Kinh tế

Việt Nam và nỗi khổ chung đường biên giới với Trung Quốc

Đường biên giới dài, phức tạp và khó kiểm soát đang khiến cho Việt Nam phải hứng chịu một nguồn hàng lậu khổng lồ tràn qua biên giới mỗi năm.

Đường biên giới dài, phức tạp và khó kiểm soát đang khiến cho Việt Nam phải hứng chịu một nguồn hàng lậu khổng lồ tràn qua biên giới mỗi năm.

Các cơ quan chức năng bắt giữ các đối tượng buôn lậu qua biên giới - Ảnh: Minh hoạ

Ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc với các nước trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng đang trải rộng ra trên nhiều lĩnh vực và trên nhiều khía cạnh, chủ yếu là thông qua các yếu tố kinh tế vĩ mô như xuất nhập khẩu hay tỉ giá tiền tệ.

Nhưng với riêng Việt Nam, Trung Quốc còn giữ vai trò nền kinh tế của một nước láng giềng có chung một đường biên giới dài, mức độ ảnh hưởng từ kinh tế Trung Quốc với Việt Nam vì thế còn mở rộng hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Trên thực tế, những ảnh hưởng về các yếu tố kinh tế vĩ mô mà Việt Nam phải chịu từ kinh tế Trung Quốc như mức nhập siêu lớn hay ảnh hưởng từ vấn đề tỉ giá là điều mà không chỉ Việt Nam phải gánh chịu.

Với tư cách là một trong hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Trung Quốc có một khả năng tạo ra ảnh hưởng một cách tự nhiên với các nước trong khu vực thông qua quan hệ trao đổi kinh tế thương mại.

Cụ thể, với tất cả các nước ASEAN, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất hoặc cùng lắm là xếp thứ hai. Hầu như mọi nước ASEAN đều đang phải chịu cảnh nhập siêu từ Trung Quốc, giống Việt Nam.

Chẳng hạn như trong năm 2013, mức nhập siêu của Malaysia từ Trung Quốc là 12 tỉ USD, Indonesia là 7,1 tỉ USD, Philippines là 11,3 tỉ USD, Thái Lan cũng đạt 11,3 tỉ USD. Với ưu thế hàng hóa giá rẻ, cạnh tranh lại đa dạng, Trung Quốc hiện đang duy trì được ưu thế trong trao đổi thương mại với hầu hết các nước Đông Nam Á, buộc các nước này phải lâm vào cảnh thâm hụt thương mại khá lớn trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Tuy nhiên, một thực tế là sức ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc với các nước trong khu vực chủ yếu xuất phát từ sự lan tỏa tự nhiên của sức mạnh kinh tế nước này. Hầu hết các nước ASEAN đều không có mối quan hệ trao đổi thương mại với Trung Quốc trên tư cách là nước láng giềng có chung đường biên giới như Việt Nam. Việt Nam vì thế đang phải chịu 2 tác động kép từ kinh tế Trung Quốc: ảnh hưởng của nền kinh tế số hai thế giới và ảnh hưởng từ nước láng giềng có nền kinh tế mạnh hơn.

Nếu như ảnh hưởng của nền kinh tế số hai thế giới tác động đến Việt Nam chủ yếu qua các yếu tố vĩ mô như nhập siêu và tỉ giá thì ảnh hưởng từ nước láng giềng có nền kinh tế mạnh hơn đang tác động đến kinh tế Việt Nam một cách trực diện hơn và cụ thể hơn.

Đặc biệt là tác động từ trao đổi thương mại trực tiếp qua đường biên giới.

Đường biên giới dài, phức tạp và khó kiểm soát đang khiến cho Việt Nam phải hứng chịu một nguồn hàng lậu khổng lồ tràn qua biên giới mỗi năm. Theo thống kê, trong năm 2014 Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 43,7 tỉ USD, nhưng phía Trung Quốc lại đưa ra con số thống kê xuất khẩu sang Việt Nam lên tới 63,7 tỉ USD.

Điều này đồng nghĩa với việc có khoảng 20 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chưa được thống kê. Không cần phải thống kê cặn kẽ cũng hiểu rằng phần lớn trong số 20 tỉ USD đó là xuất phát từ hàng Trung Quốc nhập lậu qua đường biên giới. Và nó cũng đồng nghĩa với việc tỉ lệ hàng nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam hằng năm chiếm tới 50% hàng hóa nhập khẩu chính thức từ Trung Quốc.

Điều này dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng. Nó không chỉ có nghĩa là mức nhập siêu từ Trung Quốc của Việt Nam lớn hơn ít nhất là 50% con số thống kê và rằng, sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc của Việt Nam lớn hơn rất nhiều so với suy nghĩ của nhiều người; mà còn có nghĩa rằng Việt Nam đang hứng chịu những hậu quả lớn.

Thứ nhất, Việt Nam gần như không thể đánh thuế một lượng hàng nhập khẩu lậu có trị giá lên tới 20 tỉ USD mỗi năm. Thứ hai, lượng hàng lậu trốn thuế khổng lồ ấy đang giết chết khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ngay trên sân nhà. Vì hàng hóa Trung Quốc vốn dĩ đã có giá thành rẻ, khi tuồn vào Việt Nam qua đường nhập lậu và không phải chịu thuế thì sẽ còn rẻ hơn nữa, doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh nổi.

Theo thống kê, trong số hàng nhập khẩu từ Trung Quốc ngoài các mặt hàng phục vụ sản xuất như nguyên vật liệu (chiếm 60%), máy móc thiết bị (chiếm 30%) vốn là các mặt hàng bắt buộc phải nhập khẩu, 10% còn lại là hàng tiêu dùng vốn là lĩnh vực doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh được. Việc tiếp tục để hàng lậu Trung Quốc tràn vào theo đường biên giới đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt Nam mất đi một thị phần khoảng gần 7 tỉ USD hàng tiêu dùng hằng năm, ngay trên sân nhà.

Vì thế, nếu như mức nhập siêu khổng lồ hàng năm đang khiến kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc qua đường chính ngạch thì việc để một lượng hàng lậu khổng lồ tràn vào lại đang đe dọa phá vỡ cơ cấu nền kinh tế Việt Nam.

Một khi vẫn để hàng lậu Trung Quốc tràn vào, doanh nghiệp Việt Nam vẫn sẽ không thể cạnh tranh nổi ngay trên sân nhà, đồng nghĩa với việc làm suy yếu kinh tế Việt Nam. Đó là chưa kể hàng loạt các hệ lụy khác phát sinh từ nguồn hàng lậu này, điển hình là vấn đề an toàn của các mặt hàng thực phẩm và nông sản kém chất lượng. Nó tác động trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người dân trên toàn quốc.

Những nguy cơ này thậm chí được dự báo sẽ còn gia tăng trong những năm tới. Khi mà Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, tổng cầu nội địa giảm sẽ dẫn đến việc dư thừa cung, các doanh nghiệp Trung Quốc khi đó sẽ càng tăng cường xuất khẩu hàng giá rẻ ồ ạt qua các nước trong khu vực, mà một nước có chung đường biên giới như Việt Nam là đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Hầu hết các nước khác trong khu vực ASEAN đều không có đường biên giới với Trung Quốc và rất ít chịu tác động từ hàng Trung Quốc nhập lậu quy mô lớn như Việt Nam. Trên thực tế, nếu tính cả lượng hàng hóa nhập lậu qua biên giới, mức nhập siêu từ Trung Quốc của Việt Nam đang nhiều hơn các nước trong khu vực khoảng gần 4 lần, một con số không hề nhỏ.

Việc tiếp tục để số lượng khổng lồ hàng lậu tuồn qua biên giới thậm chí còn đe dọa làm ảnh hưởng đến các hiệp định kinh tế mà Việt Nam đã ký kết. Các hiệp định như cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hay Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đều có tác dụng trong việc làm giảm ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc với Việt Nam, thông qua việc chuyển sang nhập hàng hóa từ các nước ASEAN và TPP thay vì Trung Quốc.

Nhưng khi lượng hàng lậu giá rẻ có giá trị lên tới hàng chục tỉ USD vẫn từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam, thì không một hiệp định nào có thể ngăn chặn xu hướng tiếp tục phụ thuộc vào Trung Quốc của kinh tế Việt Nam, trừ những nỗ lực ngăn chặn hàng nhập lậu từ Trung Quốc của chính Việt Nam.

Theo Nhàn Đàm (Một Thế Giới)