Pháp luật

Giang hồ Tuấn Em xin một con đường sống

Khi nói lời sau cùng, Tuấn Em khóc trước vành móng ngựa. Sau một lúc qua cơn xúc động, anh ta nói "xin tòa cho một con đường sống vì còn 2 con nhỏ bị bệnh".

Khi nói lời sau cùng, Tuấn Em khóc trước vành móng ngựa. Sau một lúc qua cơn xúc động, anh ta nói "xin tòa cho một con đường sống vì còn 2 con nhỏ bị bệnh".

Sáng 24/3, phiên tòa xét xử Đỗ Thanh Sơn (33 tuổi, còn gọi là Tuấn Em, ngụ Phú Quốc) tiếp tục diễn ra với phần tranh luận, tại Nhà văn hóa tỉnh Kiên Giang.

Đến 10h, sau khi kết thúc phần tranh luận, các bị cáo được nói lời sau cùng. Giang hồ Tuấn Em xin HĐXX xem xét cho anh ta con đường sống vì bản thân còn 2 con nhỏ, bị bệnh. “Bị cáo xin lỗi gia đình hai nạn nhân, nhất là chị Mai. Khi hay tin chị Mai chết bị cáo đau lòng lắm”, Tuấn Em nói trong nước mắt.

Bị cáo Nguyễn Văn Chưởng thì xin lỗi gia đình hai nạn nhân và những người bị tổn hại trong vụ án. Cựu sĩ quan công an này mong muốn HĐXX xem xét hoàn cảnh gia đình, nhân thân, thái độ thành khẩn của mình. “Tôi đang là bệnh nhân thần kinh của Bệnh viện 30/4 của Bộ Công an. Mong HĐXX xem xét giảm nhẹ cho tôi”, ông Chưởng nói.

Trước đó, bào chữa chỉ định cho Tuấn Em, luật sư Lê Văn Chiểu (Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang) nói, đại diện VKSND tỉnh Kiên Giang quy kết thân chủ của ông phạm 4 tội Giết người, Giao cấu với trẻ em, Tàng trữ trái phép chất ma túy và Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng là đúng người, đúng tội. Hành vi của bị cáo là rất nguy hiểm, dùng hung khí có khả năng làm chết nhiều người và cụ thể là chết 2 người, gây mất trật tự trị an tại địa phương.

Tuấn Em tỏ ra lo lắng trong phiên tòa. Ảnh: Việt Tường.


 
"Tuy nhiên, trong vụ án này tôi thấy hành vi phạm tội của bị cáo có những vấn đề cần xem xét, cân nhắc như: VKS đề nghị tội Giết người theo tình tiết giết nhiều người, giết trẻ em. Nếu quy kết Sơn giết trẻ em là chưa có cơ sở vì xét động cơ, mục đích, ý thức chủ quan thì thấy bị cáo không có ý định giết người tình Nguyễn Thị Kim Ngân", luật sư Chiểu nêu quan điểm.

Theo luật sư, Ngân bị thương tích 34% do Sơn gây ra là do nạn nhân tự nguyện chết theo Tuấn Em. Qua lời trình bày của bị cáo và bị hại, luật sư thấy rằng, Ngân không bị Tuấn Em xúi giục, cưỡng ép khi "tự nguyện chết chung".

"Ngân nói, Sơn chết thì cháu không muốn sống, cháu không thể thiếu Sơn. Như vậy, Ngân đã muốn chết chung với bị cáo Sơn nên bị cáo không thể gánh chịu tình tiết Giết trẻ em", luật sư Chiểu nói.

Vấn đề thứ hai mà luật sư đưa ra để tranh luận lại với đại diện VKSND Kiên Giang là nguyên nhân Tuấn Em nổ súng bắn Nguyễn Quốc Bảo (sinh năm 1996, ngụ thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc). Theo luật sư, hành vi của Tuấn Em xuất phát từ mâu thuẫn với Bảo và bị thanh niên này đánh. Vì vậy, vụ án xảy ra có một phần lỗi của nạn nhân.

"Anh Bảo nhiều lần dùng hung khí đánh bị cáo Sơn gây thương tích. Mặc dù Sơn đã báo cho Trưởng công an ấp nhưng sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, không xử lý đến nơi đến chốn của chính quyền địa phương nên hậu quả là mâu thuẫn của bị cáo với nạn nhân cứ kéo dài", luật sư nêu chứng cứ gỡ tội cho Tuấn Em.

Luật sư Lê Văn Chiểu xin HĐXX tuyên Tuấn Em mức án chung thân. Ảnh: Việt Tường.


Luật sư Chiểu cũng dẫn lại lời khai của Tuấn Em là đêm 1/8/2015, thanh niên này chỉ muốn nắm tay anh Bảo để hòa giải nhưng đối phương dùng hung khí làm bị cáo đứt tay. Xuất phát từ lỗi này của Bảo mà Tuấn Em rút súng bắn vào bụng nạn nhân.

"Đây là một trong những tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo nhưng VKS không áp dụng, tôi đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo. Sau khi phạm tội, trong tình trạng hoảng loạn, Sơn dùng biện pháp tiêu cực nhất để kết liễu đời mình, tránh sự phán quyết của pháp luật. Bị cáo chưa chết là ngoài ý muốn của bị cáo. Qua đó, cho thấy bị cáo có sự ăn năn hối lỗi, đã xin lỗi gia đình bị hại một cách chân thành", luật sư trình bày trước HĐXX.

Các tình tiết khác luật sư đưa ra để gã giang hồ được xem xét nhẹ tội là: "Bị cáo bị nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV giai đoạn cuối nên xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo ở mức tù chung thân. Sau khi cáo sau trở về từ cõi chết, Sơn đã ăn năn, có thể cải tạo thành công dân tốt".

Luật sư bào chữa cho Nguyễn Trọng Nghĩa (17 tuổi, bị truy tố tội Giết người) nói, bị cáo chưa thành niên này có ý thức còn non trẻ, thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình. Nghĩa tấn công anh Bảo không nhằm mục đích tước đoạt mạng sống của nạn nhân mà do ý nghĩ chủ quan, nhằm mục đích giải vây cho Sơn.

“Khi Sơn bị Bảo đâm, Sơn kêu 'Nghĩa ơi tiếp anh'. Vì Nghĩa quá tôn trọng Sơn nên chạy đến giải vây chứ không có ý định giết người. Theo tôi, HĐXX tuyên Nghĩa 12 năm tù là phù hợp, đảm bảo sự răn đe và khoan hồng của pháp luật”, luật sư bào chữa cho Nghĩa nêu quan điểm.

Đối với Ông Minh Phụng, bị cáo 42 tuổi này có hai luật sư bào chữa đến từ TP HCM. Trong đó, luật sư Phạm Tấn Thuấn gỡ tội cho Phụng về hành vi Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Theo luật sư Thuấn, Phụng có hành vi như VKSND tỉnh Kiên Giang truy tố, ông chỉ nêu các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Đó là nhân thân của Phụng, sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, cha mất sớm.

“Trong kho tàng dân gian Việt Nam có nói về sự mất cha. 'Con không cha như nhà không nóc’, hoàn cảnh của Phụng giống như thế. Sau khi học hết lớp một, Phụng theo mẹ về Kiên Giang sinh sống, bị cáo mưu sinh từ tuổi chưa thành niên. Do trình độ thấp nên nhận thức pháp luật của bị cáo hạn chế”, luật sư Thuấn nói tại tòa.

Tuấn Em nói lời sau cùng tại tòa. Ảnh: Việt Tường


Đối đáp với các luật sư, kiểm sát viên giữ nguyên quan điểm cáo buộc Tuấn Em sử dụng súng bắn tại quán bar là nơi có đông người. Vì vậy, Tuấn Em bị truy tố theo tình tiết Giết nhiều người là đúng.

“Khi Sơn bị phát hiện trong ngôi nhà hoang, cảnh sát phát loa để kêu bị cáo đầu thú để được khoan hồng. Sơn không chịu mà dùng hóa khí bắn vào người mình để tự tử khi biết có người ôm sau lưng. Lúc đó Ngân mới 14 tuổi, 7 tháng, 3 ngày, Ngân không chết là ngoài ý muốn của bị cáo. Chúng tôi truy tố theo Điểm c, Khoản 1, Điều 93 (Giết trẻ em) là có căn cứ”, đại diện VKSND Kiên Giang phản bác lời bào chữa của luật sư.

Cũng theo Kiểm sát viên Nguyễn Sơn Thành, Tuấn Em nói ra rằng, bị cáo đến bàn khều anh Bảo trong quán bar để giải hòa là không phải. Tuấn Em mang vũ khí nóng trong người, sẵn sàng dùng hung khí tước đoạt mạng sống người khác vì mâu thuẫn nhỏ.

“Khi mâu thuẫn với Bảo, bị cáo muốn giết bị hại nên mua khẩu súng K59. Lúc đi chơi, Sơn đã bắn chỉ thiên hâm dọa anh Bảo. Hâm dọa như thế là đủ yếu tố phạm tội giết người. Bị cáo Sơn đã quyết tâm phạm tội đến cùng, khi anh Bảo chạy ra ngoài, bị cáo còn chạy theo bắn”, ông Thành lập luận.

Theo hồ sơ tố tụng, Nguyễn Văn Chưởng cán bộ hưu trí, từng công tác tại Công an TP HCM. Ông này đến Phú Quốc tháng 7/2015, gặp Ông Minh Phụng mua đất với giá rẻ và tặng đối tác 3 khẩu súng.

Trong thời gian này, Tuấn Em xảy ra mâu thuẫn với Nguyễn Quốc Bảo. Gã giang hồ có ý định sát hại đối phương nên Tuấn Em mua khẩu súng K59 và 7 viên đạn với giá 15 triệu đồng để giết Bảo nhưng bắn không nổ. Sau đó, Tuấn Em được Phụng tặng khẩu rulo nòng dài và 42 viên đạn.

Đêm 1/8/2015, Tuấn Em dùng “hàng nóng” bắn chết Bảo tại quán bar. Một trong hai phát súng làm đạn lạc, khiến chị Thái Thị Thanh Mai (sinh năm 1984) chết tại chỗ. Trên đường bỏ trốn, Tuấn Em báo cho Phụng và những người bạn của mình biết. Tên này cùng các thanh niên trong vụ án tìm cách hỗ trợ Tuấn Em.

Ngày 4/8/2015, Tuấn Em bị cảnh sát bao vây trong ngôi nhà vắng chủ ở xã Dương Tơ. Tên này không còn đường thoát nên đã ôm người tình của mình rồi nổ súng vào ngực nhằm tự tử.

>> Vụ bắn chết 2 người ở Phú Quốc: Đề nghị tử hình Tuấn Em
>> Giang hồ Tuấn Em khóc, xin lỗi gia đình bị hại
>> Nhiều giang hồ xem phiên xử Tuấn Em bắn chết 2 người ở Phú Quốc
>> Ngày 23/3, xét xử vụ giang hồ Phú Quốc bắn chết người
>> Giang hồ Phú Quốc bắn chết 2 người bằng súng của cựu cảnh sát

Theo Việt Tường (Zing.vn)