Pháp luật

Căn cứ nào để bà Phương Hằng yêu cầu bồi thường 500 tỷ?

Bà Nguyễn Phương Hằng yêu cầu bà Hàn Ni và ông Trần Văn Sỹ bồi thường thiệt hại từ 300 – 500 tỷ đồng, sung công quỹ, nhưng lại không đưa ra được tài liệu chứng minh thiệt hại.

Ngày 12/10, Công an TP HCM cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo, luật sư, 46 tuổi, quê Quảng Ngãi, tạm trú quận 7) và Trần Văn Sỹ (luật sư, 66 tuổi, quê Cần Thơ) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Thông tin đáng chú ý, do bà Hàn Ni và ông Sỹ đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây thiệt hại kinh tế Công ty Đại Nam và gây mất uy tin Quỹ Từ thiện Hằng Hữu rất nặng nề nên bà Nguyễn Phương Hằng yêu cầu bồi thường thiệt hại số tiền 300 - 500 tỷ đồng để sung vào công quỹ của Nhà nước. Dù vậy, đến nay, ông Dũng và bà Hằng chưa cung cấp các tài liệu đề chứng minh thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.

Căn cứ nào để bà Phương Hằng yêu cầu bồi thường 500 tỷ?
Bà Hàn Ni và bà Nguyễn Phương Hằng.

  Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trong các vụ án hình sự, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của bị cáo gây ra. Thiệt hại có thể là thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.

Đương sự có quyền đưa ra yêu cầu mức bồi thường nhưng cũng có nghĩa vụ phải chứng minh bằng các chứng cứ là yêu cầu của mình có căn cứ và hợp pháp.

Đối với thiệt hại về vật chất, phải chứng minh có hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản làm cho tài sản bị mất, bị hư hỏng làm giảm sút giá trị. Phải có chứng cứ để chứng minh đã có thiệt hại về tài sản xảy ra và thiệt hại đó có nguyên nhân trực tiếp từ lỗi của người phạm tội, giữa hành vi phạm tội và hậu quả thiệt hại có mối quan hệ nhân quả với nhau thì mới có căn cứ để yêu cầu bồi thường.

Theo nhận định của luật sư Cường, những thiệt hại về tài sản là những thiệt hại đối với những tài sản bị hủy hoại, bị làm hư hỏng. Đối với những thiệt hại như cơ hội đầu tư, cơ hội kinh doanh, lợi nhuận có thể thu được trong hoạt động kinh doanh thì rất khó có thể chứng minh mức độ thiệt hại là bao nhiêu và đặc biệt là khó chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả.

Nếu không chứng minh được có thiệt hại về tài sản hoặc không chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo đối với hậu quả thiệt hại về tài sản thì tòa án sẽ không chấp nhận.

Đối với thiệt hại do danh dự nhân phẩm uy tín bị xâm phạm, các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, nếu không thỏa thuận được, tòa án sẽ quyết định không quá 10 tháng lương cơ sở. Mức lương cơ sở hiện nay là 1,8 triệu đồng. 10 tháng lương là khoảng 18.000.000 đồng.

Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được quy định theo khoản 1 khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, người có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường (trừ trường hợp Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan quy định khác).

Theo Nghị quyết 69/2022/QH15, từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng.

Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, cụ thể: Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

"Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.".

Điều 9 Nghị quyết 02/2022/NĐ-CP việc xác định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm thực hiện theo quy định tại Điều 592 của Bộ luật Dân sự.

Cụ thể, chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại bao gồm: Chi phí cần thiết cho việc thu hồi, xóa bỏ vật phẩm, ấn phẩm, dữ liệu có nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị thiệt hại; chi phí cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm; tiền tàu, xe đi lại, thuê nhà trọ (nếu có) theo giá trung bình ở địa phương nơi người bị thiệt hại chi trả để yêu cầu cơ quan chức năng xác minh sự việc, cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng; chi phí tổ chức xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại và các chi phí thực tế, cần thiết khác để hạn chế, khắc phục thiệt hại (nếu có).

Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút được xác định như sau: Trước khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, người bị xâm phạm có thu nhập thực tế nhưng do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị xâm phạm phải thực hiện những công việc để hạn chế, khắc phục thiệt hại nên khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó; Việc xác định thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị xâm phạm được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết này.

Theo đó, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được xác định như sau: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút: Trường hợp người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương, tiền công thì được xác định theo mức tiền lương, tiền công trong khoảng thời gian tiền lương, tiền công bị mất hoặc bị giảm sút; Trường hợp người bị thiệt hại có thu nhập không ổn định từ tiền lương, tiền công được xác định căn cứ vào mức tiền lương, tiền công trung bình của 03 tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra.

Trường hợp không xác định được 3 tháng lương liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra thì căn cứ vào thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương trong khoảng thời gian thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

Nếu không xác định được thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương thì thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút được bồi thường là 1 ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú cho 1 ngày bị thiệt hại. Ngày lương tối thiểu vùng được xác định là 1 tháng lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định chia cho 26 ngày.

“Vụ án này người liên quan đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại đặc biệt lớn, cùng với yêu cầu này, phải có những chứng cứ đầy đủ, hợp lệ thì tòa án mới xem xét và rất khó để có căn cứ chấp nhận một số tiền bồi thường lớn như vậy. Việc bồi thường bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào quy định của pháp luật, trên cơ sở các chứng cứ mà đương sự có thể cung cấp, xuất trình trong quá trình giải quyết vụ án”, luật sư Cường nêu ý kiến. 

Theo Hải Ninh (Kienthuc.net.vn)




https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/can-cu-nao-de-ba-phuong-hang-yeu-cau-boi-thuong-500-ty-1910449.html