Pháp luật

Hám lợi 'sập bẫy' sàn tiền ảo

Nhiều sàn ngoại hối trái phép ngang nhiên hoạt động với cam kết lãi suất lên tới hàng trăm phần trăm mỗi năm khiến không ít người nhẹ dạ, cả tin "sập bẫy" để rồi trắng tay, mất hết tiền bạc.

Hám lợi 'sập bẫy' sàn tiền ảo
Văn phòng Công ty TNHH MTV ANT Group (Cầu Giấy, Hà Nội), nơi có gần 100 nhân viên gọi điện hoặc thông qua mạng xã hội để quảng cáo, môi giới, tư vấn người đầu tư tham gia sàn Hitoption.net. Ảnh: TTXVN.

Mới đây, Công an Hải Phòng đã triệt phá sàn giao dịch ngoại hối Hitoption thu hút hàng chục nghìn người tham gia. Các đối tượng khai nhận: Tháng 6/2020, Nguyễn Thế Dương (sinh năm 1996, trú tại tòa nhà Star Tower, phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên ANT Group nhờ Nguyễn Văn Quyền (sinh năm 1983, trú tại Khu đô thị Vinhome Ocean Park, xã Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội) thiết lập sàn giao dịch ngoại hối Hitoption.net, sử dụng chế độ BOT (chơi tự động) đặt lệnh thay cho khách hàng, không chỉ vậy còn can thiệp đặt lệnh để điều khiển khách thắng hoặc thua theo ý muốn của Dương.

Tham gia sàn Hitoption, nhà đầu tư đặt cược theo tỷ giá lên (xanh), xuống (đỏ) của các cặp tiền điện tử trong vòng 30 giây. Nếu đoán đúng được hưởng 95% tiền đặt cược, nếu đoán sai sẽ mất toàn bộ tiền. Nhà đầu tư có thể tự chơi hoặc ủy thác cho robot của sàn cung cấp tự động chơi với lãi suất từ 6 đến 15%/tháng. Trong vòng 100 ngày, người chơi có thể rút gốc và lãi. Nếu giới thiệu người mới tham gia, người chơi sẽ được hưởng 1,5% tiền hoa hồng.

Cơ quan chức năng khẳng định: Thực chất các đối tượng luôn làm chủ hệ thống để điều chỉnh người chơi thắng, thua theo ý muốn nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Tại Hải Phòng, lực lượng chức năng bước đầu lam rõ co hơn 30 người đầu tư với số tiền là 16,1 tỷ đồng trên sàn Hitoption.net theo cách mua chế độ BOT với lợi nhuận cam kết từ 6 đến 15%/tháng. Qua thu thập được tài liệu của sàn Hitoption.net xác định 969 người tham gia, tổng số dư hiện tại của người đầu tư tại thời điểm kiểm tra là hơn 629.000 USD (gần 15 tỷ đồng).

Mở rộng chuyên án, lực lượng chức năng phát hiện các đối tượng này còn quản trị hàng chục sàn giao dịch ngoại hối, sàn BO, tiền ảo, các website có dấu hiệu tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp. Qua trích suất sơ bộ 16 sàn giao dịch điện tử khác do các đối tượng quản trị, xác định có khoảng 115.726 tài khoản trên sàn, tổng số dư hiện tại của các sàn là hơn 7.505 tỷ đồng, tổng số tiền đã rút ra là 611 tỷ đồng.

Trước đó trung tuần tháng 5/2021, Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá thành công ổ nhóm đối tượng điều hành 4 sàn giao dịch vàng, tiền ảo, ngoại tệ trái phép là: Rforex. com, Yaibroker, Vistaforex, Exswiss. Bên cạnh các sàn bị triệt phá, còn có những sàn tự sập, điển hình như vụ sập sàn ngoại hối Fxtradingmarkets (FX Trading Markets Limited).

Không ít nhà đầu tư bị các sàn tiền ảo đa cấp lừa đảo trắng trợn. Anh T.Hiệp (Đại học Tôn Đức Thắng, TP Hồ Chí Minh) cho biết, từng nạp 80 USD vào sàn tiền số Anbibi. Sau hơn một tháng, tài khoản tăng lên 2.680 USD nhưng lại bị đóng băng tài khoản, không thể rút ra.

Hàng trăm người dân đã nộp đơn đến Công an TP Hồ Chí Minh do bị các đối tượng sàn Coolcat lừa đảo. Theo đó, người đầu tư tiền vào sàn Coolcat sẽ dự đoán giá Bitcoin (tiền mã hóa), giá vàng lên hoặc xuống. Nếu đoán thắng thì nhận được 73% tiền thắng, nếu thua 6 lần liên tiếp phải dừng lại, báo về để được bảo hiểm đền 100%.

“Một số nhà đầu tư khác thậm chí còn tiếp tục chuyển sang sàn tiền ảo khác để chơi với kỳ vọng gỡ gạc nhưng lại bị lừa”, chị A.M, một nhà đầu tư sàn tiền ảo Coolcat than thở. Theo các chuyên gia tài chính, hầu hết nhà đầu tư đều không biết rằng, số tiền ảo này không tồn tại mà chỉ có tiền thật mất đi. Các nhà đầu tư thường bị “mờ mắt” bởi số dư ảo trong tài khoản.

“Các sàn ngoại hối trái phép với lời hứa hẹn lãi suất khủng, hàng trăm phần trăm mỗi năm đều là phương thức lừa đảo, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân để chiếm đoạt tài sản, thậm chí còn rất nhiều rủi ro tiềm ẩn đối với nhà đầu tư khi tham gia. Lực lượng chức năng đã liên tục khuyến cáo, người dân tuyệt đối không tham gia, cũng như không lôi kéo người khác chơi và nạp tiền đầu tư mở các gian hàng ảo, dự đoán thị trường tiền ảo, vàng ảo trên các web, ứng dụng kiếm tiền trực tuyến ảo”, chuyên gia ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương khẳng định: “Bất kỳ ứng dụng nào có các biểu hiện như cam kết thắng 100%, đưa ra hàng loạt các ưu đãi hấp dẫn, thậm chí còn cho khách rút tiền ngay lập tức để tạo dựng lòng tin chắc chắn đều là lừa đảo”.

Không tham gia các sàn ngoại hối trái phép

Liên tiếp các sàn giao dịch ảo quy mô hàng ngàn tỷ đồng với thủ đoạn lừa đảo tinh vi bị đánh sập nhưng nạn nhân, những người tham gia giao dịch sẽ không được pháp luật Việt Nam bảo vệ nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật về ngoại hối.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, theo quy định, chỉ tổ chức tín dụng mới được cấp phép kinh doanh ngoại hối tại Việt Nam. Mọi hành vi kinh doanh ngoại tệ trái phép của cá nhân, tổ chức khác đều là vi phạm pháp luật. Đến nay, NHNN cũng chưa cấp phép cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào kinh doanh hình thức sàn giao dịch vàng, ngoại hối.

“Người tham gia đầu tư, giao dịch qua các sàn ngoại hối được quảng cáo đặt máy chủ ở nước ngoài, hoạt động đầu tư giữa người chơi và chủ sàn diễn ra trên không gian mạng, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tham gia. Do đó, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, không tham gia các sàn ngoại trái phép để tránh bị thiệt hại trong trường hợp sập sàn hoặc chủ sàn bỗng dưng biến mất”, ông Nguyễn Hoàng Minh nhấn mạnh.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, những sàn giao dịch ngoại hối như Forex là không đúng quy định và pháp luật không bảo vệ cho những rủi ro đó. “Nhất là những sàn có dấu hiệu lừa đảo với lãi suất cao như vậỵ, cần tham khảo tư vấn thêm từ các chuyên gia, ngân hành thương mại, tổ chức tín dụng để tránh rủi ro”, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Đối với việc quản lý giao dịch hợp pháp đối với các ví điện tử, có nhiều sản phẩm đơn vị cung ứng dịch vụ này và NHNN luôn coi trọng để làm sao có những đơn vị thực hiện trung gian thanh toán một cách an toàn tránh rủi ro cho những người tham gia thanh toán. Về đầu tư tiền ảo, Chính phủ đã có chỉ đạo rõ rằng, sản phẩm ảo được mã hóa, không phải tiền pháp lệnh hay phương tiện thanh toán, pháp luật không cho phép sử dụng, nên việc giao dịch thanh toán tiền ảo tại Việt Nam là không đúng quy định pháp luật.

Theo Minh Phương (Báo Tin Tức)




https://baotintuc.vn/phap-luat/ham-loi-sap-bay-san-tien-ao-20210711101901750.htm