Pháp luật

Vụ giết, phi tang xác trên đèo: Chủ hiệu cầm đồ có bị xử lý hình sự?

Các đối tượng mang xe ô tô của nạn nhân đến cầm cố tại hiệu cầm đồ trên lấy 20 triệu đồng chia nhau tiêu xài. Liên quan đến tình tiết này, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về việc chủ hiệu cầm đồ nhận cầm cố chiếc ô tô tang vật có bị xử lý hình sự hay không?

Như Dân Việt đã đưa tin: Ngày 15.9, Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, đơn vị đã bắt giữ nghi phạm Bùi Văn An (SN 1997, ở xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình). Đây là nghi phạm thứ 2 liên quan đến vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở khu vực suối Nhuối đèo Thung Khe (xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu, Hòa Bình). Nạn nhân là anh Bùi Văn Nam (36 tuổi, trú tại xóm Yên Kim, xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình).

Trước đó, cơ quan công an đã bắt giữ nghi phạm Bùi Văn Hiền (SN 1999, cùng trú tại địa bàn) vụ giết người, cướp xe ô tô trên.

Theo Zing: Một cán bộ điều tra cho biết, Bùi Văn An bị hàng chục cảnh sát vây bắt vào sáng cùng ngày khi đang trốn trên quả đồi gần nhà.

Vụ giết, phi tang xác trên đèo: Chủ hiệu cầm đồ có bị xử lý hình sự?
Nghi phạm Bùi Văn An tại cơ quan công an. Nguồn: Lao Động

Manh mối phá án từ chiếc ô tô cầm cố

Trước đó, theo Báo Công an TP.HCM: Ngày 6.9, Công an huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình nhận được đơn trình báo của bà Bùi Thị Hương (70 tuổi, trú xóm Yên Kim, huyện Lạc Sơn) về việc con trai bà là Bùi Văn Nam - lái xe ô tô du lịch, sau nhiều ngày chở khách thuê không thấy về nhà và không liên lạc được.

Cũng theo bà Hương, anh Nam điều khiển xe ô tô loại 4 chỗ, BKS: 29A - 622.99 chở khách từ ngày 4.9, sau không quay về và gia đình không thể liên lạc được.

Nhận được thông tin, các đơn vị nghiệp vụ Công an Hòa Bình, Công an các huyện Lạc Sơn, Mai Châu đã nhanh chóng vào cuộc xác minh và nhận định đây là vụ việc bí ẩn.

Đến ngày 11.9, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát đã phát hiện hiện chiếc xe ô tô của anh Nam được cầm cố tại hiệu cầm đồ ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Qua điều tra, công an xác định, ghế trước của lái xe có dấu hiệu bị hư hỏng, xô lệch.

Từ đây, công an làm rõ 2 đối tượng cầm cố ô tô trên là Bùi Văn Hiền và Bùi Văn An.

Sau khi xác định được đối tượng cầm đồ, Công an nhanh chóng áp giải Bùi Văn Hiền về trụ sở Công an huyện Lạc Sơn.

Vụ giết, phi tang xác trên đèo: Chủ hiệu cầm đồ có bị xử lý hình sự? - 1
Chiếc xe ô tô của nạn nhân được công an thu hồi sau khi nghi phạm mang đi cầm cố. Nguồn: SaoStar

Chủ hiệu cầm đồ có bị xử lý hình sự?

Theo Người Đưa Tin: Các đối tượng mang xe ô tô của nạn nhân đến cầm cố tại hiệu cầm đồ trên lấy 20 triệu đồng chia nhau tiêu xài. Liên quan đến tình tiết này, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về việc chủ hiệu cầm đồ nhận cầm cố chiếc ô tô tang vật có bị xử lý hình sự hay không?

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật gia Ánh Dương (Hà Nội) cho biết: “Điều 323, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Ngoài ra, theo Thông tư liên tịch 09/2011/TTLT- BCA- BQP- BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC cũng quy định: Tiêu thụ tài sản là một trong các hành vi gồm mua, bán, thuê, cho thuê, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký gửi, cho, tặng, nhận tài sản hoặc giúp cho việc thực hiện các hành vi đó.

Về mặt chủ quan của tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội phải biết rõ tài sản mà mình chứa chấp hoặc tiêu thụ là tài sản do phạm tội mà có nhưng không có hứa hẹn, bàn bạc hoặc thỏa thuận trước với người có tài sản do phạm tội mà có”.

Luật gia Ánh Dương phân tích: “Như vậy, theo quy định của pháp luật, nếu có đủ căn cứ xác định chủ hiệu cầm đồ biết rõ chiếc xe ô tô là tài sản do phạm tội mà có nhưng vẫn cố tình nhận cầm cố thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Ngược lại, nếu chủ hiệu cầm đồ không hề biết chiếc ô tô mà mình đang nhận cầm cố là tài sản do người khác cướp được thì sẽ không thỏa mãn dấu hiệu của tội trên và sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Vụ giết, phi tang xác trên đèo: Chủ hiệu cầm đồ có bị xử lý hình sự? - 2
Khu vực đèo Thung Khe, nơi Hiền và An (ảnh nhỏ) đã giấu xác nạn nhân Nam sau khi giết anh này. Nguồn: Kiến Thức

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cũng cho rằng: “Trong trường hợp, tuy chủ hiệu cầm đồ không biết rõ tài sản do phạm tội mà có nhưng khi nhận cầm cố tài sản ô tô mà chưa đúng quy định về cầm cố tài sản thì sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm e, khoản 2, Điều 11, Nghị định 167/2013/NĐ-CP về hành vi “cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác mà không có giấy ủy quyền hợp lệ của người đó cho người mang tài sản đi cầm cố”. Mức hình phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng”.

Điều 323, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có:

1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 10 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo DV (Dân Việt)