Ôtô - Xe máy

Ôtô sang chết máy sau khi đổ xăng A95: Thủ phạm là...

Các chuyên gia về ô tô và chủ các gara sửa chữa đều cho rằng việc ô tô chết máy sau khi đổ xăng A95 là hiện tượng bất thường.

Các chuyên gia về ô tô và chủ các gara sửa chữa đều cho rằng việc ô tô chết máy sau khi đổ xăng A95 là hiện tượng bất thường.

Liên quan đến phản ánh của nhiều người dân TPHCM về tình trạng ô tô chết máy phải mang đi đến các gara sửa chữa sau khi đổ xăng A95, trao đổi với Đất Việt, kỹ sư Lê Văn Tạch (Công ty Toyota Việt Nam) cho rằng đây là hiện tượng bất thường.

“Điều này rất khó tin. Về nguyên tắc những xe đời cao phải chạy A95. Nếu không đổ xăng này trong quá trình vận hành những rủi ro hư hỏng sẽ tăng lên rất nhiều. Một khi xăng đạt chuẩn thì  nó rất phù hợp với những xe, động cơ công nghệ đời mới các nhà sản xuất thiết kế. Tôi nghĩ việc các xe ô tô chết máy  hàng loạt trước hết có thể do nguồn xăng chưa ổn, nó chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng.”, kỹ sư Tạch khẳng định.

Kỹ sư Tạch cho rằng các loại xe đời mới, công nghệ cao đều được thiết kế các thiết bị cảnh báo, tự ngắt khi gặp những sự cố. Vì thế trong những trường hợp xe ô tô tự ngắt sau khi đổ xăng A95, người lái xe cần chủ động quan sát để không phải bỏ quá nhiều tiền vào việc sửa chữa, thay thế đồ dùng.

“Nếu mà nhiên liệu không đảm bảo chất lượng thì mình phải thay nhiên liệu khác bằng cách tháo hết ở trong hệ thống ra từ đường ống, bình nhiên liệu rồi bổ sung cái khác trước khi nổ. Cần phải để chảy hết cái nhiên liệu cũ ra thì mới đảm bảo an toàn cho xe.

Các chuyên gia về ô tô và chủ các gara sửa chữa đều cho rằng việc ô tô chết máy sau khi đổ xăng A95 là hiện tượng bất thường. Ảnh: Dân trí


Ngoài ra cũng không nên bỏ béc phun xăng ra vì nó đã được đặt sẵn trong động cơ rồi. Và sửa chữa nó là cả 1 vấn đề rất lớn. Mình thay nhiên liệu thôi đừng nên tác động gì vào động cơ cả”,  kỹ sư Tạch gợi ý.

Cũng theo lời anh,  việc các doanh nghiệp cung cấp xăng ra thị trường khẳng định nguồn hàng đạt tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam cũng chưa phải là kết luận cuối cùng.

“Mình cần phải đưa các mẫu xăng này đi kiểm nghiệm để có cái đánh giá tổng quan nhất chứ không thể dựa vào các thông báo đó được. Trong lúc chờ đợi kết luận thì có thê thử nghiệm bằng một cách đơn giản hơn. Đó là sau khi hút hết các xăng cũ ra mình sẽ thử thay thế bằng loại xăng A95 khác, thậm chí xăng A92. Nếu động cơ nổ máy bình thường tức là nguồn xăng cũ có vấn đề.”, kỹ sư Tạch chia sẻ thêm.

Chết máy không phải do chất lượng ô tô

Cũng liên quan đến vấn đề này, TS. Trịnh Minh Hoàng – Giảng viên bộ môn ô tô – Khoa Động  lực – Trường Đại học bách khoa Hà Nội cho rằng cần phải hết sức thận trọng khi đưa ra các kết luận việc ô tô bị chết máy.

Theo TS. Hoàng có 3 nguyên nhân chính có thể dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất là do nguồn nhiên liệu, ở đây là xăng chưa đảm bảo chất lượng, dẫn đến động cơ không thích ứng được. Thứ hai có thể do kỹ thuật xe, hệ thống máy móc, động cơ ô tô gặp phải sự cố dẫn đến không thể khởi động được. Thứ ba là do các yếu tố về thời tiết, môi trường tác động.

TS. Hoàng cho rằng nếu hệ thống máy móc tốt, không có vấn đề gì cả và trong điều kiện thời tiết bình thường tại TP.HCM thì nhiều khả năng sự cố trên liên quan đến chất lượng nguồn nhiên liệu.

“Nếu nhiên liệu đúng quy chuẩn thì không có gì xảy ra tại đây cả. Có thể do nguồn xăng nhập về chất lượng không đảm bảo khi có nhiều trước khi cung ứng ra thị trường, hoặc có thể do xăng bị pha trộn nước dẫn đến không thích ứng được với động cơ. Tuy nhiên để khẳng định điều này cần phải tiến hành các kiểm nghiệm và thống kê chi tiết các nguồn xăng”, TS Hoàng thông tin thêm.

Trong khi đó, trao đổi với Đất Việt, gara ô tô Vĩnh Tín khẳng định việc đổ lỗi cho kỹ thuật ô tô gây nên tình trạng xe không thể khởi động được là không có cơ sở.

Anh Tuấn Anh, một thợ sửa chữa lâu năm của gara ô tô này lý giải: “Theo kinh nghiệm của tôi thì ô tô ít khi gặp các sự cố vấn đề về khởi động. Chủ yếu là do xăng, nguồn nhiên liệu không đảm bảo thôi. Chắc chắn những ô tô đời mới, công nghệ cao không bao giờ xảy ra các lỗi như không thể khởi động máy được”.

Theo anh Tuấn Anh, Việt Nam hiện nay chưa sản xuất được nhiều xăng đáp ứng thị trường mà chủ yếu phải nhập khẩu từ nước ngoài về.

“Xăng từ Dung Quất, Quảng Ngãi thì rất ít, chủ yếu nguồn hàng từ thị trường  Singapore. Thậm chí còn nhiều nguồn xăng nhập lậu, trôi nổi trên thị trường. Chưa dừng lại ở đấy, có nhiều nơi vì lợi nhuận có thể pha thêm nước vào xăng làm ảnh hưởng đến chất lượng cung ứng ra thị trường.

Việc lái xe không kiểm tra được nguồn xăng nên nhiều khi đổ phải xăng không phù hợp dẫn đến hỏng hóc, không thể nổ máy được. Còn các cây xăng chỉ mua cấp phối thôi nên cũng khó trả lời được vì sao xảy ra hiện tượng này”, anh Tuấn Anh chia sẻ thêm.
 

Theo khảo sát của chúng tôi ở một loạt các gara ô tô lớn tại Hà Nội như Gara Trường Giang, gara Nam Thăng Long, ga ra Bắc Nam, gara Vĩnh Tín thì hiện nay trên địa bàn thành phố chưa xảy ra hiện tượng ô tô chết máy sau khi đổ xăng A95.

Gara Bắc Nam khẳng định: “Hàng ngày chúng tôi sửa chữa, bảo dưỡng nhiều ô tô nhưng liên quan đến sự cố xăng dầu thì chưa có.”

Gara Vĩnh Tín cho biết thêm: “Tôi có thấy hiện tượng này xảy ra tại TP.HCM thôi. Gara chúng tôi chưa tiếp nhận trường hợp nào như vậy cả.”.

Theo Hoàn Nguyễn (Đất Việt)