Kinh tế

Vì sao chứng khoán lao dốc?

Nhiều nhà đầu tư bất ngờ với đà rơi của thị trường chứng khoán, gần như toàn bộ cổ phiếu trên sàn đều rớt giá

Sau nhiều tháng phục hồi và tăng điểm tích cực, chứng khoán trong nước ngày 18-8 bất ngờ rơi tự do. VN-Index giảm sốc hơn 55,49 điểm (-4,5%), mức giảm mạnh nhất trong hơn 1 năm trở lại đây. Toàn thị trường có hơn 2 tỉ cổ phiếu được chuyển nhượng, kỷ lục từ trước đến nay và giá trị giao dịch gần 42.000 tỉ đồng, cao nhất trong 17 tháng qua.

Sốc với cú "quay xe" của thị trường

Nhiều nhà đầu tư quên mở bảng điện trong phiên giao dịch cuối tuần đã không tin vào mắt mình khi thấy cổ phiếu giảm sàn la liệt trên cả 3 sàn chứng khoán. Chị Minh Vân (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết 2 ngày trước chị vừa mua hết toàn bộ số tiền trong tài khoản vào cổ phiếu ngành chứng khoán và đầu tư công, với kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục đi lên. 

"Trong buổi sáng, lúc thị trường giảm khoảng 25 điểm, tôi thấy giá trị giao dịch chưa tăng đột biến, cổ phiếu chứng khoán và đầu tư công vẫn tăng nhẹ nên yên tâm đi công việc. Đến cuối ngày, mở bảng điện, tôi đã suýt ngất vì thấy toàn bộ danh mục giảm sàn. Trong nhóm đầu tư, bạn bè tôi cũng khóc ròng vì chưa kịp bán cổ phiếu" - chị Minh Vân kể.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, trên thị trường gần như không ai nghĩ chỉ số và cổ phiếu sẽ lao dốc mạnh như vậy. Nhiều người còn nghĩ thị trường chỉ điều chỉnh rồi buổi chiều sẽ phục hồi nên tranh thủ "nhặt" cổ phiếu khi giá giảm nhẹ. 

Anh Đức Minh (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) kể cuối phiên sáng anh vẫn quyết định mua thêm cổ phiếu chứng khoán vì nghĩ xu hướng còn tăng. "Vừa mua xong thì thị trường lao dốc, cổ phiếu giảm sàn hàng loạt, tôi chỉ biết nhìn vì cổ phiếu vừa mua 2 ngày sau mới về tài khoản" - anh Đức Minh buồn bã nói.

Vì sao chứng khoán lao dốc?
Nhiều nhà đầu tư cá nhân vẫn chưa hiểu vì sao thị trường bất ngờ lao dốc mạnh khi đang tăng trưởng tốtẢnh: Hoàng Triều

Đại diện một số công ty chứng khoán cho hay dù đã dự báo thị trường có thể điều chỉnh sau giai đoạn tăng cao nhưng cú giảm cuối tuần thật sự "quá nhanh và quá gắt". Phân tích yếu tố khiến thị trường bị bán tháo, ông Nguyễn Nhật Khánh, Trưởng Phòng Tư vấn Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, nói thị trường đã tăng liên tục từ đầu tháng 6-2023 đến nay và chưa có nhịp điều chỉnh nào đáng kể. Nhiều cổ phiếu nhà đầu tư có lãi từ 50%-70%, thậm chí có mã tăng gấp đôi trong thời gian ngắn nên việc họ chốt lời khi thị trường diễn biến tiêu cực là dễ hiểu. 

"Yếu tố tâm lý đóng vai trò quan trọng đến từ việc cổ phiếu của VinFast lên sàn chứng khoán Mỹ tăng mạnh ngày đầu nhưng lao dốc 2 phiên sau đó, tác động tiêu cực tới cổ phiếu VIC (công ty mẹ của VinFast) và nhà đầu tư lo ngại nhịp điều chỉnh xuất hiện từ đó đà bán tháo lan rộng. Đồng thời, một công ty chứng khoán lớn thông báo giảm tỉ lệ ký quỹ (margin) của một số mã cổ phiếu cũng kích hoạt tâm lý lo lắng của nhà đầu tư" - ông Khánh nêu quan điểm.

Vì sao chứng khoán lao dốc? - 1
Đồ họa: Anh Thanh

Xu hướng trung hạn vẫn tích cực

Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS), nhận định dù thị trường ngày 18-8 mới giảm mạnh nhưng thực tế trong khoảng 2-3 tuần qua, một số nhóm cổ phiếu đã giảm trước và nhà đầu tư gần như không có lãi. 

Những cổ phiếu tăng nóng, dẫn dắt thị trường lại là những doanh nghiệp thiếu nền tảng và có kết quả kinh doanh kém trong quý II, điển hình là nhóm bất động sản. Điều đó có nghĩa thị trường đã bước vào vùng rủi ro cao, nhất là tỉ lệ margin của các công ty chứng khoán đang phình to, gần tiếp cận vùng đỉnh 3,4% giai đoạn 2021 - 2022. 

"Chúng tôi đã dự đoán thị trường có nhịp điều chỉnh tiềm ẩn nhưng thực tế diễn ra với áp lực bán rất lớn, khối lượng bán chủ động nên nhà đầu tư nhỏ lẻ rất khó xoay xở, nhất là bất ngờ với những người mới tham gia thị trường. Dù vậy, với nhịp điều chỉnh 5%-7%, thậm chí 10% của thị trường là cần thiết trong ngắn hạn, riêng xu hướng trung hạn của thị trường vẫn tích cực" - ông Tuấn nói.

Vậy thị trường có thể điều chỉnh tới đâu? Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng nhịp giảm càng mạnh thì thị trường sẽ càng sớm phục hồi bởi xu hướng tăng vẫn chưa bị lung lay. Do đó, có 2 kịch bản dự kiến sẽ xảy ra. Nhịp điều chỉnh tiếp theo nếu có sẽ ở mốc 1.160 điểm hoặc vùng thấp hơn ở 1.125 điểm. 

"Nếu phiên kế tiếp thị trường giảm mạnh về các mốc này, nhà đầu tư không nên bán tháo mà có thể cân nhắc canh mua vào với 2 nhóm cổ phiếu bất động sản và chứng khoán. Bởi với giá trị giao dịch đạt kỷ lục hiện tại, chứng khoán là nhóm cổ phiếu hưởng lợi. Đồng thời, cổ phiếu bất động sản đã giảm mạnh nên sẽ có xu hướng phục hồi mạnh hơn khi thị trường đi lên" - ông Thế Minh nói. 

Cổ phiếu bất động sản và ngân hàng bị bán tháo mạnh

Điểm đáng chú ý trong phiên giao dịch ngày 18-8 là cổ phiếu của nhóm bất động sản và ngân hàng bị bán tháo mạnh. Dữ liệu thị trường cho thấy trong 76 mã cổ phiếu bất động sản niêm yết trên sàn HoSE và HNX có đến 48 mã giảm sàn, hơn 480 triệu cổ phiếu khớp lệnh, chiếm gần 30% thanh khoản toàn thị trường. Nhóm ngân hàng cũng bị nhà đầu tư bán ra 282 triệu cổ phiếu giá thấp. Th.Thơ

Theo Thái Phương (Nld.com.vn)




https://nld.com.vn/kinh-te/vi-sao-chung-khoan-lao-doc-20230818220416282.htm