Thế giới

Ai là người đứng sau nhóm phiến quân Maute?

Maute, nhóm phiến quân khủng bố có liên hệ với IS, đã chiếm thành phố Marawi của Philippines khiến Tổng thống Rodrigo Duterte phải ban bố thiết quân luật trên toàn đảo Mindanao.

Maute, nhóm phiến quân khủng bố có liên hệ với IS, đã chiếm thành phố Marawi của Philippines khiến Tổng thống Rodrigo Duterte phải ban bố thiết quân luật trên toàn đảo Mindanao.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên bố thiết quân luật trên toàn bộ đảo Mindanao vào ngày 23.5 sau đụng độ giữa lực lượng quân chính phủ và thành viên của nhóm phiến quân khủng bố Maute ở thành phố Marawi.

Phiến quân Maute là ai?

Nhóm phiến quân Maute tự gọi là Daulah Islamiyah, do Abdullah Maute anh cả của nhóm anh em Maute đứng đầu. Theo Hiệp hội Phân tích và Nghiên cứu khủng bố, anh em Maute “đi lên từ các nhóm tội phạm nhỏ trở thành nhóm chiến binh có trang bị vũ khí đầy đủ để hoạt động khi chúng lập ra nhóm khủng bố Kalifa Islamiah Mindanao năm 2012”.

Theo các nguồn tin quân sự, cha của Abdullah là Cayamora Maute - một thành viên cấp cao của Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF), hiện đang tham gia đàm phán hòa bình với chính phủ Philippines. Các con của Cayamora Maute đã chỉ trích lãnh đạo MILF và chuyển sang cam kết trung thành với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), có treo cờ và biểu tượng của IS.

Nhóm phiến quân khủng bố Maute, có căn cứ đầu não tại tỉnh Lanao del Sur, đã thực hiện một số vụ đánh bom, bắt cóc và tăng cường hoạt động trong vài tháng gần đây. 

Cuộc đụng độ ở Marawi bắt đầu sau khi quân đội Philippines tiến hành đột kích vào ngày 23.5 ở Basak Malutlt chống lại “các mục tiêu có giá trị cao” thuộc nhóm phiến quân Abu Sayyaf và Maute. Cuộc đụng độ giữa hai bên xảy căng thẳng hơn vào ban đêm gây nên tình trạng cháy nổ, mất điện và được cư dân địa phương đăng tải trên mạng xã hội.

Nhóm phiến quân Maute liên hệ với IS như thế nào?

Theo báo cáo vào tháng 11.2016, một nhóm tư vấn có trụ sở ở Jakarta đã cánh báo về “các hoạt động cực đoan xuyên biên giới”, sau khi theo dấu vết các liên kết trực tiếp giữa 4 nhóm khủng bố tại Philippines, trong đó có nhóm Maute và các chiến binh ủng hộ IS ở Indonesia và Malaysia.

Theo báo cáo, một trong những lãnh đạo của nhóm này, Omar Maute, đã kết hôn với một người Indonesia khi theo học ở Ai Cập.

“Gia đình Omar Mauter có mối quan hệ với Bekasi, thông thạo tiếng Indonesia và những kiến thức truyền thông xã hội có thể cho anh ta một mạng lưới quốc tế rộng hơn những gì chính phủ Philippines nghi ngờ”, báo cáo cho biết thêm.

Tháng 11.2016, Tổng thống Rodrigo Duterte đã xác nhận mối quan hệ của nhóm phiến quân Maute với IS. Ông Rodrigo Duterte cho biết, cơ quan tình báo đã cho ông biết rằng IS “đã lên kết vô cùng thân thiết với nhóm Maute của Philippines”.

Tuy nhiên, quân đội nước này vẫn khẳng định, các nhóm khủng bố trong nước không thiết lập liên kết trực tiếp và chỉ tìm kiếm sự chú ý để tranh thủ sự ủng hộ của IS.

Những vụ tấn công khủng bố do Maute thực hiện?

Nhóm phiến quân Maute hoạt động từ năm ngoái. Các thành viên của nhóm phiến quân này đã gây ra nhiều vụ tấn công khủng bố ở tỉnh Lanao del Sur.

Tháng 1 đến tháng 3.2016, nhóm Maute thành lập 3 căn cứ ở Lanao del Sur và sơ tán gần 30 nghìn người. Trong thời gian này, nhóm đã tấn công một trại quân đội và chặt đầu một người lính. Quân đội Philippines sau 10 ngày đã giành lại quyền kiểm soát doanh trại.

Tháng 4.2016, những bức ảnh công bố trên Facebook cho thấy nhóm đã chặt đầu 2 trong số 6 công nhân xưởng cưa bị bắt cóc ở Butig. Hai công nhân, mặc đồ màu da cam tương tự như những video hành quyết của IS công bố, bị giết vì bị cáo buộc cung cấp thông tin quân sự.

Tháng 8.2016, 50 người đã giải thoát cho 8 thành viên của Maute và 20 người khác từ nhà tù Lanao del Sur. Một tổ chức tuyên truyền của IS sau đó tuyên bố nhóm khủng bố nước ngoài đứng sau vụ đột kích.

Tháng 10.2016, 3 thành viên của nhóm phiến quân Maute đã bị bắt vì cáo buộc ném bom chợ đêm ở thành phố Davao.

Tháng 11.2016, các thành viên của nhóm phiến quân Maute đã chiếm văn phòng Tòa thị chính Butig và treo cờ đen của IS. Vài tuần sau đó, quân đội chính phủ mới giành lại quyền kiểm soát.

Liệu nhóm phiến quân Maute có vươn tới Manila?

Tháng 11.2016, một thiết bị nổ đã được tìm thấy gần Đại sứ quán Mỹ ở Manila. Hai kẻ tình nghi có liên quan đến nhóm phiến quân Maute đã bị bắt giữ.

Theo báo cáo của Interpol, “vụ đánh bom liều chết ở khu vực thủ đô Manila nhằm thu hút sự chú ý của giới chức và giảm áp lực lên nhóm Maute từ phía lực lượng quân sự ở Butig, Lanao del Sur.

Tháng 3 năm nay, Cảnh sát nhà nước Philipines cho biết, nhóm phiến quân Maute đã có mặt ở Metro Manila. Tuy nhiên, lực lượng vũ trang Philippines sau đó lại tuyên bố không có thành viên phiến quân Maute ở khu vực thủ đô.

Theo Hà Liên (Lao Động)