Pháp luật

Một số cán bộ công chức lạm quyền khi thực thi công vụ

Vụ khởi tố chủ quán Xin Chào hay bắt tạm giam người “chống cắt tặc”, cho thấy một số công chức lạm quyền khi thực thi công vụ - Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chỉ rõ.

Vụ khởi tố chủ quán Xin Chào hay bắt tạm giam người “chống cắt tặc”, cho thấy một số công chức lạm quyền khi thực thi công vụ - Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chỉ rõ.

Mot so can bo cong chuc lam quyen khi thuc thi cong vu hinh anh 1

Ông Tấn cười tươi sau khi được giải oan. Ảnh: K.T.

Trước đó, Thủ tướng cũng trực tiếp chỉ đạo Chủ tịch UBND TP HCM kiểm tra, làm rõ vụ ông Nguyễn Văn Tấn - chủ quán cà phê Xin Chào, bị công an và VKSND huyện Bình Chánh khởi tố, truy tố về tội Kinh doanh trái phép.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp ngày 29/4 vừa qua, Thủ tướng đã có kết luận, gửi thông điệp tới người dân rằng việc kinh doanh chưa có giấy phép hoặc không phép có thể xem xét ở các hình thức xử lý khác chứ không hình sự hóa những vụ việc như thế.

“Vụ khởi tố chủ quán cà phê Xin Chào là việc chúng ta không mong đợi”, ông Dũng nhấn mạnh. 

Qua các vụ việc trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng có một số cán bộ, công chức đã lạm quyền khi thực thi công vụ, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Các vụ việc trên cũng cho thấy tình trạng một số cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn khi thi hành nhiệm vụ nhưng thoái hóa biến chất, tiêu cực hoặc hạn chế về trình độ, năng lực, xử lý công việc, thiếu trách nhiệm, tùy tiện, vô nguyên tắc - ông Dũng nói và nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, hành chính; kiên quyết xử lý những người vi phạm, không né tránh, không bao che.

Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương… thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm để phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự có thể xảy ra.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu phải tăng cường giáo dục cán bộ, công chức thượng tôn pháp luật, chỉ làm những gì pháp luật cho phép, không ngừng nâng cao chất lượng thực thi công vụ và tinh thần phục vụ.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương... cần rà soát các chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, nhất là những chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân, môi trường đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực thi công vụ, chấp hành pháp luật, chấp hành các quy tắc ứng xử và quy tắc, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Trước đó, các cơ quan truyền thông đưa tin liên tiếp về vụ việc của bà Ngọc.

Theo đó, ngày 26/2, bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc (tạm trú xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) - là chủ đầm tôm tại xã Phước An xây dựng chòi canh tại khu vực đầm thì bị lực lượng bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành (Đồng Nai) đến phá các hạng mục công trình, hủy hoại tài sản và đánh đập. Người này sau đó tố cáo sự việc lên cơ quan công an.

Ngày 14/4, dựa vào tình tiết trong việc bà Ngọc tố cáo nạn khai thác cát từ ngày 5/9/2015, Công an huyện Nhơn Trạch ra quyết định khởi tố người này về hành vi Chống người thi hành công vụ.

Ngày 19/4, bà bị bắt giam. Vụ việc xảy ra từ 8 tháng trước được lật lại để điều tra khiến dư luận hoài nghi về tính chất khách quan trong quá trình tố tụng.

Theo bà Ngọc, ngày 5/9/2015, bà phát hiện ghe hút cát lậu trên sông - gần đầm tôm của mình nên báo chính quyền xã và công an. Lực lượng chức năng sau đó có mặt nhưng đề nghị di chuyển ghe cát khỏi vị trí nên bà Ngọc ôm ống hút cát để giữ lại, yêu cầu công an lập biên bản tại chỗ.

Đến ngày 26/4 vừa qua, do xảy ra sai sót trong quá trình điều tra, khởi tố, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Nhơn Trạch đã đình chỉ vụ án. VKSND huyện Nhơn Trạch sau đó đã tổ chức buổi xin lỗi công khai với người bị khởi tố oan.

Liên quan đến vụ ông Tấn, báo chí đã đưa tin, ngày 8/8/2015, ông này mở quán cà phê Xin Chào trước cổng trụ sở Công an huyện Bình Chánh.

Ngày 13/8/2015, công an huyện tiến hành kiểm tra quán và phát hiện ông Tấn không có chứng nhận đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cùng 3 lỗi khác.

Ngày 10/9/2015, Công an huyện Bình Chánh tiếp tục kiểm tra. Lúc này quán đã có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng vẫn chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, công an còn cho rằng chủ quán vi phạm một số lỗi khác. Vì ông Tấn "tái phạm", Công an huyện Bình Chánh sau đó đã khởi tố vụ án.

Ngày 11/3, VKSND huyện Bình Chánh hoàn tất cáo trạng truy tố chủ quán cà phê này về tội Kinh doanh trái phép.

Ngày 19/4, báo chí bắt đầu vào cuộc đưa tin về vụ án.

Ngày 24/4, VKSND huyện Bình Chánh đã trao quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can với ông Tấn.

Ông Lê Thanh Tòng, Phó viện trưởng VKSND quận 6 (nguyên Viện phó VKSND huyện Bình Chánh) cùng một kiểm sát viên tham gia tố tụng vụ án cũng đã bị đình chỉ công tác.

Theo Việt Đức - Kiều Vui (Zing.vn)