Pháp luật

71 người viết 'tâm thư', ông Chử Xuân Dũng có được xem xét giảm án?

71 cán bộ, giáo viên trường THPT Lê Lợi viết “tâm thư” xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Chử Xuân Dũng vì "điều kiện khách quan đã vô tình vi phạm pháp luật". Đây có phải tình tiết giảm nhẹ?

Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đơn thư xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong vụ án hình sự của người không phải là người bị hại không phải là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định "cứng" trong Bộ luật Hình sự. 

Tuy nhiên, HĐXX có thể áp dụng, coi là tình tiết giảm nhẹ "mềm" được ghi rõ vào bản án hoặc tình tiết này sẽ là căn cứ để đánh giá nhân thân của bị cáo, cũng như là cơ sở để đánh giá tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, làm cơ sở để tòa án quyết định một mức hình phạt phù hợp.

71 người viết 'tâm thư', ông Chử Xuân Dũng có được xem xét giảm án?
Bị cáo Chử Xuân Dũng

 Về nguyên tắc, cùng một hành vi phạm tội nhưng tính chất mức độ hành vi khác nhau, mức hình phạt cũng khác nhau với từng bị cáo. Tính chất mức độ hành vi giống nhau, nhân thân giống nhau nhưng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khác nhau, hình phạt đối với mỗi bị cáo cũng khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố trên cơ sở đánh giá một cách khách quan, công tâm của HĐXX để sao cho hình phạt đó "phù hợp" đối với từng hoàn cảnh, từng bị cáo, trong từng vụ án.

Về lý luận, sẽ không có hình phạt "cao" hay hình phạt "thấp", không có hình phạt nặng hay hình phạt "nhẹ" mà chỉ có hình phạt phù hợp hay không. Hình phạt "phù hợp" phải là hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của từng bị cáo, phù hợp với nhân thân của từng bị cáo, phù hợp với quy định của pháp luật và phù hợp với các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Theo điều 50. Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định căn cứ quyết định hình phạt như sau: “Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. Khi quyết định áp dụng hình phạt tiền, ngoài căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 50 BLHS, Tòa án căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội”.

Như vậy, hình phạt chỉ đặt ra khi bị cáo được xác định là có tội và việc quyết định hình phạt đầu tiên phải căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự. Bộ luật Hình sự sẽ quy định với tội danh này thì hình phạt nào. Đồng thời, quy định, trường hợp người phạm tội có hai tình tiết giảm nhẹ trở lên có thể xét xử ở dưới khung hình phạt, nội dung này được quy định tại Điều 54 bộ luật hình sự.

Theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, có 5 căn cứ quyết định đến hình phạt đó là: 1. quy định của Bộ luật Hình sự về khung hình phạt, loại hình phạt; 2. tính chất mức độ hành vi phạm tội; 3. nhân thân người phạm tội; 4. tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và cuối cùng là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. 5 căn cứ quyết định đến hình phạt chia làm 2 nhóm yếu tố là nhóm yếu tố nhân thân và nhóm yếu tố hành vi.

Trong đó các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng được coi là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến loại hình phạt và mức hình phạt mà tòa án có thể áp dụng.

Theo quy định, tại khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự, quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự "cứng", được áp dụng bắt buộc và là căn cứ giảm nhẹ đáng kể đối với trách nhiệm hình sự của người phạm tội. Ngoài ra, khoản 2, điều 51 Bộ luật Hình sự quy định: "Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án”.

Quy định này mở rộng sự tùy nghi cho HĐXX trong việc lựa chọn các "tình tiết khác" được xác định là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho bị cáo, đây được coi là các tình tiết giảm nhẹ "mềm" do HĐXX tùy nghi áp dụng theo nguyên tắc của pháp luật.

Trong vụ án hình sự nếu bị cáo có một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nêu trên thì bắt buộc tòa án phải áp dụng để giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Trong trường hợp bị cáo có từ 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự nêu trên thì hội đồng xét xử có quyền áp dụng điều 54 Bộ luật Hình sự để xét xử bị cáo ở mức hình phạt dưới khung hình phạt.

Hiện nay, quy định về tình tiết giảm nhẹ khác tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 chưa được HĐTP TANDTC hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, Tòa án có thể tham khảo quy định tại điểm c mục 5 Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000 để xác định tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ. Ngoài ra, khi xét xử, tuỳ từng trường hợp và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội mà còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.

Mặc dù Bộ luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định tâm thư, đơn thư, văn bản, công văn của các tổ chức cá nhân không liên quan đến vụ án có được coi là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự hay không, tuy nhiên, về nguyên tắc áp dụng pháp luật là những điều pháp luật không cấm công dân có quyền thực hiện. Hiến pháp quy định quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm thái độ ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội nên mọi tổ chức cá nhân đều có quyền bày tỏ quan điểm thái độ của mình đối với hành vi phạm tội của các bị cáo.

Mọi người đều có quyền đưa ra đề nghị với hội đồng xét xử về việc xem xét trách nhiệm hình sự đối với bị cáo ở mức độ như thế nào, còn việc quyết định hay không, ghi nhận hay không, mức độ đến đâu là do tòa án quyết định.

Nếu xét thấy ý kiến, yêu cầu, đề nghị của nhiều tổ chức cá nhân cho thấy mức độ tín nhiệm của bị cáo trong cộng đồng, vai trò và sự đóng góp của bị cáo cũng như sự tin yêu, tin tưởng, giá trị của bị cáo đối với xã hội có thể là yếu tố để hội đồng xét xử cân nhắc có áp dụng là tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2, điều 51 bộ luật hình sự hay không.

Trường hợp tâm thư, đơn thư, văn bản kiến nghị đề nghị khoan hồng, xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự đối với bị cáo không được coi là tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2, điều 51 Bộ luật Hình sự, những đơn thư văn bản này cũng có thể được coi, được đánh giá, là thông tin có ý nghĩa để hội đồng xét xử làm rõ hình ảnh, nhân thân của bị cáo, cũng như vai trò, giá trị của bị cáo đối với xã hội, trên cơ sở đó hội đồng xét xử sẽ quyết định một hình phạt sao cho "thấu tình", đạt lý, phù hợp với các yếu tố quyết định hình phạt.

Trước đó, 71 cán bộ và giáo viên Trường THPT Lê Lợi (phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội) đã viết đơn gửi tới TAND TP Hà Nội mong muốn cơ quan xét xử xem giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Ông Dũng cũng được trường THPT Trần Hưng Đạo, Văn phòng UBND Hà Nội và một số tập thể khác có đơn xin giảm nhẹ mức phạt.

Trong vụ án chuyến bay giải cứu, ông Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch Hà Nội bị xét xử về tội nhận hối lộ. Ông Dũng bị cáo buộc nhận hơn 2 tỷ đồng và bị VKS đề nghị mức án 3 đến 4 năm tù. Ông Dũng và gia đình đã nộp lại hết số tiền nhận hối lộ. 

Theo Hải Ninh (Kienthuc.net.vn)




https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/71-nguoi-viet-tam-thu-ong-chu-xuan-dung-co-duoc-xem-xet-giam-an-1882125.html