Lối Sống

Ngoài trời Hà Nội có thể chạm mốc 50 độ C: Dùng thứ 'đặc dụng' này nhà có mát hơn không?

Trong điều kiện thời tiết oi bức và nắng gắt, các căn hộ sẽ bị ảnh hưởng phần nào. Do đó, các gia đình nên chủ động áp dụng các biện pháp chống nóng.

Dự báo từ ngày 26/4 tới dịp lễ 30/4 - 1/5,  Hà Nội cùng các tỉnh thành miền Bắc đang đối mặt với đợt nắng nóng giữa hè cực kỳ khắc nghiệt. Theo bản tin trên báo Kinh tế đô thị, nhiệt độ thực tế ngoài trời có thể lên tới ngưỡng 50 độ C. Thời tiết nóng bức từ sáng sớm đến khuya không chỉ gây bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày mà còn là thách thức đối với sức khỏe của mỗi người dân.

Trong bối cảnh đó, việc làm mát không gian ở trở thành nhu cầu cấp thiết, yêu cầu mọi gia đình cần nhanh chóng áp dụng các giải pháp chống nóng hiệu quả để đảm bảo một không gian sống mát mẻ, dễ chịu. 

Một trong những giải pháp được nhiều gia đình tìm đến để "hạ nhiệt" cho ngôi nhà của mình đó là dùng một thứ đặc dụng: sơn cách nhiệt.

Sơn cách nhiệt liệu có thực sự tốt?

Sơn chống nóng (hay còn được gọi là sơn cách nhiệt) là một loại sản phẩm cách nhiệt hiệu suất cao, đa tính năng. Sơn chống nóng thường thiết kế dưới dạng một thành phần, do đặc tính cách nhiệt, sơn chống nóng thường được sơn trên các bề mặt công trình phải tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng gay gắt của mặt trời như sân thượng, mái tôn, mặt ngoài tường,

KTS Nguyễn Thanh Nga, Phó Giám đốc chủ trì thiết kế Nội thất kiến trúc công ty TNHH Nội thất SOI, trả lời Trí thức trẻ rằng việc sử dụng sơn cách nhiệt có thể góp phần hạ nhiệt độ cho ngôi nhà. 

Theo KTS, loại sơn này nổi bật với tính năng chống thấm nước, không gặp tình trạng bong tróc hoặc nứt nẻ sau thời gian 96 giờ ngâm trong nước. Bên cạnh đó, sơn này còn chịu được nhiệt độ cao, thử nghiệm đã chỉ ra rằng dưới tác động của nhiệt độ lên tới 60°C trong vòng 24 giờ và việc ngâm mẫu thử ở nhiệt độ 23°C không khiến sơn bị tổn hại như bong tróc hay rạn nứt.

Ngoài trời Hà Nội có thể chạm mốc 50 độ C: Dùng thứ 'đặc dụng' này nhà có mát hơn không?
Hình minh họa. Ảnh: Internet

Tuy vậy, hiệu quả của sơn cũng phụ thuộc vào các đặc tính cụ thể của ngôi nhà. Đối với những ngôi nhà có mái nhà thấp hơn, sẽ cảm nhận được mức độ hiệu quả của sơn rõ ràng hơn. Mặt bằng dưới mái tôn sẽ giảm nhiệt độ từ 12-25 độ C hoặc 4-5 độ C, tùy thuộc vào từng loại sơn được sử dụng.

Trước khi cân nhắc có sử dụng sơn chống nóng cho ngôi nhà của mình hay không, bạn có thể tham khảo những ưu - nhược điểm của dòng sơn này.

Ưu điểm của sơn chống nóngBảo vệ bề mặt của ngôi nhà khỏi sự phai màu và hao mòn do tác động của ánh nắng mặt trời và thời tiết. Giúp giảm nhiệt từ các thiết bị làm mát cho ngôi nhà, giảm hóa đơn điện và lượng khí thải carbon. Có khả năng chống gỉ, mốc, rêu mốc và chống thấm. Dễ dàng thi công bằng máy phun hay con lăn chuyên dụng. Tăng tuổi thọ công trình bền lâu.  Đa năng, phù hợp cho nhiều loại bề mặt khác nhau.Nhược điểm của sơn chống nóngThường có giá cao hơn so với các loại sơn thông thường. Cần thi công tối thiểu 2 lớp và trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Khó tìm được sơn chống nóng chất lượng và phù hợp. 

Ngoài sử dụng sơn chống nóng, bạn còn có thể tham khảo một số biện pháp sau.

1. Tối ưu hóa việc sử dụng rèm cửa

Rèm cửa không chỉ là vật dụng trang trí mà còn giữ vai trò chắn nắng, chống nóng hiệu quả. Nên chọn rèm có màu sắc trung tính, vật liệu dày dặn để hạn chế ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào nhà. Đặc biệt, rèm cửa sổ hướng Tây nên được chú trọng hơn cả do đây là hướng nhận nhiều ánh nắng vào buổi chiều.

2. Quản lý nhiệt độ điều hòa 

Nhiệt độ điều hòa nên được cài đặt ở mức 24-27 độ C để tối ưu hóa hiệu suất làm mát và tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, việc tăng nhiệt độ điều hòa lên 1 độ C so với mức thông thường có thể giảm tới 10% lượng điện tiêu thụ.

Ngoài trời Hà Nội có thể chạm mốc 50 độ C: Dùng thứ 'đặc dụng' này nhà có mát hơn không? - 1
Hình minh họa. Ảnh: Internet

3. Tận dụng quạt và không khí mát tự nhiên vào buổi tối

Khi thời tiết mát mẻ vào buổi tối, mở cửa sổ để đón gió và tạo đối lưu không khí trong nhà. Sử dụng quạt để tăng cường luồng không khí này, đặc biệt là quạt trần nên được điều chỉnh sao cho chạy theo chiều ngược kim đồng hồ, đẩy gió mát xuống dưới.

4. Thay đổi thói quen sử dụng đèn và thiết bị điện

Thay thế các bóng đèn sợi đốt truyền thống bằng bóng đèn LED hoặc tiết kiệm năng lượng, vì chúng không chỉ tiêu thụ ít điện hơn mà còn tỏa nhiệt thấp hơn. Việc hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử trong thời gian dài và tắt chúng khi không cần thiết cũng có thể giảm nhiệt lượng tỏa ra trong nhà.

Theo Minh Anh (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/ngoai-troi-ha-noi-co-the-cham-moc-50-o-c-dung-thu-ac-dung-nay-nha-co-mat-hon-khong-a417659.html