Ôtô - Xe máy

Đề xuất hỗ trợ 1.000 USD cho người Việt mua ô tô điện

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có văn bản gửi tới 7 Bộ, Hiệp hội Các nhà Sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và 5 công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước để lấy ý kiến lần 2 về chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang ô tô điện, sử dụng năng lượng xanh, trong đó nổi bật là chính sách hỗ trợ 1.000 USD cho người mua ô tô điện.

Theo đó Bộ GTVT gửi văn bản tới tới các bộ sau: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ.

Đồng thời gửi tới 5 công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, gồm: Công ty TNHH kinh doanh thương mại và dịch vụ VinFast, Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam, Công ty CP ô tô Trường Hải, Công ty CP tập đoàn Thành Công.

Theo đó, Bộ GTVTđề nghị các bộ, ngành góp ý trước ngày 28/8 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/8. Văn bản lấy ý kiến của Bộ GTVT nêu rõ: "Nếu Bộ GTVT không nhận được văn bản góp ý thì coi như quý cơ quan thống nhất với dự thảo báo cáo".

Bộ GTVT cho biết, tính đến hết tháng 7 năm nay, cả nước có khoảng 20.065 ô tô điện đang sử dụng, trong đó đa phần là xe sản xuất, lắp ráp trong nước.

Đề xuất hỗ trợ 1.000 USD cho người Việt mua ô tô điện
VinFast vẫn là hãng xe bán nhiều ô tô điện nhất Việt Nam đến thời điểm hiện tại. Mục tiêu hướng tới khai tử xe xăng vào năm 2050

Trong đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang ô tô điện, Bộ GTVT cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; và đến năm 2030 có 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

Đến năm 2050, có 100% phương tiện giao thông, máy thi công chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh, đồng thời hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc.

Doanh nghiệp đề xuất hỗ trợ người mua 1.000 USD/ô tô điện

Trong báo cáo gửi tới các bộ, ngành, hiệp hội, địa phương và các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô quy mô lớn trong nước, Bộ GTVT đã đưa ra đề xuất ưu đãi tổng thể về quy định pháp luật; tài chính, đầu tư; nhập khẩu; khai thác vận hành.

Nổi bật là các chính sách như: bổ sung ngành sản xuất, lắp ráp ô tô điện, sản xuất pin ô tô điện vào nhóm ngành đặc biệt ưu đãi đầu tư; miễn giảm thuế, phí, tiền thuê đất, thuế nhập khẩu, ưu đãi tiếp cận tín dụng, miễn giảm phí trước bạ, lệ phí đăng ký biển số.

Việc miễn phí trước bạ cho dòng xe điện sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm được nhiều chi phí lăn bánh. Ví dụ, 2 chiếc xe xăng và xe điện có cùng giá niêm yết là trên dưới 1 tỷ đồng, nếu mua xe xăng thì người sử dụng sẽ phải đóng ít nhất 50 - 60 triệu đồng phí trước bạ. Với xe điện, trong vòng 3 năm tới sẽ không phải đóng loại phí này, đồng nghĩa người mua sẽ tiết kiệm được khoảng 100 - 120 triệu đồng.

Đồng thời Bộ đề xuất thực hiện chính sách miễn lệ phí cấp biển số 3 năm đầu, giảm 50% lệ phí cấp biển số cho ô tô điện.

Theo các chuyên gia, chính sách miễn phí trước bạ và miễn lệ phí cấp biển số 3 năm đầu sẽ khiến nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam quan tâm hơn đến dòng xe ô tô điện. Ngoài người tiêu dùng được lợi, việc miễn thuế trước bạ cho ô tô điện cũng kỳ vọng kêu gọi thêm nhiều nhà sản xuất và phân phối ô tô tham gia vào thị trường này.

Hỗ trợ giá bán điện cho các trạm/trụ sạc, thu phí khí thải với các phương tiện giao thông chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, tăng quyền ưu tiên tham gia giao thông với xe điện, hỗ trợ kinh phí với công tác nghiên cứu công nghệ, chuyển giao công nghệ…

Bộ GTVT nêu rõ chính sách khuyến khích sử dụng ô tô điện của Việt Nam mới chỉ tập trung vào các dòng xe điện chạy pin (BEV) với các ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ.

Bộ GTVT cũng đề cấp tới một số chính sách được các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô điện đề xuất, như tiếp tục ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô điện là 3%.

Bộ cũng kiến nghị bổ sung thêm 2 dòng xe vào diện hỗ trợ, gồm: ô tô điện sử dụng pin nhiên liệu và xe ô tô năng lượng mặt trời.

Sau ngày 28/2/2027 thực hiện miễn thuế VAT trong 5 năm đầu, giảm 50% thuế VAT trong 5 năm tiếp theo; đồng thời miễn lệ phí trước bạ với ô tô điện trong 5 năm kể từ ngày 1/3/2022, trong 2 năm tiếp theo giảm 50% lệ phí trước bạ. (Trước đó,theo quy định tại Nghị định 10/2022 của Chính phủ về lệ phí trước bạ đối với nhiều loại hàng hóa, trong đó có ô tô điện thì ô tô điện chạy pin sẽ nộp phí trước bạ lần đầu với mức thu là 0% kể từ ngày 1/3/2022, trong vòng 3 năm. Trong 2 năm tiếp theo, mức thu bằng 50% so với ô tô chạy xăng, dầu có cùng chỗ ngồi.).

Đề xuất hỗ trợ 1.000 USD cho người Việt mua ô tô điện - 1
Mới đây, Hyundai cũng đã bán ra thị trường dòng xe điện Ioniq 5 được lắp ráp tại nhà máy ở Ninh Bình

Đối với ô tô điện sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ GTVT kiến nghị rà soát, bổ sung các chính sách ưu tiên phát triển xe điện, đặc biệt là phương tiện giao thông công cộng trong các Luật liên quan. Bộ cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính trực tiếp cho tổ chức, cá nhân chuyển đổi sang ô tô điện phù hợp với nguồn lực ngân sách nhà nước.

Với các dự án đầu tư sản xuất ô tô điện, pin xe điện, Bộ đề xuất miễn, giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị, dây chuyển và nhập khẩu tổng thành, linh kiện cần thiết để lắp ráp.

Điều đáng lưu ý là các doanh nghiệp sản xuất ô tô điện đề nghị trợ cấp cho người mua ô tô điện 1.000 USD/xe.

Nếu được thông qua, đây có thể coi là những chính sách hấp dẫn giúp đẩy mạnh sự phát triển của nền công nghiệp xe điện và sử dụng năng lượng xanh, thân thiện với môi trường.

Phát triển trạm sạc xe điện để hướng tới sử dụng năng lượng xanh

Về phát triển trạm sạc, Bộ GTVT đề xuất ưu đãi đầu tư, hỗ trợ lãi suất vay vốn sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị, linh kiện cần thiết để xây dựng trạm sạc, trụ sạc, đặc biệt là các trụ sạc nhanh; ưu đãi giá bán điện, ưu tiên cung cấp nguồn điện để phục vụ cho hệ thống trạm sạc công cộng; ưu đãi tiền thuê đất, tiếp cận quỹ, miễn, giảm thuế cho các tổ chức, cá nhân đầu tư trạm sạc điện.

Theo thống kê của Bộ GTVT, số lượng ô tô điện sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu tăng gấp 75 lần trong hai năm gần đây.

Còn theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến tháng 8/2022 cả nước đã có gần 3.000 ô tô điện được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, tăng gấp hơn 20 lần so với năm 2019. Đến nay, cả nước cũng đã có gần 1,8 triệu mô tô - xe máy điện hoạt động, phục vụ nhu cầu dân sinh hàng ngày.

Việt Nam hiện có hai doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô điện là VinFast và Công ty Cổ phần Ô tô TMT. Hiện nay một số công ty như Tập đoàn Thành Công (TC Group) và Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) đã giới thiệu một số mẫu xe ô tô điện của Hyundai, Kia tới khách hàng.

Năm 2022, Tập đoàn Geleximco cũng đã ký thỏa thuận với Tổng Công ty Viglacera (VGC) để thuê lại diện tích 50 ha đất và cơ sở hạ tầng, tiến tới việc xây dựng Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Geleximco tại Khu công nghiệp Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Theo kế hoạch Geleximco chia sẻ, nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Geleximco có tổng vốn đầu tư lên đến 19.000 tỉ đồng (tương đương 800 triệu USD). Các dòng ô tô của Geleximco sẽ tập trung vào xu hướng thân thiện với môi trường bao gồm xe điện, pin nhiên liệu và sản xuất linh kiện, phụ tùng. Ngoài ra, nhà máy còn sản xuất các linh kiện, phụ tùng ô tô cung cấp cho nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô và các đối tác hướng tới việc xuất khẩu. Như vậy, nhiều khả năng Việt Nam sẽ có thêm cơ sở sản xuất ô tô điện, sau nhà máy VinFast của Tập đoàn Vingroup.

Theo Đình Sơn (Vov.vn)




https://vov.vn/o-to-xe-may/o-to/de-xuat-ho-tro-1000-usd-cho-nguoi-viet-mua-o-to-dien-post1042186.vov