Thế giới

Đâu là nơi an toàn nhất cho những kẻ trộm mộ khi đi đánh cắp báu vật trong các lăng tẩm

Câu trả lời là gần như không có, bởi ở những nơi được cho là có nhiều vàng bạc châu báu của các vị Pharaoh hay đến các hoàng đế Trung Quốc. Chỉ có may mắn và sự đánh đổi mới có thể giúp một vài người sống sót thoát được những ngôi mộ cổ đầy cạm bẫy này.

Những lăng mộ của vua chúa hay quốc vương thời xưa thường táng theo rất nhiều vàng bạc châu báu cho nên nó là mục tiêu của những kẻ trộm mộ cũng như nhiều nhà thám hiểm. Để chống lại việc xâm nhập của hậu thế, trong hầm mộ, người xưa cũng đã bố trí rất nhiều cơ quan hiểm độc và thậm chí có những kẻ dù đã thoát ra ngoài nhưng vẫn không thể thoát được bàn tay của tử thần sau đó.

Bí ẩn những cạm bẫy chết người khiến lăng mộ Tần Thủy Hoàng bất khả xâm phạm

Đâu là nơi an toàn nhất cho những kẻ trộm mộ khi đi đánh cắp báu vật trong các lăng tẩm
Lăng mộ Tần Thủy Hoàng được xây dựng từ năm 246 trước Công nguyên và mất gần 40 năm để hoàn thành (Ảnh đồ họa: Vision Times).

Tần Thủy Hoàng là vị hoàng đế sáng lập ra nhà Tần, triều đại thống nhất đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Để chuẩn bị trước cho cuộc sống ở bên kia thế giới, hoàng đế nhà Tần đã bắt đầu cho xây dựng lăng mộ vào năm 246 trước Công nguyên. Sau 38 năm xây dựng với hơn 700.000 công nhân và thợ thủ công lành nghề, khu lăng mộ này mới được hoàn thành.

Các nhà khảo cổ Trung Quốc đã phát hiện lăng mộ Tần Thủy Hoàng vào mùa xuân năm 1974 sau khi một số nông dân đang đào giếng gần Tây An phát hiện hàng loạt tượng binh sĩ làm bằng đất nung với kích thước tương đương người thật. Tuy nhiên, đến nay, khu lăng mộ này vẫn là một nơi được coi là "bất khả xâm phạm" vì nhiều lý do bao gồm cả về khoa học và yếu tố tâm linh. Các nhà khảo cổ học cho rằng cuộc khai quật có thể làm hỏng ngôi mộ, đồng thời làm mất đi thông tin lịch sử quan trọng.

Việc mở ngôi mộ cũng có thể dẫn đến nhiều nguy hiểm chết người và tức thì. Trong một tài liệu được viết khoảng 100 năm sau cái chết của Tần Thủy Hoàng, nhà sử học Trung Quốc cổ đại Tư Mã Thiên giải thích rằng ngôi mộ cài rất nhiều bẫy để giết bất kỳ kẻ xâm nhập nào.

Trong cuốn “Hán Sử” cũng có mô tả tương tự về hệ thống bảo vệ lăng mộ. Trong nhiều năm, không có bằng chứng cho việc lăng mộ của Tần Thủy Hoàng từng bị đào xới. Người ta cho rằng tuyến phòng thủ đầu tiên trong lăng mộ là dùng cát tạo thành một "biển cát" ở xung quanh, khiến những kẻ trộm mộ không thể xâm nhập bằng cách đào hố.

Cát lún là một trong những phương thức sớm nhất mà người xưa dùng để đề phòng trộm cắp. Tương truyền, để duy trì độ lún và dòng chảy của cát, những người thợ thủ công cổ đại đã phải nung những loại cát này ở nhiệt độ cực lớn để bất cứ lúc nào chúng cũng có thể dễ dàng lún xuống. Một khi đã rơi vào bẫy cát, nơi này có thể trở thành mồ chôn chính những kẻ trộm mộ.

Thậm chí, ngay cả khi vượt qua phòng tuyến thứ nhất, kẻ trộm mộ cũng không chắc mình có thể sống sót không khi tiến sâu vào bên trong. Ghi chép cổ đại cho biết, có rất nhiều cửa, các lối đi, đều ẩn giấu những chiếc nỏ. Một khi chạm vào, nỏ sẽ tự động bắn hạ kẻ xâm nhập.

Đâu là nơi an toàn nhất cho những kẻ trộm mộ khi đi đánh cắp báu vật trong các lăng tẩm - 1
Trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng được cho là có các dòng sông thủy ngân (Ảnh minh họa: Info News).

Các đơn vị được giao bảo tồn, nghiên cứu lăng mộ Tần Thủy Hoàng và hiện vật ghi nhận rằng bên trong phần trung tâm lăng chưa khai phá hoàn toàn có thể có những mũi tên sẽ bắn xa được 800 bước chân với lực tương đương 700kg phóng thẳng vào những ai tiến vào. Ngoài ra, mộ của hoàng đế Tần Thủy Hoàng được bao bọc bởi một dòng sông thủy ngân. Cách đây khoảng 20 năm, một nhóm các nhà khảo cổ học người Mỹ từng đến khảo sát khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng.

Sử dụng công nghệ tiên tiến để đo đạc lăng mộ ngầm dưới đất, các nhà khảo cổ phát hiện lớp đất phía trên tồn tại hàm lượng thủy ngân cao hơn nhiều so với mức bình thường. Lượng thủy ngân trong lăng mộ ước tính cao gấp 280 lần bình thường. Điều này khá trùng hợp với những ghi chép trong bộ sử ký Tư Mã Thiên về dòng sông thủy ngân bên trong lăng mộ. Theo ước đoán của giới khoa học, hàm lượng thủy ngân ở đây có thể lên tới hơn 100 tấn.

Cho đến ngày nay, lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn được xem là một nơi ẩn chứa nhiều bí mật chưa có lời giải đáp trong lịch sử Trung Quốc. Có lẽ chỉ đến khi công trình này được khám phá toàn bộ, hậu thế mới có được giải đáp chính xác cho những bí ẩn tưởng chừng như đã bị lịch sử vùi chôn vĩnh viễn.

Vua Tutankhamun và 'lời nguyền xác ướp': Chín nhà thám hiểm đã chết

Đâu là nơi an toàn nhất cho những kẻ trộm mộ khi đi đánh cắp báu vật trong các lăng tẩm - 2
Tượng của vua Tutankhamun - Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC CREATIVE

Theo báo Newsweek, vào ngày 4-11-1922, tại Thung lũng các vị vua ở Ai Cập, nhà Ai Cập học người Anh Howard Carter tình cờ bắt gặp một bậc thang đổ nát, một nửa ẩn bên dưới những mảnh vỡ từ lăng mộ của Ramesses IV. Đào sâu hơn, ông phát hiện thêm nhiều bậc thang dẫn đến một cánh cửa đá bị bịt kín.

Ông Carter đã kêu gọi nhà tài trợ của mình, ông Lord Carnarvon, và họ đã cùng nhau khám phá ra một kho báu ấn tượng nhất trong lịch sử Ai Cập học. Ngôi mộ chứa hơn 5.000 hiện vật: vàng, đồ trang sức, đồ cúng và các bức tượng được trang trí công phu.

Tuy nhiên, năm tháng sau cuộc khai quật, ông Lord Carnarvon qua đời, được cho là do viêm phổi và nhiễm độc máu do muỗi đốt bị nhiễm trùng. Một tháng sau, ông George Jay Gould, nhà tài chính giàu có người Mỹ, người đã đến thăm lăng mộ, cũng chết vì căn bệnh tương tự.

Chưa dừng lại ở đó, năm 1924, nhà khảo cổ học người Anh Hugh Evelyn-White đã treo cổ tự tử và để lại một dòng chữ: "Tôi đã khuất phục trước lời nguyền của xác ướp". Cuối năm đó, vị bác sĩ đã chụp X-quang xác ướp trước khi nó được trao cho các nhà chức trách bảo tàng, đã chết vì một căn bệnh không xác định được...

Trong vòng một thập kỷ, ít nhất chín người có liên quan đến cuộc khai quật đã chết. Nhiều người tin rằng đây là bằng chứng cho tin đồn về "lời nguyền của xác ướp".

Đâu là nơi an toàn nhất cho những kẻ trộm mộ khi đi đánh cắp báu vật trong các lăng tẩm - 3
Vua Tut đã cho khắc trong lăng mộ của mình những lời cảnh báo: "Kẻ nào dám quấy rối giấc ngủ của Pharaoh, đều phải chết"

Khi lời giải thích cho chín cái chết vẫn chưa được hé mở thì một vụ việc tương tự đã xảy ra vào những năm 1970, khi ngôi mộ 500 tuổi của vua Ba Lan, Casimir IV Jagiellon, được mở cửa lần đầu tiên tại nhà thờ Wawel ở Krakow. Trong vòng vài ngày sau cuộc khai quật, 4 trong số 12 nhà nghiên cứu đã chết và một số người khác chết trong những tháng sau đó.

Bất chấp những tin đồn về một lời nguyền cổ xưa, các nhà khoa học đã nhanh chóng tìm ra lời giải thích. Các mẫu lấy từ thi hài của vị vua đã chết cho thấy ông đã bị nhiễm các bào tử nấm Aspergillus flavus.

"Hầu hết mọi người hít phải bào tử Aspergillus mỗi ngày mà không bị bệnh. Tuy nhiên, đối với những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, hít thở phải bào tử Aspergillus có thể gây nhiễm trùng phổi hoặc xoang và có thể lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể", ông Tom Chiller, giám đốc chi nhánh Bệnh Mycotic của CDC, nói với báo Newsweek.

Theo ông, có nhiều loại Aspergillus khác nhau. Một số loại nhẹ, nhưng một số rất nguy hiểm và có thể gây chết người. Ông Chiller cho biết Aspergillus tạo ra một loại độc tố gọi là flavitoxin trên ngũ cốc được bảo quản. Chất độc này có thể gây hại hoặc gây tử vong cho con người, động vật và là nguồn chính gây hư hỏng cây trồng.

Các kho báu trong lăng mộ của Tutankhamun có những túi bánh mì và ngũ cốc thô, có thể đã hỗ trợ sự phát triển của loại nấm này. Đối với hầu hết các sinh vật gây bệnh, giết vật chủ của chúng không có lợi vì nó ngăn cản sự lây truyền của chúng. Tuy nhiên, nếu một sinh vật có thể tồn tại trong một thời gian dài bên ngoài vật chủ của chúng, sinh vật có thể tiến hóa để gây chết người nhiều hơn. Lý thuyết này được gọi là giả thuyết chờ đợi.

Để tồn tại trong thời gian dài chờ đợi, vi khuẩn phải chuyển sang trạng thái sinh dưỡng tồn tại cho đến khi chúng tiếp xúc với vật chủ một lần nữa. Đối với Aspergillus, nó sẽ ở dạng bào tử. Nấm Aspergillus được biết là sống trên xác chết và vật chất đang phân hủy và được phát hiện trên các xác ướp Ai Cập cổ đại khác.

Vì vậy đây có thể coi là lời giải thích hợp lý nhất cho chín cái chết của các nhà thám hiểm trong vụ thám hiểm lăng mộ vua Tutankhamun. Điều này cũng cho thấy người xưa ngoài việc đặt những cạm bẫy chết người trong các ngôi mộ, cũng đã tính đến việc tiêu diệt những kẻ xâm phạm đến giấc ngủ ngàn năm của các Pharaoh.

Ngoài ra có thể kể đến những vụ việc đáng sợ khác như vào năm 1921, khi ngôi mộ của Các hoàng tử Egtved ở Đan Mạch được khám phá, một nhóm người đã chết vì việc hít phải khí độc từ trong ngôi mộ. Khí độc được cho là phát ra từ chất độc trong cây sồi được sử dụng để bảo quản xác các hoàng tử. 

Tuy nhiên, dù là trộm mộ hay thám hiểm, những lần xâm nhập lăng mộ cổ của những danh nhân nổi tiếng luôn là điều không được khuyến khích. Cho đến ngày nay, ở các quốc gia có những địa điểm này, lực lượng chức năng luôn cố gắng tiến hành tuyên truyền, bảo vệ cũng như ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp nhằm bảo tồn những di sản văn hóa của quốc gia mình.

QT (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/dau-la-noi-an-toan-nhat-cho-nhung-ke-trom-mo-khi-di-danh-cap-bau-vat-trong-cac-lang-tam-d164275.html