Pháp luật

Vì sao không công khai kết quả giám định ADN vụ 'Tịnh thất Bồng Lai'?

Việc giữ bí mật thông tin đời tư cá nhân, bí mật về kết quả giám định ADN đối với những đứa trẻ “Tịnh thất Bồng Lai” là cần thiết, phù hợp với pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Nếu kết quả giám định ADN những người sinh sống tại Tịnh thất Bồng Lai có quan hệ huyết thống, việc khởi tố thêm 2 tội danh là tội "loạn luân" và "tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" có căn cứ.

Mới đây, Công an tỉnh Long An cho biết đã có kết luận giám định ADN 28 người tại Tịnh thất Bồng Lai (xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Kết quả giám định này có thể để cơ quan an ninh điều tra xem xét việc khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội loạn luân.

Cơ quan an ninh điều tra đã thông báo kết quả giám định ADN này đến những người liên quan. Tuy nhiên, vì để bảo đảm tôn trọng quyền con người và liên quan đến cuộc sống của nhiều trẻ em, thông tin này không cung cấp rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Vì sao không công khai kết quả giám định ADN vụ 'Tịnh thất Bồng Lai'?
 Ông Lê Tùng Vân trong một phiên tòa xét xử. (Ảnh: Báo Long An)

Trước đó, công an nhận tố giác về việc nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai do bị cáo Lê Tùng Vân (90 tuổi) cầm đầu phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Loạn luân. Theo đơn tố cáo ông Lê Tùng Vân và những cá nhân sinh sống ở hộ bà Cao Thị Cúc có hành vi giả sư, giả trẻ mồ côi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các mạnh thường quân.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, nếu kết quả giám định ADN cho thấy những người sinh sống tại Tịnh thất Bồng Lai có mối quan hệ huyết thống với nhau, việc khởi tố thêm hai tội danh là tội "loạn luân" và "tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là có căn cứ.

Theo luật sư Cường, trước đó, nhiều tổ chức, cá nhân đã lên tiếng về dấu hiệu loạn luân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhóm đối tượng liên quan Tịnh thất Bồng Lai. Tuy nhiên, do chưa đầy đủ cơ sở pháp lý, chứng cứ chưa đủ vững chắc nên cơ quan an ninh điều tra, Công an tỉnh Long An chưa khởi tố vụ án hình sự liên quan các tội danh này.

Đến nay đã có kết quả giám định ADN những người sinh sống tại đây. Nếu kết quả giám định cho thấy họ có mối quan hệ huyết thống, những đứa trẻ không phải mồ côi mà là con của những người sinh sống ở đây, đồng nghĩa với dấu hiệu lừa dối để nhận tiền từ các nhà hảo tâm nhằm chiếm đoạt tài sản. Do đó, rất có thể kết quả giám định ADN sẽ là căn cứ để Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An xem xét khởi tố một số đối tượng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trường hợp kết quả giám định ADN cho thấy đã có hành vi quan hệ tình dục giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ (quan hệ huyết thống trực hệ ba đời) dẫn đến sinh con, cơ quan điều tra khởi tố về tội loạn luân là có căn cứ. Hành vi loạn luân là hành vi nghiêm vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội đồng thời là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi này xâm phạm đến chế độ hôn nhân và gia đình được pháp luật ghi nhận, làm ảnh hưởng tới các giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tục cũng như đem lại những hệ lụy về giống nòi.

Nêu ý kiến về việc cơ quan điều tra chưa công bố cụ thể kết quả giám định ADN đối với từng người, luật sư Cường cho rằng, việc này là để bảo vệ bí mật đời tư cá nhân của công dân, đặc biệt là những đứa trẻ sống ở ngôi nhà này.

“Vụ án này có thể ảnh hưởng lâu dài đến đời sống tâm lý của những đứa trẻ sống ở trong ngôi nhà này, nếu công khai quá chi tiết thông tin đời tư cá nhân của những đứa trẻ có thể ảnh hưởng đến tương lai, hạnh phúc của các em. Do đó, việc giữ bí mật thông tin đời tư cá nhân trong đó có bí mật về kết quả giám định ADN đối với những đứa trẻ này là cần thiết, phù hợp với pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế”, luật sư Cường nêu ý kiến và cho biết thêm, vấn đề bảo vệ quyền tự do cá nhân, bí mật đời tư cá nhân được pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế ghi nhận rất đầy đủ.

Luật sư Cường cho rằng, kết quả giám định ADN là chứng cứ khoa học rất quan trọng để chứng minh mối quan hệ huyết thống của những người có liên quan. Kết quả giám định ADN làm căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội loạn luân.

Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ thận trọng trong việc cung cấp các thông tin cho báo chí cũng như công khai các thông tin trước công luận liên quan đến mối quan hệ huyết thống này.

“Với thông tin về việc bị can nào sẽ bị khởi tố, bị xử lý với mức hình phạt bao nhiêu chắc chắn là sẽ công khai. Còn nếu có những đứa trẻ là nạn nhân của các mối quan hệ bất chính đó, cơ quan tố tụng sẽ giữ bí mật đời tư cho các em để đảm bảo quyền trẻ em, quyền công dân, quyền được giữ bí mật đời tư để không ảnh hưởng đến tương lai hạnh phúc của các em”, luật sư Cường cho biết.

Ông Cường nói rằng, trong vụ án này, có rất nhiều đứa trẻ tài năng, rất đáng thương, chúng là nạn nhân của những hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng nơi đây. Bởi vậy ngoài việc xử lý nghiêm minh đối với các đối tượng vi phạm, cơ quan chức năng cũng sẽ căn cứ vào các quy định pháp luật, cơ chế chính sách để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất đảm bảo ổn định đời sống nuôi dưỡng, hỗ trợ để các em phát triển.

“Những đứa trẻ này hoàn toàn không có tội và cần được đối xử bình đẳng, tránh việc kỳ thị của xã hội, cần có sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể để các em có cơ hội học tập, lao động, phát triển bản thân. Nếu cha mẹ của các em không đủ điều kiện nuôi dưỡng do hoàn cảnh kinh tế, vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật thì các cơ sở bảo trợ xã hội có thể đón các em về chăm sóc, nuôi dưỡng, tạo điều kiện tốt nhất cho các em để có thể phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần và điều kiện học tập”, luật sư Cường đề nghị.

Theo Tâm Đức (Kienthuc.net.vn)




https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/vi-sao-khong-cong-khai-ket-qua-giam-dinh-adn-vu-tinh-that-bong-lai-1767498.html