Pháp luật

Thanh niên cầm đầu vụ trả thù nhầm làm 2 người thiệt mạng đã biết trân trọng cuộc sống hơn

Va chạm trong vũ trường nhưng vì bị nhóm thanh niên này đánh làm ê mặt nên Ngô Thanh Nghị, SN 1984, trú tại tổ 2, khu 4, phường Hồng Hà, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, nung nấu ý định trả thù. Huy động gần 20 người mang theo súng hoa cải đi trả thù nhưng nhầm đối tượng khiến 2 thanh niên vô tội chết oan uổng.

Không trực tiếp tham gia vụ ẩu đả nhưng với vai trò kẻ cầm đầu, Nghị bị tuyên án tử hình. Sau 9 năm nằm buồng biệt giam, nam thanh niên này may mắn nhận được sự ân xá của Chủ tịch nước.

Giá đắt của lần nổi máu oai hùng

Chúng tôi gọi đó là “lần nổi máu oai hùng” bởi dáng vẻ bề ngoài của Nghị không hề có chút dữ dằn, hung tợn nào. Gương mặt khá lành, Nghị luôn cúi mặt khi trò chuyện và nhất là kể về việc làm tội lỗi của mình. Cho đến giờ, Nghị cũng không hiểu tại sao lúc đó lại hung hăng đến vậy.

“Có lẽ vì lúc đó tôi nghĩ mình bị họ làm cho “quê” mặt ở chỗ đông người nên ấm ức”, Nghị bộc bạch. Thời điểm trước khi gây án, Nghị đang làm chủ một bãi than nên rất có thể vì muốn làm le với những người làm thuê cho mình, không muốn họ thấy mình bị chèn ép mà có hành động “khác thường” như vậy. Sự khác thường ấy là cho người cầm súng bắn đạn hoa cải đi lùng tìm những kẻ đã gây sự với mình để xử lý.

Theo tài liệu điều tra, vào lúc 2g30 ngày 11-10-2009, một nhóm thanh niên đang ngồi ăn đêm tại cổng chợ Vườn Đào, phường Bãi Cháy, Hạ Long, Quảng Ninh, bất ngờ có gần 20 thanh niên đi xe máy ập đến, dùng súng tự chế bắn xối xả.

Hậu quả, 2 anh Đỗ Thành Chương (SN 1985), trú tại tổ 4, phường Cẩm Thạch, thị xã Cẩm Phả và Nguyễn Minh Dũng (SN 1987), trú tại xã Bình Dương, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh chết ngay tại chỗ. 3 người khác là Phạm Văn Báu (SN 1984), trú tại Niệm Nghĩa, huyện An Dương, TP Hải Phòng; Đỗ Xuân Hoàn (SN 1984) và Nguyễn Việt Anh (SN 1990) đều trú ở Cẩm Thạch, Cẩm Phả bị thương.

Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát 113 - CA tỉnh Quảng Ninh lập tức có mặt, truy đuổi nhóm đối tượng gây án; thu giữ được 2 xe máy, 2 khẩu súng bắn đạn hoa cải.

Qua thu thập tài liệu, bước đầu CQCA xác định, trước thời điểm xảy ra vụ án, lúc 23g ngày 10-10-2009, tại Royal Club - Bãi Cháy, TP Hạ Long, trong khi đến xem ca nhạc, nhóm của Ngô Thanh Nghị và Nguyễn Văn Vịnh (SN 1976), trú ở xã Yên Thọ, huyện Đông Triều đã mâu thuẫn với nhóm của Nguyễn Tiến Minh (tức Minh “bò”, SN 1979), trú ở tổ 9, khu 2, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long.

Nhóm Minh “bò” đã sử dụng vỏ chai bia, rượu hành hung khiến một số đối tượng trong nhóm của Nghị bị thương. Tuy Nguyễn Tiến Minh đã bị bắt về tội cố ý gây thương tích, nhưng Ngô Thanh Nghị vẫn nung nấu ý định trả thù nên đã tập hợp 15 đối tượng ở TP Hạ Long chuẩn bị súng bắn đạn ghém, dao để hành sự.

Sau một hồi tìm kiếm quanh khu du lịch Bãi Cháy, đến quán ăn đêm tại cổng chợ Vườn Đào, phường Bãi Cháy, số đối tượng trên thấy một nhóm gồm 10 thanh niên đang ăn uống, cho rằng họ ở nhóm Minh “bò”, lập tức cả bọn ra tay truy sát...

Mặc dù Nghị không sang Bãi Cháy, không trực tiếp tham gia vào vụ truy sát nhưng khi biết 2 chiếc xe máy bị thu giữ trong cốp xe có giấy tờ tùy thân thì thế nào lực lượng chức năng cũng tìm ra nên đã đưa tiền cho Tùng và Lâm là người tham gia vào việc bắn người để hai người này trốn đi. Nghị cũng lên Hà Nội lẩn trốn nhưng đến ngày 18-11-2009 thì bị các trinh sát Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH - CA tỉnh Quảng Ninh bắt giữ.

Được xác định là đối tượng cầm đầu trong vụ án nên tại phiên tòa sơ thẩm, Ngô Thanh Nghị bị TAND tỉnh Quảng Ninh tuyên phạt mức án cao nhất là tử hình.

Thanh niên cầm đầu vụ trả thù nhầm làm 2 người thiệt mạng đã biết trân trọng cuộc sống hơn
Phạm nhân Ngô Thanh Nghị trong trại giam. Ảnh: Hà My

Cảm giác được tha tội như được tự do

“Các chị không biết cái cảm giác 9 năm sống trong buồng biệt giam của tôi nó như thế nào đâu. Lúc nào cũng chìm đắm trong lo sợ, căng thẳng và mất ngủ. Đến khi nhận quyết định được Chủ tịch nước tha tội chết, đặt bước chân đầu tiên ra khỏi phòng biệt giam, tôi có cảm giác như đấy là bước đi đầu đời của mình, tâm trạng thì bay bổng như được thả tự do”, Nghị tâm sự.

Nam phạm nhân này chia sẻ rất thật rằng, khi đó thừa biết rằng được tha tội chết không có nghĩa là được trở về với gia đình và dù biết rằng những ngày sau này là bản án cải tạo không hẹn ngày về nhưng được hít thở không khí bên ngoài, được ngắm mọi vật xung quanh và quan trọng là không còn phải sống cảnh ngày ngày ngắm 4 bức tường xám xịt nữa là Nghị thấy vui và thấy có hy vọng.

“Tôi biết những ngày sau này của tôi là cải tạo, là lao động và hối cải nhưng dù có phải làm việc nhiều năm nữa thì vẫn còn có cơ hội để trở về. Được sống là vui rồi nên tôi sẽ cố gắng cải tạo”, Nghị chia sẻ.

Nam thanh niên này cho biết, thời gian sống trong buồng biệt giam đã suy nghĩ rất nhiều và điều anh ta ân hận nhất chính là gây đau khổ cho người thân, khiến người cha vì đau lòng mà trước lúc từ giã cõi đời vẫn còn trăn trở về đứa con trai lớn là Nghị.

Nhắc đến bố mẹ, Nghị bảo, bố mẹ anh ta đều là những người lao động tự do, mà nuôi được cả 4 anh chị em Nghị sống ở mảnh đất TP vẫn học hành đến nơi đến chốn là một sự cố gắng lắm rồi. Là con trai cả nên anh ta ý thức được trách nhiệm của mình nên sau khi học xong đã ra ngoài kiếm việc làm để phụ giúp cha mẹ. “Bố tôi mất năm 2016, lúc đó tôi vẫn đang trong buồng biệt giam, chưa được Chủ tịch nước ân xá. Giá mà ông biết tôi được tha tội chết thì mừng lắm”, Nghị tâm sự.

Im lặng một lúc, nam phạm nhân này kể rằng, mới được gặp mẹ, thấy bà béo khỏe nên rất mừng. Nghị bảo khi biết các em đều đã ổn định gia đình và có việc làm thì không còn lo lắng nữa. Việc của anh ta bây giờ là yên tâm cải tạo và làm thật tốt công việc được giao. “Tôi làm ở đội dệt chiếu cói, công việc tỉ mẩn nhưng nhẹ nhàng. Cứ 2 ngày là tôi dệt xong một cái chiếu”, Nghị kể.

Trước khi chia tay chúng tôi, nam phạm nhân này nhắn nhủ: “Tôi chưa có dự định gì cho ngày về cả vì thời gian ở đây còn dài. Chỉ mong cô bạn gái sớm yên bề gia thất và không phải lo lắng hay suy nghĩ gì cho tôi cả. Ở trong này tôi vẫn khỏe và luôn đặt mục tiêu làm việc tốt để sớm có cơ hội trở về”.

Thường thì những người sau một lần chết hụt đều biết trân trọng cuộc sống và có cái nhìn thân ái hơn với người xung quanh. Hy vọng rằng nam thanh niên này cũng như vậy, để có cơ hội trở về trả nghĩa cuộc đời.

Theo Nguyễn Vũ - Hà My (Pháp Luật & Xã Hội)




https://phapluatxahoi.vn/thanh-nien-cam-dau-vu-tra-thu-nham-lam-2-nguoi-thiet-mang-da-biet-tran-trong-cuoc-song-hon-221480.html