Pháp luật

Hàng loạt bị cáo trong đường dây xăng giả Trịnh Sướng kêu oan

Ngoài kêu oan, một số bị cáo trong đường dây xăng giả Trịnh Sướng còn tố bị cán bộ điều tra ép cung, dụ cung.

Chiều ngày 24/4, sau phần làm thủ tục, phiên xét xử Trịnh Sướng và các đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn.

Trước tòa, bị cáo Nguyễn Thị Thu Hòa (42 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều, Cần Thơ) tiếp tục kêu oan và tố bị cán bộ điều tra ép cung. 

Bị cáo Hòa nói: “Tại CQĐT bị cáo có khai việc bán dung môi cho 291 doanh nghiệp và cá nhân nhưng bị cáo không biết họ bán cho ai, không biết họ làm gì. Tuy nhiên, do bị xét hỏi quá lâu, bị cán bộ đe dọa nếu không nhận tội sẽ khởi tố chồng bị cáo, nên bị cáo có nói muốn bị cáo khai gì thì bị cáo khai đó. Vậy nên cán bộ đã đọc lời khai cho bị cáo ghi”. 

Bị cáo Hòa còn tố bị điều tra viên dọa không cho gặp luật sư và bắt học thuộc bản khai để làm việc với VKS.

Hàng loạt bị cáo trong đường dây xăng giả Trịnh Sướng kêu oan
Bị cáo Trịnh Sướng tại phiên tòa phúc thẩm

Trước đó, bị cáo Hòa đã có đơn kêu oan gửi các cơ quan chức năng để tố cáo thời điểm bị bắt giữ bản thân đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng nhưng lại bị tạm giam tới hơn 5 tháng. Tại phiên sơ thẩm, bị cáo Hòa bị TAND tỉnh Đắk Nông tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù.

Trong khi đó, tại phiên sơ thẩm, bị cáo Hồ Thị Nhẫn (ngụ TP. Gia Nghĩa, Đắk Nông) thừa nhận hành vi phạm tội và bị tuyên phạt 6 năm tù, nhưng bất ngờ tại phiên phúc thẩm bị cáo Nhẫn kêu oan.

Theo lời khai tại tòa, bị cáo mua dung môi về bán lại cho các doanh nghiệp khác để kiếm lời chứ không pha chế, sản xuất xăng giả.

”Tại CQĐT bị cáo không nhận thức được, nghĩ mua bán dung môi là xăng giả nên bị cáo mới nhận tội. Bị cáo oan, bị cáo không phạm tội”, bị cáo Nhẫn trần tình.

Cũng như bị cáo Nhẫn, tại phiên sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Ngọc Quan (53 tuổi, ngụ Cát Lái, TP. Thủ Đức, TP.HCM) thừa nhận hành vi phạm tội như quy kết của VKS. 

Tuy nhiên, trước phiên phúc thẩm diễn ra, bị cáo Quan đã nộp đơn tường trình và tố cáo gửi TAND Cấp cao tại TP.HCM, VKSND Cấp cao tại TP.HCM, về việc mình nhận tội thay cho ông Lê Minh Tâm (ngụ thị trấn Nhà Bè) và ông Nguyễn Hoàng Phúc (Giám đốc Chi nhánh Công ty Tâm Quan tại Vĩnh Long).

Bị cáo Quan khai chỉ đứng tên trên pháp luật của Công ty Thanh Trúc và Công ty Tâm Quan, mọi điều hành hoạt động của hai công ty này là theo chỉ đạo của ông Lê Minh Tâm.

Theo bị cáo Quan, sau khi việc pha trộn xăng giả bị phát giác tại nhà kho ở huyện Bình Chánh, ông Tâm đã nhờ bị cáo đứng ra nhận tội thay và hứa ở ngoài sẽ “chạy án” cho bị cáo.

Ngoài ra, bị cáo Quan cũng tố bị cán bộ điều tra ép cung.

Trước lời khai trên của bị cáo Quan, HĐXX đã mời ông Tâm lên đối chất. Trả lời câu hỏi của HĐXX về lý do tại sao lại nhiều lần gửi tiền thay cho bị cáo Quan, ông Tâm trả lời đó là tiền của Quan nhờ ông đi thanh toán tiền hàng giúp.

Về việc ông Tâm có tư cách gì mà thanh toán giúp bị cáo Quan, có mua bán gì không sao tự nhiên đi chuyển tiền giúp, ông Tâm đã không thể trả lời.

Giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Trịnh Sướng trình bày, trước đây bị cáo có nhiều hoạt động từ thiện, ủng hộ bệnh nhân nghèo, đã tác động gia đình nộp bổ sung 200 triệu đồng.

Theo bị cáo Trịnh Sướng, bản thân đang có một khối u lớn, bệnh tình của bị cáo có hồ sơ của Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong quá trình làm việc với CQĐT, bị cáo đã có thái độ hợp tác và đã có chứng minh 100% xăng bán ra trên thị trường không gây cháy nổ, không làm ảnh hưởng xấu tới thị trường xăng dầu.

Ngoài việc xin giảm án, bị cáo còn xin lại các tài sản bị kê biên không liên quan đến vụ án gồm: 74 thửa đất, 12 xe ô tô, 9 tàu thủy; 3 tài khoản ở ngân hàng bị phong tỏa; 2 cổ phiếu trong tài khoản giao dịch chứng khoán mở tại Công ty CP chứng khoán ngân hàng Sài Gòn Thương Tín và 5 triệu cổ phiếu tại Công ty CP chứng khoán VNDIRECT bị phong tỏa.

Ngày mai (25/4), phiên tòa phúc thẩm tiếp tục phần thẩm vấn.

Theo Thanh Phương (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/hang-loat-bi-cao-trong-duong-day-xang-gia-trinh-suong-keu-oan-2136222.html