Lối Sống

Hà Nội thêm 1.100 ca sốt xuất huyết trong 1 tuần: Dấu hiệu cần vào viện ngay

Trong một tuần qua, Hà Nội ghi nhận hơn 1.100 ca sốt xuất huyết, tình hình dịch dự kiến vẫn diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Ngày 4/9, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 25 đến 31/8), trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.129 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng 73 ca so với tuần trước đó). Trong đó, dẫn đầu là Đống Đa với 105 ca bệnh, tiếp đến là Cầu Giấy có 86 ca, Nam Từ Liêm (77 ca), Hoàng Mai (76 ca), Đan Phượng (68 ca), Phú Xuyên (63 ca).

Theo Sở Y tế, trên địa bàn cũng ghi nhận 2 ca mắc sốt xuất huyết tử vong trong năm nay gồm một bệnh nhân 19 tuổi (ở quận Hà Đông) có kèm theo bệnh nền và một nữ bệnh nhân 45 tuổi (quận Hoàn Kiếm).

Theo Tiến sĩ Đặng Thị Thúy - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) nhiễm virus  sốt xuất huyết và sốt virus khác rất khó phân biệt. Bệnh nhân đều sốt cao 39 - 40 độ C. Người bệnh còn có biểu hiện các bệnh nhiễm trùng khác như đau đầu, đau mỏi xương khớp, chân tay.

Bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BSCC. 

Tuy nhiên, sốt xuất huyết sẽ có thêm triệu chứng đau hốc mắt, xuất huyết trên da dạng phát ban, trên da có các xuất huyết li ti hoặc xuất huyết niêm mạc, chảy máu cam, rối loạn kinh nguyệt.

Nếu có biểu hiện sốt cao,  bác sĩ Thúy khuyến cáo tốt nhất người bệnh cần đến cơ sở y tế khám để xác định nguyên nhân trước.

Khi theo dõi tại nhà, người bệnh cần nằm nghỉ, không nên mặc quá kín. Hằng ngày, người bệnh cần theo dõi nhiệt độ và chú ý phát hiện sớm những dấu hiệu bệnh trở nặng để đến cơ sở y tế cấp cứu kịp thời. Bác sĩ Thúy cho biết người bệnh cần làm theo chỉ dẫn của bác sĩ, không được nghe theo kinh nghiệm mách bảo để chữa mẹo hoặc dùng thêm các loại thuốc khác.

Khi bị sốt xuất huyết chỉ dùng hạ sốt bằng paracetamol đơn chất, dùng 10 - 15mg/kg cân nặng. Người bệnh không dùng thuốc hạ sốt Ibuprofen, aspirin làm nặng thêm tình trạng xuất huyết.

Người bệnh nên uống nhiều nước, có thể dùng oresol hoặc nước cam, chanh tươi, dừa thay thế. Tăng cường các loại thức ăn mềm như cháo, súp. Không ăn các thực phẩm có màu nâu hoặc đỏ.

Những trường hợp cần vào viện ngay: nôn liên tục, xuất huyết niêm mạc (chảy máu chân răng, rối loạn kinh nguyệt), giảm tiểu cầu, mệt mỏi, đau bụng đau tăng lên, đi tiểu ít. 

Biến chứng của sốt xuất huyết là suy hô hấp, rối loạn đông máu, suy đa tạng, rối loạn điện giải, xuất huyết não...

Theo Cục Y tế dự phòng, số ca mắc sốt xuất huyết 8 tháng đầu năm 2023 tập trung tại TP Hà Nội (5.190 ca) và một số tỉnh khu vực miền Trung, miền Nam như TP.HCM (8.628), An Giang (3.161), Đồng Nai (3.114), Bình Dương (2.482), Bình Thuận (3.118), Sóc Trăng (2.481). Tuýp virus sốt xuất huyết lưu hành năm 2023 chủ yếu là D1, D2.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số ca sốt xuất huyết ghi nhận tăng cao bắt đầu từ tuần 26 (tháng 6) và tăng mạnh trong 3 tuần gần đây. Số mắc trong 8 tháng đầu năm 2023 giảm tại 3 khu vực (miền Nam giảm 71%, miền Trung giảm 44,3%, Tây Nguyên giảm 34%), riêng miền Bắc tăng 125,2%, đặc biệt tại Hà Nội tăng 5,3 lần. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 66.400 ca sốt xuất huyết. Theo báo cáo tại các đại phương có 17 ca tử vong. 

Theo Phương Thúy (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/ha-noi-them-ca-nghin-ca-sot-xuat-huyet-dau-hieu-nao-can-vao-vien-ngay-2185287.html