Lối Sống

Mắc bệnh sốt xuất huyết có uống nước dừa được không?

Sốt xuất huyết uống nước dừa được không là một câu hỏi được rất nhiều người đặt ra bởi những lo ngại liên quan đến chứng bệnh này.

Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát trên cả nước, đặc biệt tại Hà Nội. Chỉ trong một tuần, Thủ đô đã ghi nhận 2.578 ca bệnh và 78 ổ dịch sốt xuất huyết mới.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 70 - 80 ca sốt xuất huyết, trên 30 ca có dấu hiệu cảnh báo, đe dọa diễn tiến nặng. Toàn viện có khoảng 80 bệnh nhân sốt xuất huyết đang trong tình trạng rất nặng.

CDC Hà Nội dự báo, đỉnh dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội sẽ rơi vào tháng 10, 11. Với diễn biến thời tiết như hiện nay, nhiệt độ hàng ngày dao động trong khoảng 26 - 32⁰C, là điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi.

Kết hợp với việc đã có nhiều ổ dịch, nhiều ca mắc trên địa bàn thành phố, mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao, nhiều điểm vượt ngưỡng dẫn đến nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh… Do đó, tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tuần tới.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh sốt xuất huyết đang ngày càng phức tạp và có xu hướng tăng nhanh trong thời gian tới. Nếu không được theo dõi và điều trị đúng cách, sốt xuất huyết dễ diễn biến nặng, tiểu cầu suy giảm, gây xuất huyết niêm mạc, xuất huyết nội tạng, rối loạn đông máu… có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Mắc bệnh sốt xuất huyết có uống nước dừa được không?
Ảnh minh họa: Internet

Cách xử lý khi đối mặt với sốt xuất huyết

Với đặc thù của một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, sốt xuất huyết bắt nguồn từ siêu vi trùng Dengue. Một số triệu chứng mà các bệnh nhân thường gặp phải như: Sốt cao, đau đầu, đau khớp và cơ, phát ban, buồn nôn…

Khi cảm thấy bản thân có những triệu chứng trên, người bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm. Điều này góp phần chẩn đoán khả năng mắc sốt xuất huyết và có cơ hội điều trị bệnh sớm.

Trong trường hợp người bệnh chỉ bị sốt nhẹ thì hoàn toàn có thể được theo dõi và điều trị tại nhà. Để phòng ngừa nguy cơ bệnh tiến triển nhanh, người bệnh cũng cần lưu ý những vấn đề như: Dành thời gian nghỉ ngơi, liên tục theo dõi nhiệt độ cơ thể, ưu tiên mặc quần áo thoáng mát…

Đối với những bệnh nhân bị sốt cao hơn 38,5 độ C, sử dụng paracetamol với liều lượng 10 - 15mg/kg sẽ hỗ trợ hạ sốt hiệu quả. Nên uống cách nhau khoảng 4 - 6 giờ đồng hồ, liều lượng paracetamol cần được đảm bảo không vượt quá 60mg/kg trong vòng 24 giờ. Đồng thời, việc uống nước và dung dịch oresol sẽ giúp cho cơ thể được bù nước và cân bằng điện giải. Các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân không dùng ibuprofen, analgin hay aspirin nhằm mục đích hạ sốt.

Người bệnh sốt xuất huyết có nên uống nước dừa không?

Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời ThS. BS Vũ Mạnh Cường cho biết, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sốt xuất huyết, do đó bên cạnh việc điều trị triệu chứng, người bệnh cần được chăm sóc dinh dưỡng thật tốt để nâng cao thể trạng và sức đề kháng cho cơ thể.

Trong chế độ ăn của người bệnh cần tăng cường thực phẩm giàu protein như: thịt, cá, trứng, sữa…; thực phẩm giàu vitamin A, vitamin C, thực phẩm giàu kẽm để tăng sức đề kháng cho cơ thể và thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục.

Ngoài ăn các thức ăn lỏng, mềm, giàu dinh dưỡng như: cháo, súp, sữa chua…; người bệnh cần lưu ý uống đủ nước. Tình trạng sốt cao làm tăng nguy cơ mất nước nên cần bù nước đầy đủ.

Mắc bệnh sốt xuất huyết có uống nước dừa được không? - 1
Ảnh minh họa: Internet

Người bệnh nên uống các loại nước lọc, nước canh, nước dừa tươi, nước ép trái cây. Các loại nước ép cam, chanh, bưởi chứa nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C tăng cường sức đề kháng, giúp vững bền thành mạch, rất tốt cho người bệnh sốt xuất huyết. Nước dừa cũng chứa nhiều khoáng chất tốt giúp bổ sung chất điện giải cho cơ thể trong trường hợp mất nước do sốt cao.

Theo nghiên cứu thành phần dinh dưỡng, nước dừa tự nhiên chứa đường, chất béo, acid amin, acid hữu cơ và các enzyme, các vitamin B1, B2, B3, B5, B6, B7, B9, vitamin C...

Các khoáng chất có trong nước dừa như: kali, natri, canxi, magiê, selen, đồng, kẽm... rất phong phú và hỗn hợp các chất trong nước dừa tương tự như dịch trong tế bào. Hàm lượng kali dồi dào trong nước dừa giúp cân bằng điện giải làm tối ưu hoạt động của hệ tuần hoàn, hệ thần kinh và hệ miễn dịch cũng như hỗ trợ việc hấp thụ và điều tiết chất lỏng, giúp bổ sung và bù nước cho cơ thể.

Theo ThS. BS. Đặng Ngọc Hùng, Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng, nhờ những giá trị dinh dưỡng tốt sẵn có, nước dừa được xem như một loại nước giải khát lành mạnh, có thể uống hằng ngày.

Uống nước dừa như thế nào cho phù hợp?

Như vậy là chúng ta cũng đã biết nước dừa rất tốt cho người mắc sốt xuất huyết. Là loại thức uống bổ dưỡng và cung cấp nhiều khoáng chất, nước dừa sẽ làm giảm triệu chứng sốt cao khi bị sốt xuất huyết. Thế nhưng chúng ta cũng cần nắm bắt được một vài lưu ý quan trọng khi uống nước dừa để đạt hiệu quả sức khỏe tốt nhất:

- Không nên uống quá nhiều, trung bình những người bình thường chỉ nên uống 1 - 2 cốc nước dừa/ngày để ngăn ngừa sốt xuất huyết. Một số trường hợp có tiền sử huyết áp thấp, đái tháo đường, suy thận hay rối loạn điện giải cần tham khảo chỉ định của bác sĩ.

Mắc bệnh sốt xuất huyết có uống nước dừa được không? - 2
Ảnh minh họa: Internet

- Nên sử dụng nguồn nước dừa tự nhiên, nguyên chất, không bao gồm các phụ gia, sau khi uống nước dừa thì người bệnh nên ăn cơm.

- Nước dừa có tính hàn cao, vì vậy mà những người hàn lạnh, âm thịnh dương suy cần phải kiêng nước dừa. Người bệnh cũng có thể khử tính hàn của nước dừa bằng cách thêm vài lát gừng hoặc hòa tan một chút muối.

-  Đối với trẻ nhỏ: không cho trẻ uống thuốc kết hợp với nước dừa. Lý do là vì điều này sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc, song song với đó thì hàm lượng dinh dưỡng có trong nước dừa cũng giảm đi.

- Thời điểm thích hợp nhất để cho trẻ uống nước dừa là vào buổi sáng. Ngoài ra những lúc cơ thể của trẻ cần được bổ sung nước và thanh nhiệt cũng nên uống nước dừa. Ngược lại nếu như trẻ uống nhiều nước dừa vào buổi tối thì sau một khoảng thời gian sẽ dẫn đến khó tiêu, lạnh bụng.

PN (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/mac-benh-sot-xuat-huyet-co-uong-nuoc-dua-duoc-khong-d188097.html