Pháp luật

Khởi tố vụ án ngư dân bắt giữ nhiều công an, biên phòng

Nhóm người ghe cào được cho là đã huy động 27 tàu truy đuổi theo đoàn kiểm tra, dùng tuýp sắt đánh người, giật bảng tên, phù hiệu, cướp điện thoại, bắt giữ công an và chiến sĩ biên phòng.

Nhóm người ghe cào được cho là đã huy động 27 tàu truy đuổi theo đoàn kiểm tra, dùng tuýp sắt đánh người, giật bảng tên, phù hiệu, cướp điện thoại, bắt giữ công an và chiến sĩ biên phòng.
 
khoi-to-vu-an-ngu-dan-bat-giu-nhieu-cong-an-bien-phong
 
Ngày 6/7, Công an huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang đã khởi tố vụ án Chống người thi hành công vụ và Bắt giữ người trái pháp luật xảy ra vào khuya 4 hôm trước, trên vùng biển địa phương này. "Chúng tôi đang tập trung làm rõ kẻ chủ mưu thực hiện vụ bắt người trái phép này để tiếp tục khởi tố bị can", lãnh đạo điều tra nói.
 
Theo điều tra, đêm 2/7, Công an huyện An Minh phối hợp Đồn biên phòng Xẻo Nhàu tuần tra, phát hiện 4 ghe cào (tàu đánh hải sản) hoạt động trong phạm vi nhận khoán của người dân, làm hư hỏng một số dụng cụ khai thác thủy sản trên vùng biển xã Vân Khánh Tây. Bị kiểm tra, một ghe bỏ chạy, hai chiếc còn lại không có giấy tờ nên tổ công tác yêu cầu đưa về trạm biên phòng làm việc.
 
Lúc sau, khoảng 27 ghe, tàu khác đuổi theo, bao vây tàu của đoàn kiểm tra. Nhóm người này dùng gạch, đá tấn công. Một số khác nhảy sang tàu tuần tra dùng ống tuýp đánh người, giật biển tên, phù hiệu mang trên quân phục và giữ điện thoại di động, công cụ hỗ trợ của lực lượng làm nhiệm vụ.
 
11 người trong đoàn kiểm tra (2 ngư dân, 5 cán bộ biên phòng, 2 công an, một huyện đội và một dân quân) bị nhóm người này khống chế, bắt giữ. "Chúng tôi bị chia sang từng tàu riêng lẻ rồi được chở về vùng biển thị xã Hà Tiên, cách hiện trường hơn 100 km. Họ giam lỏng chúng tôi giữa biển", một thành viên bị bắt cho biết.
 
Bộ đội biên phòng Kiên Giang huy động lực lượng, phương tiện phối hợp với các ngành chức năng đuổi theo. Đến tối hôm sau, qua tuyên truyền, vận động, nhóm người ghe cào cập bến Trạm biên phòng Pháo Đài giao trả những người bị bắt. Trong đó có 2 ngư dân cho mượn tàu tuần tra và một cán bộ biên phòng bị thương nhẹ trong lúc bị khống chế.
 
"Vụ việc là do người dân tranh chấp ngư trường quá kích động, có tổ chức. Tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xử lý nghiêm minh", ông Mai Anh Nhịn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết.
Trước đó, tối 18/3, trong lúc giải quyết vụ tranh chấp ngư trường, 4 cán bộ biên phòng tỉnh Cà Mau bị các ghe cào của ngư dân chở thẳng về thị xã Hà Tiên, sau đó mới được thả. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải sau đó có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang phối hợp điều tra, xử lý các trường hợp tranh chấp ngư trường. Đồng thời xác minh, làm rõ việc phân lô, bán bến bãi, bảo kê... trên ngư trường tranh chấp.

Theo Cửu Long (VnExpress.net)