt, nộm… Độ ngon phụ thuộc vào người nấu.

Người này tiết lộ, không chỉ những quán bình dân, nhiều nhà hàng cao cấp cũng sử dụng thịt trâu đông lạnh để làm các món giả bò: "Nếu nấu khéo, ngay cả khách Tây cũng không phát hiện được, huống chi khách Việt". Ngoài thịt trâu, đầu mối này còn cung cấp cả sườn lợn non Ba Lan giá 90.000 đồng/kg, thấp hơn mặt hàng cùng loại trong nước khoảng 40.000-45.000 đồng.

Chị Hằng, nhân viên kinh doanh một công ty xuất nhập khẩu hàng đông lạnh ở quận Bình Thạnh, TP HCM cho biết, thịt trâu được nhập chủ yếu từ nhà cung cấp Allanasons ở Ấn Độ. Giá nhập trung bình khoảng 3-4 USD/kg (tương đương 60.000-85.000 đồng/kg). Có loại thấp hơn giá chỉ khoảng 1,58 USD/kg (hơn 30.000 đồng/kg).

“Đa phần thịt trâu nhập về không thuộc đối tượng chịu thế GTGT, giá tương đối rẻ. Công ty sẽ phân loại và phân phối theo đúng nhãn mác thịt trâu nhập khẩu. Do đó, khách hàng sử dụng với mục đích nào, phía công ty không thể kiểm soát được”, chị Hằng cho hay.

Theo ông Đoàn Xuân Trúc, Phó chủ tich Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, mức tiêu dùng thịt trâu ở Việt Nam ngày càng tăng trong khi lâu nay con trâu không được phát triển mạnh, cung không đủ cầu. Trong khi đó, Ấn Độ là nơi có lợi thế nhất trong khu vực về chăn nuôi cũng như sản xuất trâu. Nguyên liệu này tương đối rẻ, chất lượng tốt. Trung bình một năm, Việt Nam nhập 30.000 tấn thịt trâu từ Ấn Độ.

Tuy nhiên, ngoài tiêu thụ trong nước, một số lượng đáng kể thịt trâu nhập khẩu bị tái xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. "Gần đây, nhu cầu sử dụng thịt trâu trong nước tăng lên, giá thịt trâu nhập thấp hơn so với thịt bò nên không ít đơn vị lợi dụng nguyên liệu này để thay thế nhằm thu lời", ông Vang cho hay.
 
Theo Ngọc Lan (Zing.vn)