Sao 360°

Diễn viên Nguyễn Hoàng phải cắt một phần sọ để giảm nguy cơ thoát vị não

Các bác sĩ Bệnh viện nhân dân 115 chiều 3/11 đã phẫu thuật cắt bớt một phần sọ của diễn viên Nguyễn Hoàng nhằm giảm nguy cơ thoát vị não, hạn chế khả năng tử vong.

Các bác sĩ Bệnh viện nhân dân 115 chiều 3/11 đã phẫu thuật cắt bớt một phần sọ của diễn viên Nguyễn Hoàng nhằm giảm nguy cơ thoát vị não, hạn chế khả năng tử vong.

Hiện chưa thể tiên lượng được khả năng hồi phục của bệnh nhân. Thông thường những tình huống đột quỵ tương tự, khá nhiều bệnh nhân phục hồi rất tốt, đi lại được với sự trợ giúp bằng gậy, tay không thể cầm nắm nhưng có thể đưa lên đưa xuống. Chức năng ngôn ngữ, nhận thức có thể giảm, hoặc vẫn nhận biết nhưng khả năng diễn đạt và hiểu thấp. Một số trường hợp về lâu dài bệnh nhân có thể liệt nửa người và mức độ phục hồi tùy thuộc vào vùng tổn thương gây đột quỵ.

"Với trường hợp bệnh nhân Hoàng, sau mổ phải theo dõi khoảng 1-3 tháng thì mới đánh giá được chính xác tiên lượng hồi phục", tiến sĩ Thắng cho biết.

Diễn viên Nguyễn Hoàng và đang điều trị tại bệnh viện (ảnh nhỏ).

 
Tiến sĩ Thắng cho biết đột quỵ gồm hai dạng là nhồi máu não và xuất huyết não. Nhồi máu não phổ biến hơn, chiếm khoảng 80% các trường hợp đột quỵ. Xuất huyết não tỷ lệ 20% nhưng biến chứng nặng hơn, số tử vong cao hơn.

Theo tiến sĩ Thắng, xuất huyết não có tỷ lệ tử vong lên đến 40%, tiên lượng phụ thuộc chủ yếu vào kích thước khối máu tụ. Kích thước càng lớn thì nguy cơ tử vong và tàn phế càng cao. Hiện nay y học chưa tìm ra được phương pháp hữu hiệu để ngăn chặn tiến trình chảy máu. Thông thường việc điều trị chỉ là nhằm giúp kích thước khối máu không tăng thêm và làm giảm các biến chứng.

“Phẫu thuật đối với các trường hợp xuất huyết não là nhằm cắt bớt một phần sọ và lấy bớt một phần khối máu tụ nếu có thể. Điều này giúp giảm nguy cơ thoát vị não, gây ức chế các trung tâm thần kinh, hô hấp dẫn đến ngưng tim, ngưng thở”, bác sĩ Thắng chia sẻ. Việc phẫu thuật giúp bệnh nhân giảm được nguy cơ tử vong, nhưng không thể làm thay đổi tình trạng tàn phế.

Với xuất huyết não, ngoài khoảng 40% trường hợp tử vong thì 30% bệnh nhân có thể hồi phục, đi lại được và 30% bệnh nhân tàn phế vĩnh viễn. Tàn phế ở đây gồm 2 mức độ là bệnh nhân có thể tự sinh hoạt cá nhân nhưng không thể quay lại công việc ban đầu; còn tàn phế nặng là bệnh nhân phải nằm một chỗ trên giường, không thể tự chăm sóc bản thân.

Với đột quỵ loại nhồi máu não, tỷ lệ tử vong chỉ khoảng 15-20% và có thể chữa khỏi được nếu bệnh nhân đến viện sớm. 3 tiếng đồng hồ đầu tiên sau đột quỵ được xem là thời điểm vàng, khả năng hồi phục rất cao. Khi xuất hiện các triệu chứng đột quỵ cần đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Việc áp dụng các phương pháp truyền miệng, dân gian sẽ làm chậm trễ thời gian vàng cho điều trị.

Dấu hiệu quan trọng và thường gặp của đột quỵ là yếu hoặc liệt nửa người cùng một bên cơ thể, xuất hiện hết sức đột ngột. Ngoài ra còn có các triệu chứng méo miệng, đột ngột nói không được hoặc khó nói, giọng nói thay đổi… Những người có nguy cơ cao bị đột quỵ là người tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim, tăng cholesterol, béo phì, lớn tuổi, người hút thuốc lá, uống rượu, lạm dụng chất gây nghiện…

Bác sĩ Thắng khuyến cáo, đột quỵ có thể phòng ngừa bằng cách kiểm soát và điều trị tích cực những bệnh lý được xem là nguy cơ chính. Bên cạnh đó tăng cường các hoạt động thể dục phù hợp, thay đổi lối sống lành mạnh, hạn chế căng thẳng, ngưng hút thuốc lá, hạn chế uống rượu, kiểm tra sức khỏe định kỳ…
 
>> Diễn viên Nguyễn Hoàng đứng trước nguy cơ bị liệt nửa người sau phẫu thuật
>> Vợ diễn viên Nguyễn Hoàng: "Để anh hết bệnh có bán nhà tôi cũng chịu"
>> "Nếu không phẫu thuật, Nguyễn Hoàng chỉ sống được 15 ngày"
>> Diễn viên Nguyễn Hoàng bị tai biến, đang giành giật sự sống từng giây
 
Theo Lê Phương (VnExpress.net)