Kinh tế

Xây dựng thành công các khu công nghệ cao để bắt kịp cách mạng 4.0

Thủ tướng: Đột phá thể chế, chính sách để khoa học phát triển vượt bậc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh muốn khoa học và công nghệ phát triển thì cần có đột phá về thể chế và chính sách, xây dựng các khu công nghệ cao.

Ngày 9/1, phát biểu tại Hội nghị tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trong năm qua.

Thủ tướng cho rằng nhận thức về cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng nâng cao, có thể kể tới như việc hoàn thiện mạng truyền thông di động 4G, phát triển xa lộ thông tin; phát triển hệ tri thức Việt số hoá kết nối, chia sẻ hệ dữ liệu mở...

4 trụ cột, 3 đột phá

Xây dựng thành công các khu công nghệ cao để bắt kịp cách mạng 4.0
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thắng Quang.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra một số tồn tại, bất cập như thị trường KHCN phát triển còn chậm, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chưa được ứng dụng nhiều trong sản xuất, kinh doanh; chưa có nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ được thương mại hóa...

"Việc phát triển KH&CN chưa thực sự gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Doanh nghiệp chưa trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Cơ chế tài chính còn bất hợp lý, ràng buộc sự phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.

Để khắc phục, Thủ tướng Nguyễn Xuyên Phúc yêu cầu ngành thực hiện 4 trụ cột chính cần đổi mới. Thứ nhất, KH&CN phải góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, nhất là mô hình hiện có năng suất thấp trong sản xuất nông nghiệp.

KH&CN thúc đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa, khi mà hiện nay, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn ít. Phong trào khởi nghiệp sáng tạo mới bước đầu, chỉ tập trung ở đô thị lớn.

Ngành cần tập trung phục vụ doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ. "Tinh thần doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo, đặc biệt là có đột phá trong phát triển hệ thống doanh nghiệp KH&CN, công nghệ cao, thiết lập hệ thống sàn giao dịch công nghệ và các tổ chức trung gian để thúc đẩy thị trường công nghệ", Thủ tướng nói.

Cuối cùng, KH&CN phải góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Về đột phá, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 3 điểm cần tập trung thực hiện, nhất là đột phá về thể chế, chính sách. "Thể chế KH&CN cần xóa bỏ tư duy hành chính hóa, quy hoạch hóa và tư duy thành lập mới tổ chức KH&CN phải theo quy hoạch… thì mới phát triển vượt bậc được", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Thứ hai là về phương thức đầu tư, cơ chế đặt hàng cho KH&CN; cần tập trung đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ hoặc nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng mà Việt Nam đang cần.

Thứ ba, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý Bộ KH&CN chủ động phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, đồng bộ. Trong đó, các khu công nghệ cao phải làm thành công trong năm 2018 và những năm tiếp theo để bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thủ tướng cũng yêu cầu khắc phục, xóa bỏ bệnh thành tích trong KH&CN; xây dựng Bộ KH&CN, đơn vị thuộc Bộ, các tổ chức KH&CN khỏe mạnh cả tư chất, thể chất cũng như phẩm chất.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 12 bậc

Báo cáo của Bộ KH&CN cho hay trong năm 2017, Bộ đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu đưa KH&CN phục vụ trực tiếp cho phát triển các ngành, lĩnh vực; hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp.

Xây dựng thành công các khu công nghệ cao để bắt kịp cách mạng 4.0 - 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao huân chương Độc lập hạng ba cho nguyên Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân. Ảnh: Thắng Quang.

Đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của quốc gia theo chuỗi giá trị; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp; cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu; tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0).

Theo đó, KH&CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Năng suất một số vật nuôi, cây trồng đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới: Lúa đứng đầu ASEAN; cá tra, hồ tiêu đứng đầu thế giới; cà phê, cao su đứng thứ hai thế giới.

Trong các lĩnh vực dịch vụ, việc ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp 4.0 được đẩy mạnh. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam tăng 12 bậc (từ vị trí 59/128 lên 47/127 nước và nền kinh tế, cao nhất từ trước đến nay).

Năm 2018, Bộ KH&CN xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm trong đó có việc khuyến khích thực hiện các nhiệm vụ gắn với doanh nghiệp, phát triển theo chuỗi giá trị các sản phẩm trọng điểm của quốc gia có tiềm năng xuất khẩu, giá trị kinh tế cao; tăng cường ứng dụng công nghệ.

Đồng thời, Bộ chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tăng cường năng lực tiếp cận xu hướng công nghệ tiên tiến, hiện đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo Thắng Quang (Tri Thức Trực Tuyến)